Tổng tuyển cử ở Thái Lan - Cuộc đua quyết liệt với nhiều ẩn số khó đoán định

Cuộc bầu cử vốn nhiều lần bị trì hoãn ở Thái Lan cuối cùng đã được ấn định vào ngày 24/3 tới và đến nay Ủy ban bầu cử Thái Lan đã chốt xong danh sách ứng cử viên chính thức của các chính đảng chạy đua vào chức Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử này. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

Chốt danh sách ứng cử viên Thủ tướng

Cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan lần này diễn ra trong bối cảnh kế hoạch tổ chức bầu cử đã nhiều lần bị trì hoãn trước đó do những lý do liên quan tới các vấn đề hiến pháp và lập pháp cần thiết trước bầu cử. Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) của Thái Lan đã nhiều lần ra tuyên bố ấn định thời điểm tổ chức tổng tuyển cử, nhưng các mốc dự kiến ngày bầu cử này đã liên tục bị hoãn.

Phải đến ngày 11/12/2018, khi chính quyền Thái Lan dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị ở nước này thì đây mới được coi là "bước chạy đà" để hướng tới cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan. Sau đó, Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết thời điểm tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 24/2/2019. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan lại bày tỏ quan ngại rằng các sự kiện liên quan tới bầu cử sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị cho lễ đăng quang của Nhà Vua Maha Vajiralongkorn, dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 6/5 tới.

Vì vậy, vào ngày 23/1, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã ấn định thời điểm mới cho cuộc bầu cử là vào ngày 24/3 tới. Đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

Trong diễn biến mới nhất nhằm hướng tới cuộc tổng tuyển cử, ngày 11/2/2019, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã công bố danh sách ứng cử viên chính thức của các chính đảng chạy đua vào chức thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Đáng chú ý, trong danh sách ứng cử viên có Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha được đảng Palang Pracharat (Quyền lực nhân dân của nhà nước) đề cử. Trong khi đó, Công chúa Ubolratana, 67 tuổi, lại không có tên trong danh sách này.

Ông Preechapol Pongpanich, lãnh đạo đảng Thai Raksa Chart cầm trên tay tờ đăng ký ứng viên tranh cử thủ tướng của Công chúa Ubolratana. Ảnh Reuters.

Trước đó vào ngày 8/2, Công chúa Ubolratana - con gái cả của nhà vua quá cố Bhumibol Adulyadej, được đề cử làm ứng viên cho chức thủ tướng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 24/3. Bà sẽ đại diện cho đảng Thai Raksa Chart thân với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Nhưng động thái này lại gây chấn động ở Thái Lan bởi đây là sự việc chưa từng có tiền lệ, phá vỡ truyền thống đứng ngoài chính trị của Hoàng gia Thái Lan. Trong lịch sử Thái Lan, chưa có một thủ tướng nào xuất thân Hoàng gia kể từ khi nước này thiết lập chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932.

Do đó, lý giải nguyên nhân công chúa Ubolratana không có tên trong danh sách ứng cử viên, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã dẫn lời Nhà Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn cho biết, việc một đảng chính trị đề cử chị gái ông - Công chúa Ubolratana - làm ứng cử viên thủ tướng nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới ở Thái Lan là "không thích hợp và vi hiến".

Theo Luật bầu cử của Thái Lan, nước này cấm các đảng lợi dụng hoàng gia trong các chiến dịch tranh cử. Do đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan hiện vẫn đang cân nhắc về khả năng cấm đảng Thai Raksa Chart tham gia cuộc bầu cử lần này.

Nhiều ẩn số khó đoán

Tính đến thời điểm hiện tại, chính trường Thái Lan đang trong cuộc đua nước rút, quyết liệt giữa các các lực lượng, phe phái chính trị để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/3 tới. Cuộc bầu cử này được kỳ vọng sẽ đưa lịch sử Thái Lan sang một trang mới kể từ sau cuộc đảo chính quân sự cách đây 5 năm (vào ngày 22/4/2014).

Trong chiến dịch tranh cử, đã có tổng cộng 106 đảng chính trị đăng ký tham gia cuộc đua lần này, song theo quy định của Luật Đảng chính trị, chỉ có 41 chính đảng đủ tiêu chuẩn đăng ký tham gia tranh cử.

Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, người dân Thái Lan sẽ bầu 500 hạ nghị sỹ, còn 250 thượng nghị sỹ sẽ do Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) chỉ định và thông qua.

Tại Hạ viện, dự kiến 350 ghế được bầu theo khu vực bầu cử và 150 ghế theo danh sách các đảng chính trị. Bầu Hạ viện sẽ áp dụng “Hệ thống bầu cử hỗn hợp”, một lá phiếu bầu cho cả 3 vị trí nghị sỹ, ứng cử viên Thủ tướng của các đảng và nghị sỹ theo danh sách đảng chính trị. Sau khi có kết quả bầu Hạ viện, Quốc hội gồm cả Thượng viện và Hạ viện (gồm 750 ghế) sẽ tham gia bầu Thủ tướng và chọn Nội các mới.

iện tại, đảng Palang Pracharath mà đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha là ứng cử viên đại diện đang tỏ rõ sức mạnh cả về tài chính và lực lượng ủng hộ, tiếp tục tập hợp, lôi kéo lực lượng từ các đảng chính trị khác.

Đảng Palang Pracharath của Thủ tướng Prayut đã công bố 4 chính sách tranh cử lớn gồm: Chính sách an sinh nhà nước, với việc tăng thêm 2-3 triệu người được hưởng an sinh của chính phủ, trong đó tập trung vào người cao tuổi, người tàn tật; Chính sách thúc đẩy kinh tế nhà nước thông qua giải quyết nợ công và xây dựng quỹ đầu tư nông thôn; Chính sách nông nghiệp nhà nước - “Tăng 3” gồm thu nhập, sự lựa chọn, giá trị công nghệ, “Giảm 3” gồm nợ, chi phí đầu vào và các nguy cơ; Chính sách đất đai, theo đó hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng đất đai. Chủ tịch đảng, ông Uttama Savanayana, tuyên bố sẵn sàng liên minh với các đảng khác có cùng đường hướng để thành lập chính phủ liên minh.

Trong khi đó, các đảng chính trị khác như đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra, hay đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva… cũng đồng loạt triển khai rầm rộ các hoạt động vận động tranh cử.

Đảng Puea Thai và các đảng liên minh đặt mục tiêu giải quyết nợ công, dự kiến sẽ lên tới gần 50% GPD năm 2022, ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị, tăng thu nhập cho người dân... Nếu thắng cử, đảng Puea Thai sẽ tập trung thúc đẩy xuất khẩu sang các nước ASEAN, thúc đẩy đàm phán thương mại với các đối tác nước ngoài, xem xét lại Chiến lược Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) và các dự án tàu cao tốc…

Còn đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva thì đưa ra chính sách tập trung vào sửa đổi hệ thống pháp lý, chống tham nhũng và phân quyền lực về địa phương, giải quyết vấn đề an sinh, cải tổ hệ thống thuế.... Đảng Dân chủ cũng cổ xúy cho tăng cường thương mại với Trung Quốc theo khung hợp tác của ASEAN, không coi trọng hợp tác thương mại song phương. Đảng này chủ trương hợp tác với các đảng có đường lối dân chủ tự do.

Nhà tài phiệt Thanathorn Juangr ... gruankit. (Nguồn Bloomberg)

Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến một đảng mới được thành lập giữa năm 2018 là đảng Tương lai mới (FFP) của tài phiệt Thanathorn Juangroongruankit, 40 tuổi.

FFP đưa ra cương lĩnh tranh cử cổ xúy dân chủ và tập trung vào lực lượng cử tri là giới trẻ và sinh viên. Chính sách tranh cử của FFP tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, nâng cao dịch vụ công, và nếu thắng cử sẽ xem xét lại các hợp đồng mua vũ khí của chính phủ quân sự. Đảng này cũng chủ trương không liên minh với các nhóm đảng nằm dưới sự hậu thuẫn của Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) để thành lập chính phủ liên hợp…

Có thể thấy, cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Thái Lan quy tụ sự tham gia của rất nhiều đảng phái và cuộc đua đang trong giai đoạn nước rút, quyết liệt. Hiện tại, theo các kết quả thăm dò thì dường như đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, xét tương quan lực lượng hiện tại thì việc một đảng duy nhất có thể giành được trên 376 ghế trong tổng số 750 ghế tại Quốc hội để đứng ra thành lập chính phủ là điều không thể, kể cả đối với đảng Palang Pracharath cầm quyền.

Trong khi đó, đối với đa số người dân Thái Lan thì kinh tế hiện mới là mối quan tâm hàng đầu. Trong các cuộc thăm dò, đa số người dân Thái Lan đều mong muốn nhìn thấy sự khởi sắc kinh tế đất nước sau cuộc bầu cử tới đây.

Trong cuộc thăm dò dư luận do Viện Quản trị phát triển quốc gia Thái Lan (NIDA) thực hiện tháng 12/2018 đối với nhóm người có độ tuổi từ 40 trở lên có trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau trên toàn quốc, có hơn 60% người được hỏi mong muốn nền kinh tế đất nước được cải thiện và 10,16% mong muốn đất nước trở nên dân chủ. Khi được hỏi về kỳ vọng đối với các đảng chính trị tham gia cuộc bầu cử sắp tới, 72,56% trả lời họ kỳ vọng vào chính sách giải quyết các vấn đề kinh tế và nợ tiêu dùng.

Ngoài ra, kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Super Poll thực hiện cuối năm 2018 cũng cho thấy, đa số người dân chưa quyết định ủng hộ một lực lượng chính trị cụ thể nào trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trong bối cảnh đó, cuộc đua sắp tới ở Thái Lan hiện vẫn đang tiềm ẩn nhiều ẩn số khó đoán.

Phạm Hà

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tong-tuyen-cu-o-thai-lan-cuoc-dua-quyet-liet-voi-nhieu-an-so-kho-doan-dinh-87505.html