Đức tham gia đường đua chế tạo 'taxi vệ tinh' cạnh tranh với SpaceX

Trước xu hướng bùng nổ của vệ tinh thương mại, nhiều công ty tại Đức đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc đua trong lĩnh vực nghiên cứu không gian vũ trụ, tập trung vào chiến lược chế tạo các tên lửa đẩy cỡ nhỏ để đưa vệ tinh lên quỹ đạo, nhằm cạnh tranh với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ SpaceX.

SpaceX của tỷ phú người Mỹ Elon Mush hiện là nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại hàng đầu trên thế giới với hệ thống tên lửa đẩy tái sử dụng Falcon 9 đã chứng minh được sự ổn định trong nhiều năm qua. Khác với các công ty vũ trụ tại Mỹ, Đức đang nghiêm túc tham gia vào cuộc đua không gian này với nhiều dự án tiềm năng tập trung chế tạo các vệ tinh cỡ vừa và nhỏ.

Tên lửa RFA. Ảnh: ESA.

Tên lửa RFA. Ảnh: ESA.

Gần đây nhất vào cuối tháng 7 vừa qua, công ty khởi nghiệp Rocket Factory Augsburg (RFA) của Đức đã thực hiện thành công “thử nghiệm lửa tĩnh” đầu tiên với mẫu tên lửa RFA One. Dù có thiết kế nhỏ gọn, song tên lửa RFA One cho phép chở thêm 30% lượng hàng hóa hoặc thiết bị lên quỹ đạo, tối ưu hóa việc tiết kiệm nhiên liệu và chi phí.

Giám đốc điều hành RFA Joern Spurmann cho biết: “Chúng tôi muốn cách mạng hóa và phá vỡ thị trường dịch vụ vận chuyển vũ trụ đắt đỏ hiện nay. Chúng tôi đang nghiên cứu và chế tạo mọi thứ với chi phí cực thấp để tất cả mọi người đều có thể thám hiểm vũ trụ trong tương lai”.

Dự kiến, trong thời gian tới, RFA One có thể vận chuyển 1,3 tấn hàng hóa và vật liệu với chi phí vào khoảng 5 triệu euro.

Cũng là một cái tên nổi bật trong lĩnh vực chế tạo tên lửa đẩy tại Đức, Hàng không Vũ trụ Isar Aerospace có trụ sở bên ngoài Munich, Đức mới đây cũng công bố kế hoạch phóng thử nghiệm tên lửa "Spectrum" lần đầu tiên vào đầu năm sau. Đăng tải trong đoạn video giới thiệu, Isar Aerospace dự báo giá trị thị trường tên lửa đẩy mini sẽ tăng trưởng lên hơn 30 tỷ euro (tương đương 35 tỷ USD) trong năm 2027, trong đó vệ tinh cỡ vừa và nhỏ sẽ chiếm hơn 33% trong tổng số.

Marco Stemer – người đứng đầu bộ phận chế tạo tên lửa đây của Isar Aerospace nhận định: “Hãy nhìn vào kỹ thuật phát triển vũ trụ trong những thập kỷ gần đây, bạn sẽ nhận thấy rằng các con đường cố định ngày càng nhỏ và hẹp hơn. Vì vậy, đặt ra yêu cầu cho các phương tiện vũ trụ cần nâng cấp về kỹ thuật và kích thước để thích nghi trong nhiều trường hợp. Do đó, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các tên lửa đẩy với kích thước nhỏ hoặc vừa, đáp ứng đòi hỏi và xu hướng thời đại”.

Bên cạnh đó, nhà sáng lập Daniel Metzler của Isar Aerospace cho biết, những vệ tinh có kích thước nhỏ nhất 10x10cm với trọng lượng khoảng 1kg vẫn có thể quay quanh quỹ đạo với vận tốc 28.000 km/h. Do vậy, việc giảm kích cỡ tên lửa đẩy và tối đa hóa hiệu quả sẽ giúp các công ty tiết kiệm chi phí.

Dự kiến, các dự án vũ trụ của Đức trên đang lên kế hoạch phát triển một phi đội gồm từ 20 đến 40 tên lửa đẩy cỡ nhỏ và vừa, có thể tái sử dụng, nhằm phục vụ các vụ phóng vào không gian mỗi năm./.

CTV Mỹ Linh/VOV1 biên dịch Theo Space News

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/duc-tham-gia-duong-dua-che-tao-taxi-ve-tinh-canh-tranh-voi-spacex-880476.vov