Top 3 phim về đề tài nhận con nuôi mà bạn không nên bỏ lỡ

Đối với những đứa trẻ mồ côi thiếu vắng tình thương từ khi mới lọt lòng, việc được nhận nuôi đã là một niềm vui tuyệt vời. Và sẽ càng là một sự may mắn không gì sánh bằng khi chúng được nuôi nấng và trưởng thành trong sự quan tâm chăm sóc đầy tình yêu thương từ bố mẹ nuôi. Thế nhưng, ở quá trình xây dựng một gia đình đầm ấm và hạnh phúc thì các bậc phụ và chính bản thân những đứa trẻ sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và rào cản ban đầu.

Trong tất cả những loại hình nghệ thuật mang mục đích truyền tải thông điệp, điện ảnh là một cầu nối gần gũi nhất, dễ tiếp cận nhất và không thể hoàn hảo hơn để có cái nhìn đa chiều và sâu sắc về các vấn đề xã hội, mà cụ thể ở đây là việc nhận con nuôi. Bởi thông qua những thước phim được khắc họa chân thực và sống động, khán giả sẽ hiểu được những phương thức tốt để giáo dục trẻ em và tháo gỡ những vướng mắc khó nói giữa trẻ được nhận nuôi và cha mẹ. Dưới đây là danh sách những bộ phim được đánh giá cao về đề tài nhận con nuôi. Tuy mang phong cách truyền tải và câu chuyện khác nhau, nhưng 3 tác phẩm dưới đây đều có một điểm chung: đem lại những cung bậc cảm xúc đáng nhớ nhất về tình cảm gia đình trong trái tim mỗi người xem.

1. Con Nuôi Bất Đắc Dĩ (2019)

Lấy cảm hứng từ chính câu chuyện của cuộc đời đạo diễn / biên kịch Sean Anders, Con Nuôi Bất Đắc Dĩ (Tựa gốc: Instant Family) là bộ phim hài kể về công cuộc nhận con nuôi “bão táp” của cặp vợ chồng Pete (Mark Wahlberg) và Ellie (Rose Byrne). Ban đầu họ chỉ tính nhận một đứa trẻ tuổi teen Lizzy (Isabela Moner) nhưng rồi cuối cùng lại rước thêm cả 2 người em của cô bé về nhà. Nếu như cô chị Lizzy đang đến tuổi nổi loạn thì hai nhóc tì Lita và Juan lại cực trái tính trái nết, hiếu động và khó bảo. Ngoài việc phải đương đầu với những trò nghịch ngợm của hai đứa nhỏ và chiến tranh lạnh từ cô chị lớn thì Pete và Ellie lần đầu tiên trong đời sẽ vừa phải vật lộn với những bài học làm cha làm mẹ, vừa phải cố gắng hết sức để gắn kết những thành viên mới và nuôi nấng, dạy bảo chúng một cách thành công.

Những rào cản ban đầu với cô con nuôi tuổi teen Lizzy (Isabela Moner thủ vai) có khiến Ellie (Rose Byrne thủ vai) bỏ cuộc trong hành trình trở thành người mẹ tốt hay không?

Con Nuôi Bất Đắc Dĩ khắc họa lại chính trải nghiệm của đạo diễn Sean Anders khi bản thân anh cũng đã nhận nuôi 3 đứa trẻ bị bỏ rơi bởi một người mẹ nghiện thuốc. Trong quá trình kiến tạo tác phẩm, có những câu chuyện thú vị đằng sau hậu trường phim mà không phải ai cũng biết. Một câu chuyện đặc biệt trong số đó chính là về nhân vật cô con nuôi 15 tuổi Lizzy. Để xây dựng một cách chân thực nhất hình tượng cô bé này, đạo diễn Anders cũng đã liên lạc lại với trung tâm cũ (nơi anh đã nhận nuôi 3 đứa trẻ đáng yêu) để tìm đến một người đã từng được nhận nuôi khi đang ở lứa tuổi teen tên Maraide Green (và sau đó cô gái này cũng tham gia vào bộ phim với tư cách trợ lý sản xuất).

Sự kết hợp ăn ý giữa Rose Byrne và Mark Wahlberg trong vai cặp bố mẹ lơ ngơ Ellie – Pete là một điểm sáng của phim

Với số điểm Rotten Tomatoes đạt 82/100, cùng sự đầu tư chăm chút vào việc khắc họa chân thực từng chi tiết trong câu chuyện, không khó để lý giải vì sao Con Nuôi Bất Đắc Dĩnhận được những tràng khen ngợi từ giới phê bình và khán giả đại chúng. Tác phẩm hài – gia đình mới nhất đến từ đạo diễn Sean Anders đã đem đến những tình huống hài hước, ấm áp nhưng cũng đầy xúc động qua câu chuyện về một cặp phụ huynh còn lơ ngơ nhưng tốt bụng, cùng ba đứa trẻ ngỗ nghịch bướng bỉnh nhưng luôn khao khát tình yêu thương từ cha mẹ. Và qua câu chuyện được truyền tải trong phim, toàn bộ ekip sản xuất đã mang theo hy vọng rằng bộ phim sẽ giúp khán giả sẽ có một cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề nhận con nuôi. Bên cạnh đó, thông qua loạt tình huống hài hước và ấm áp, Con Nuôi Bất Đắc Dĩ sẽ là một lựa chọn xuất sắc cho cuộc sum họp vui chơi của các gia đình trong những ngày đầu tiên của năm mới 2019.

2. Lion (2016)

Vào năm 2011, có một câu chuyện về hành trình 25 năm của Saroo Brierley – một doanh nhân gốc Ấn Độ tìm về nguồn cội đã từng gây chấn động thế giới. Chuyến đi trở về quê hương của Saroo vừa là câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, vừa là bài học đậm chất nhân văn về sự sẻ chia và tình yêu thương vượt qua ranh giới địa lý, sắc tộc. Và cuộc tìm kiếm diệu kỳ đó đã được đạo diễn Garth Davis chuyển thể lên màn ảnh rộng vào năm 2016 trong bộ phim Lion.

Lion là tác phẩm đầy nhân văn về tình yêu thương của cha mẹ nuôi dành cho đứa con khác sắc tộc.

Như rất nhiều đứa trẻ sinh ra ở vùng nông thôn rộng lớn và nghèo khó của Ấn Độ vào thập niên 1980, thuở bé Saroo (Sunny Pawar thủ vai) chưa bao giờ có cơ hội tận hưởng cảm giác no đủ khi mẹ cậu phải một mình gánh vác ba đứa con nheo nhóc bằng nghề khuân vác trong các mỏ đá ở ngoại vi thành phố Khandwa. Trong một lần chờ anh trai đi kiếm ăn trên sân ga khuya, cậu bé 5 tuổi ngủ quên trên toa tàu vắng mà không ngờ rằng con tàu không người đó sẽ đưa mình vượt qua cả chiều ngang của tiểu lục địa Ấn Độ, với điểm đến cuối cùng là thành phố biển Calcutta. Dĩ nhiên, giữa Calcutta đông đúc vẫn tồn tại những tấm lòng nhân hậu muốn giúp đỡ Saroo tìm về với gia đình. Sau những ngày tháng triền miên lạc lõng giữa một vùng đất xa lạ, vận may cuối cùng đến với Saroo khi cậu cùng một đứa bé lang thang khác (Keshav Jadhav) được đôi vợ chồng người Australia là Sue (Nicole Kidman) và John Brierley (David Wenham) nhận làm con nuôi. Từ Calcutta chu du tới hòn đảo xa xôi Tasmania, Saroo Brierley (Dev Patel thủ vai) lớn lên trong tình thương yêu hết mực và sự chăm sóc tận tình của Sue và John, sau này khi đã trở thành một doanh nhân thành đạt, thì nỗi nhớ mẹ, nhớ anh trai thì vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim Saroo. Với sự động viên của cô bạn gái Lucy (Rooney Mara) và sức mạnh công nghệ từ phần mềm bản đồ Google Earth, chàng trai quyết tâm lần theo những mảnh vụn ký ức về cung đường định mệnh năm xưa, với hy vọng tìm thấy mẹ đẻ, tìm thấy anh trai, tìm thấy quê hương.

Khoảnh khắc Saroo (Dev Patel thủ vai) trở về bên người mẹ ruột sẽ là một trong những khoảnh khắc cảm động nhất màn ảnh

Nhà biên kịch của Lion là Luke Davis đã có chuyến trải nghiệm tại Ấn Độ để truyền tải hành trình của Saroo một cách chân thực nhất. “Lion là câu chuyện tìm về quê hương, chấp nhận bản thân. Chúng tôi muốn mang đến bầu không khí yêu thương, thay vì thù hận thông qua tác phẩm này”, Davis nói. Đối với nhiều khán giả, Lion không chỉ là hành trình tìm về nguồn cội của một con người mà còn chứng minh tình thương và sự quan tâm của những cặp bố mẹ nuôi có thể cưu mang những số phận bất hạnh thế nào. Chứng kiến hành trình đáng kinh ngạc, vượt qua khoảng cách không gian, thời gian, định kiến của Saroo để tìm lại tình cảm đích thực dành cho người thân, khán giả sẽ nhận ra rằng chẳng biên giới nào có thể ngăn cản con người đến với nhau một khi đã trao cho nhau niềm yêu thương chân thành. Nhờ sự chất lượng trong cách truyền tải câu chuyện, dàn diễn viên và các yếu tố kĩ thuật khác, Lion là một chiến binh tạo nên dấu ấn rất lớn tại các đấu trường điện ảnh năm đó. Sau khi gây chú ý tại Liên hoan phim Toronto 2016, tại lễ trao giải thưởng Oscar 2017, Lion đã nhận được tổng cộng đề cử cho 6 hạng mục: Phim truyện, Nam diễn viên phụ (Dev Patel), Nữ diễn viên phụ (Nicole Kidman), Kịch bản chuyển thể, Quay phim và Nhạc nền trong phim xuất sắc nhất.

3. The Blind Side (2009)

Nhắc đến những bộ phim khai thác đề tài nhận con nuôi, sẽ là một thiếu sót vô cùng lớn nếu không nhắc đến cái tên The Blind Side. Câu chuyện của phim được mở ra dưới góc nhìn của Michael Oher (Quinton Aaron thủ vai), trong hành trình đầy thăng trầm của cậu bé da màu rong ruổi chạy trốn khỏi khắp những ngôi nhà cậu được nhận nuôi. Bất chấp việc không có gia đình và một kết quả học tập yếu, Michael vẫn nhận được sự dang tay giúp đỡ của huấn luyện viên đội bóng bầu dục Wingate Christian School và cả cậu bạn Sean Jr. (Jae Head thủ vai). Mọi chuyện đã thực sự rẽ sang một hướng hoàn toàn khác khi trong một đêm mưa lạnh, cha mẹ giàu có của Sean Jr. là Leigh Anne Tuohy (Sandra Bullock thủ vai) và Sean Tuohy (Tim McGraw thủ vai) đã tìm thấy Michael co ro trong giá rét để rồi không thể cầm lòng mà đã cho cậu “trú tạm” một đêm. Có lẽ lúc đó gia đình nhà Tuohy cũng không thể ngờ rằng, đứa con nuôi này sẽ thay đổi vận mệnh của họ mãi mãi.

The Blind Side là một trong những tác phẩm được đánh giá cao về đề tài nhận con nuôi.Trong ảnh (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới): Lily Collins trong vai cô con gái Collins; Quinton Aaron trong vai cậu con nuôi Michael; “huyền thoại nhạc đồng quê” Tim McGraw trong vai ông bố Sean; Jae Head trong vai cậu bé Sean Jr. cùng nữ diễn viên tài năng Sandra Bullock trong vai Leigh Anne Tuohy.

Được chuyển thể từ một cuốn sách cùng tên của tác giả Michael Lewis, The Blind Slide vào thời điểm ra mắt đã đạt con số doanh thu lên đến gần 310 triệu đô la. Bên cạnh đó, vào năm 2010, tác phẩm được chắp bút và cầm trịch bởi đạo diễn John Lee Hancock này đã đem về đề cử Oscar cho Phim xuất sắc nhất và giải Nữ Diễn viên Xuất sắc nhất cho minh tinh Sandra Bullock ở cả đấu trường Oscar và Quả Cầu Vàng. Dịu dàng và thấm đẫm tinh thần lạc quan, The Blind Side là câu chuyện đầy nghị lực về một cậu bé mồ côi đã trở thành vận động viên bóng bầu dục nổi tiếng của Mỹ nhờ tình thương của người mẹ nuôi. Chính Leigh là người đã đem lại cho Michael không chỉ cái ăn cái mặc no đủ mà còn là mái ấm thực sự khi cô đã yêu thương cậu con nuôi như con đẻ, quan tâm từ những thứ nhỏ nhất trong bối cảnh xã hội Mỹ còn nhiều kỳ thị. Chắc chắn đây là một bộ phim sẽ lấy đi nhiều nước mắt của người xem bởi câu chuyện ấm áp giữa những tâm hồn cao đẹp.

Vai diễn người mẹ tận tâm Leigh của Sandra Bullock là một trong những điểm sáng vô cùng đáng nhớ của The Blind Side.

Ngân An

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/top-3-phim-ve-de-tai-nhan-con-nuoi-ma-ban-khong-nen-bo-lo-d18973.html