Tổng tuyển cử ở Thái Lan: Cuộc đua của niềm tin

Thái Lan sẽ tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 24-3 tới nhằm khôi phục chính quyền dân sự. Đây sẽ là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Tiến trình đăng ký ứng cử viên bắt đầu từ ngày 4-2 với hàng nghìn ứng cử viên của hàng chục đảng đăng ký tham gia cuộc đua. Trong cuộc đua này, đảng nào giành được niềm tin của đa số cử tri, đảng đó sẽ chiến thắng.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại Băng Cốc, Thái Lan. Ảnh: Observer

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại Băng Cốc, Thái Lan. Ảnh: Observer

Ai “có lợi”?

Tham gia cuộc Tổng tuyển cử này còn có đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra và đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Ngày 1-2, đảng Palang Pracharat (Quyền lực nhân dân của Nhà nước) ủng hộ chính quyền quân sự ở Thái Lan đã chính thức đề cử Thủ tướng Prayut Chan-o-cha là một trong ba ứng cử viên Thủ tướng của đảng này. Hồi tháng 1, chính quyền quân sự Thái Lan đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các hoạt động chính trị nhằm cho phép các đảng tiến hành chiến dịch tranh cử. Điều này đã vô hình trung tạo lợi thế đầu tiên cho đảng Palang Pracharat trong công cuộc chinh phục niềm tin của cử tri Thái Lan.

Cuộc bầu cử năm nay chắc chắn sẽ rất quan trọng đối với tương lai của nền dân chủ Thái Lan, mặc dù kết quả trên thực tế khá dễ đoán. Hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2017 kết hợp các cơ chế pháp lý được thiết kế đã cho phép Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) và các tướng lĩnh vẫn nắm giữ quyền lực sau cuộc bầu cử. Trước đó, đã có những tranh cãi chính trị diễn ra liên quan đến giá trị của các cuộc bầu cử.

Tuần trước, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã có bài phát biểu về những thành tựu mà ông đạt được trong gần 5 năm nắm quyền. Đảng Palang Pracharat thân chính quyền quân sự hy vọng sẽ tận dụng được các chương trình dân túy của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha để giành phiếu bầu. Tầng lớp trung lưu thành thị vẫn tỏ thái độ căm ghét gia tộc Shinawatra và điều này có lợi cho đảng Palang Pracharat, đảng Dân chủ và đảng Ruam Palang Pracharat Thai. Tuy nhiên, ở nông thôn miền Bắc Thái Lan, bức tranh lại hoàn toàn khác. Những người dân nơi đây vẫn rất yêu mến cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và em gái của ông là cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Giá trị của cuộc bầu cử

Theo lẽ thường, tức là phù hợp với quy định trong Hiến pháp, NCPO có thể vẫn duy trì quyền lực, với Prayut Chan-o-cha hoặc một người thay thế khác làm Thủ tướng tiếp theo. Quyền biểu quyết của 250 thượng nghị sĩ do NCPO chỉ định, được ghi trong Hiến pháp năm 2017, đảm bảo điều đó. Vì vậy, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao phải tổ chức bầu cử? Cuộc bỏ phiếu sẽ là một phong vũ biểu quan trọng về việc Thái Lan có phát triển được hay không?

Từng là một ngọn hải đăng trong khu vực về dân chủ và phát triển trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, sự tiến bộ của nền dân chủ Thái Lan đã đột ngột dừng lại và đảo ngược bởi các cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và 2014. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những lực lượng mới như đảng Tương lai mới không chỉ khuyến khích một thế hệ mới tham gia chính trị, mà còn ảnh hưởng đến các đảng cũ như đảng Dân chủ, mang đến không gian cho những người mới tham gia chính trị.

Tất nhiên, sự xuất hiện của những gương mặt trẻ sẽ không làm biến đổi nền chính trị Thái Lan chỉ sau một đêm. Lực lượng chính trị bảo thủ có nguồn gốc sâu xa và bền chắc, nhưng những người mới tham gia chính trị có thể mang lại những ý tưởng mới cho phong trào dân chủ của Thái Lan trong thời gian dài.

