Tổng tư lệnh quân đội Mỹ 'hoàn thành nhiệm vụ' nào ở Syria?

Sau đợt không kích Syria đêm 13.4, sáng hôm sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump - còn là Tổng tư lệnh quân đội Mỹ - đã viết trên Twitter 'Nhiệm vụ đã hoàn thành!', nhưng các nhà phân tích thắc mắc: ông đạt được mục tiêu nào ở Syria?

“Nhiệm vụ đã hoàn thành !” là một tuyên bố mà các Tổng thống và chính khách Mỹ tránh nói, từ sau lần Tổng thống Mỹ George Bush đứng trên tàu sân bay Abraham Lincoln hồi tháng 5.2003, phía sau là biểu ngữ lớn “Nhiệm vụ đã hoàn thành”, và ông Bush tuyên bố chiến thắng cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003 (ảnh).

Sau này, các trợ lý của ông Bush giải thích: biểu ngữ này chỉ nhằm chúc mừng thủy thủ tàu sân bay trở vê Mