Top 5 máy ảnh mirrorless đã tạo dấu ấn công nghệ của Fujifilm

Fujifilm là công ty con thuộc tập đoàn Fuji, chuyên sản xuất và kinh doanh các thiết bị vật tư ngành ảnh. Trong kỷ nguyên máy film, Fuji có thị trường riêng của mình trong phân khúc máy ảnh khổ lớn medium format cùng với khả năng cung cấp film phong phú, đa dạng, Fuji đã trở thành một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp máy ảnh những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Nhưng sau năm 2000 cho đến 2010, Fuji loay hoay với định hướng phát triển cụ thể, khiến hãng này lại rơi vào tình cảnh khó khăn khi kỷ nguyên máy film đã chấm dứt.

1-Fujifilm Finepix X100: (2/2011)

Được công bố lần đầu- vào sự kiện Photokina 2010, nhưng phải đến tháng 2/2011 máy mới được chính thức có mặt trên thị trường toàn thế giới. Với tên gọi đầy đủ Fujifilm Finepix X100, chiếc máy đầu tiên của series X đã đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của Fuji với thị trường máy ảnh. Sau nhiều năm loay hoay với các mẫu máy Finepix, cộng thêm việc đầu tư vào nhiều ngành kinh tế khác nhau, tưởng chừng như Fuji đã hụt hơi trong cuộc đua với các ông lớn khác, nhưng X-100 đã chứng minh điều ngược lại.

Điểm nổi bật của X-100 chính là về thiết kế bên ngoài với phong cách hoài cổ retro, nó khiến máy trông giống những model máy ảnh rangefinder sử dụng phim cũ như Canon QL17, Minolta Hi-Matic 7, hay thậm chí Leica M… phổ biến vào những năm 1970. Thực sự quá nhiều người đã yêu mến X-100 ngay từ cái nhìn đầu tiên mà chưa cần biết sản phẩm ảnh chụp ra như thế nào.

Mặc dù được chú ý về vẻ bề ngoài bắt mắt, những X-100 cũng làm người dùng bất ngờ bởi những công nghệ mình mang theo. Fujifilm FinePix X100 có lớp vỏ bằng hợp kim magiê và toàn thân bọc da màu đen, trông rất ấn tượng và đẹp dù bạn nhìn ở góc độ nào. Máy hướng tới người dùng chuyên nghiệp với cảm biến CMOS cỡ lớn APS-C 12.3 megapixel, ống kính 23mm với độ mở lớn F/2.0 và khả năng quay phim HD 720p. Kính ngắm lai Hybird ( OVF + EVF) trên X-100 thời đó như một điểm nhấn khá quan trọng, bên ngoài như một kính ngắm lệch giống các máy đời cổ, nhưng bên trong lại cho khả năng hiển thị hình ảnh điện tử như qua gương lật rất xuất sắc.

Dù vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng X-100 là một thành công vang dội của Fuji với thị trường máy ảnh lúc đó. Nói không quá, chính X-100 đã định hình phong cách cho Fujifilm nếu ta nhìn lại những mẫu máy của hãng này trước năm 2010.

2- X-pro 1: (4/2012)

Tháng 4/2012, Fujifilm ra mắt dòng máy ảnh không gương lật (CSC) đầu tiên của mình - Fujifilm X-Pro1, nhưng chất lượng của máy rất đáng nể, gây ấn tượng mạnh với giới nhiếp ảnh thế giới. Ngoài thiết kế mang phong cách retro hoài cổ dựa theo sự thành công trước đó của chiếc X-100, Fujifilm X-Pro1 đã đặt một dấu ấn khác với thế giới nhiếp ảnh lúc đó khi máy tiến tới chất lượng ảnh của DSLR trong một thân máy nhỏ gọn nhờ kết cấu không gương lật.

Sự thay đổi của X-pro 1 so với X-100 ngoài việc mở rộng được hệ ống kính do khả năng thay lens, thì cảm biến của X-pro 1 cũng được tăng đáng kể có kích thước APS-C với độ phân giải 16,3 megapixel, được đặt tên là X-Trans.

X-pro 1 thực sự cho thấy Fuji rất nghiêm túc với định hướng phát triển của mình, đó là thiết kế retro cổ điển, đẹp mắt, chất lượng hình ảnh màu sắc,nổi bật. duy có điều vào thời điểm đó, hệ sinh thái lens của Fuji còn nghèo nàn, mức giá cho một máy có độ phân giải 16,3 megapixel còn cao.

Sự thành công của X-100 như tiền đề để Fuji nâng tầm lên X-pro 1. Nhưng dường như thị trường không gương lật và khả năng linh động khi thay được ống kính như x- pro1 mới chính là hướng phát triển trong tương lai của hãng. Bằng chứng là sau này, X-pro1 là nguồn cảm hứng để Fuji ra mắt rất nhiều các mẫu máy từ thấp cho đến cao, với nhiều phân khúc thị trường, nhiều đối tượng sử dụng hơn trong vòn vẹn 6 năm. (2012-2018)

3- X70: (18/2/2016)

Sau thành công vang dội của X-pro 1, Fuji vừa nâng cấp sản xuất những sản phẩm cao cấp hơn như X-pro2 cũng như X-T1, vừa sản xuất những dòng máy rẻ hơn đánh vào thị trường người tiêu dùng phổ thông như các mẫu X-E, X-A. Cuộc cạnh tranh trên thị trường máy ảnh không gương lật lúc đó thực sự rất gay gắt. Sony sau thành công với Nex đã nâng cấp Mirrorless lên tầm cao mới với cảm biến full-frame. Fuji lại có một quyết định khá ráo bạo, ra mắt chiếc X70, siêu nhỏ gọn với ống kính liền độ mở chỉ 2,8. Sản phẩm này đánh trực tiếp vào những dân chụp pro mê ảnh phố lẫn nhu cầu máy ảnh gia đình cần nhỏ gọn tiện lợi.

Để làm được điều này, X70 đã hy sinh khả năng thay đổi ống kính giống như các dòng máy đang thịnh hành của Fuji lúc bấy giờ. Thậm chí để phục vụ kích thước nhỏ hơn, ống kính fix trên máy này còn có độ mở nhỏ hơn cả mẫu máy x100 ra đời từ 5 năm trước (f/ 2.8 so với f/ 2.0) . Đặc biệt hơn, Fuji đã bỏ luôn cả kính ngắm điện tử lai, một thiết kế đặc trưng của hãng trên các sản phẩm đời trước nhằm thu nhỏ kích cỡ máy ảnh cũng như giảm thiểu chi phí sản xuất.

Dù chưa thực sự tạo được dấu ấn giống như những người tiền nghiệm trong dòng X-series, nhưng có thể nói, X70 như một nỗ lực của Fuji trong công cuộc luôn làm mới mình, và tìm hiểu đáp ứng nhu cầu của bộ phận người sử dụng cần sự tiện lợi, nhỏ gọn mà chất lượng hình ảnh vẫn vượt trội.

4- GFX 50S: (28/2/2017)

Sau khi Sony ra A7, máy ảnh full frame mirrorless, Fuji quyết định nhường hẳn thị trường không gương fullframe cho đối thủ. Hãng này đã quyết định bước một bước lớn khi đánh vào phân khúc Medium Format (có kích thước cảm biến lớn hơn kích thước full frame) với sản phẩm mang tên GFX 50S.

Với bắt đầu tên gọi bằng chữ G, Fuji như nhắc cho người dùng tới dòng máy rất thành công trong quá khứ, các dòng GA 645, hay 690 của hãng. Cảm biến medium format khổ lớn của GFX 50S có kích thước lên đến 43,8 x 32,9mm (full frame là 36mm x 24mm).

Là một máy không gương lật, lại có cảm biến của một máy medium format có độ phân giải lên đến 50 megapixel, GFX 50S chính là một bước tiến mới của Fuji với thị trường máy ảnh. Mặc dù hệ sinh tháy lens của GFX còn chưa được phong phú, nhưng với chất lượng hình ảnh cao, thiết kế nhỏ gọn cùng giá thành chấp nhận được thì Fuji dường như luôn biết tìm ra con đường của riêng mình trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của thị trường máy ảnh nói chung.

5- X-H1: (2/2018)

Nhận thấy thị trường máy ảnh chuẩn bị bước sang kỷ nguyên video hóa, Fuji không cho mình đứng yên nhìn vòng xoáy phát triển. Đầu nam nay, hãng đã ra mắt máy ản Fujifilm X-H1, đây là chiếc máy ảnh Flagship hoàn toàn mới của X-Series, mang sức mạnh của X-T2 và bổ sung thêm khả năng quay video cao cấp hơn. Với ngoại hình to hơn, Fujfilm có thể bổ sung thêm sức mạnh phần cứng cho X-H1 như chống rung cảm biến 5 trục, hệ thống tản nhiệt tốt hơn để phục vụ cho quay video, hạn chế hiện tượng overheat. Có thể nói đây là chiếc máy ảnh đầu tiên của Fujifilm thực sự được đầu tư nghiêm túc về quay video.

Fujifilm cho biết khi kết hợp với các ống kính OIS của hãng thì khả năng chống rung của X-H1 lên đến 5.5 stop, là mức chống rung rất cao thường thấy trên các máy cao cấp như Sony A7r III hay Olympus E-M1 III.
Về khả năng quay video, X-H1 có thể quay video 4K DCI 24p và 4K UHD 30p. Chiếc máy ảnh này còn có F-log, một profile video cho chất lượng cao hơn quay video thông thường. Về chất lượng video, X-H1 có thể quay video với bitrate lên đến 200Mbps, gấp đôi chiếc X-T2.

Rõ ràng, ta chưa thể kiểm chứng được độ thành công của chiếc X-H1, song việc luôn thay đổi mình, luôn lắng nghe người tiêu dùng chính là điểm mạnh và mang lại nhiều thành công cho Fuji. Chúng ta hay cùng chờ câu trả lời từ chính những đánh giá của người tiêu dùng trong thời gian tới.

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/top-5-may-anh-mirrorless-da-tao-dau-an-cong-nghe-cua-fujifilm.2802978/