Bất chấp sự chỉ trích trong nước và quốc tế, chính quyền quân sự Thái Lan tiếp tục nhấn mạnh khả năng đảm bảo “một cuộc bầu cử tự do và công bằng”, từ chối sự cần thiết phải có các nhà quan sát quốc tế từ Liên minh châu Âu hoặc Liên hợp quốc. Các hạn chế do NCPO áp đặt có thể dẫn tới việc buộc phải có các vận động “mang tính xây dựng” nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong số các chính trị gia chống chính quyền quân sự.

Tại vùng Ixan, nơi các cuộc biểu tình mạnh mẽ đang được theo dõi chặt chẽ, nhiều ứng cử viên của Pheu Thai đã tránh chỉ trích NCPO. Thay vào đó, họ đang tập trung vào một bài diễn văn tích cực hơn, với các khẩu hiệu như: “Anh em ơi, đó là tiếng nói, là quyền được bầu chọn trong cuộc bầu cử tháng 3” và “Anh em ơi, chúng ta có thể giành lại quyền lực của mình bằng cách đi bầu cử và bỏ phiếu chống lại họ”. Điều này giúp thấm nhuần một giá trị dân chủ cốt lõi trong tâm trí của cử tri - quyền lực của người dân.

Niềm tin... hợp pháp

Mới đây, đảng Raksa Chart của Thái Lan vừa đẩy cuộc bầu cử của nước này vào tình trạng hỗn loạn, khi họ đề cử công chúa Ubolratana Rajakanya làm ứng cử viên Thủ tướng. Theo truyền thống, Hoàng gia Thái Lan đứng ngoài chính trị, vì vậy đây là một động thái chưa từng có. Tin công chúa Ubolratana ra ứng cử hoàn toàn áp đảo tin Palang Pracharat chính thức ghi danh Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm ứng cử viên Thủ tướng.

Công chúa Thái Lan Ubolratana Rajakanya từ bỏ ứng cử vị trí Thủ tướng trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Ảnh: DPA

Công chúa Ubolratana Rajakanya, năm nay 67 tuổi, là chị cả của vua Maha Vajiralongkorn đã đồng ý và ghi danh ứng cử cho đảng Raksa Chart của Thái Lan. Preechapol Pongpanich, lãnh đạo đảng Raksa Chart tuyên bố: “Đảng đồng ý rằng công chúa Ubolratana, một người có học thức và kỹ năng, là chọn lựa phù hợp nhất cho vị trí Thủ tướng”.

Diễn biến này đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của các ứng cử viên chính trị khác, trong bối cảnh suy đoán rằng không ai có thể đối đầu với một thành viên của hoàng gia. Việc công chúa Ubolratana tranh cử là một đòn giáng mạnh vào ông Prayut Chan-o-cha và đảng Palang Pracharat trong nỗ lực tiếp tục nắm quyền.

Đảng Raksa Chart xuất thân từ đảng Pheu Thai và cả hai đảng đều thân với hai cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra. Người ta thường thấy công chúa Ubolratana xuất hiện cùng với anh em nhà Shinawatra nơi công cộng, lần cuối là tại giải đấu World Cup gần đây nhất ở Nga. Qua việc ra ứng cử, công chúa Ubolratana đã đẩy đảng Raksa Chart nhỏ bé lên hàng ghế đầu của chính trị Thái.

Tuy nhiên, ngày 8-2, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã ngăn chặn nỗ lực bất ngờ trên của chị gái ông, gọi việc bà ứng cử đại diện một đảng đối lập có chủ trương dân túy là “không phù hợp” và vi hiến. Trong một tuyên bố ngày 9-2, đảng Raksa Chart thông báo, sẽ tuân lệnh nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn về việc không để công chúa Ubolratana ứng cử vị trí Thủ tướng trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Động thái này là một sự đảo ngược nhanh chóng tương quan lực lượng vừa mới đảo chiều trên chính trường Thái Lan. Guồng quay trước bầu cử lại tiếp tục và niềm tin của cử tri vẫn là mục tiêu để các đảng ở Thái Lan theo đuổi, giành giật.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tong-tuyen-cu-o-thai-lan-cuoc-dua-cua-niem-tin/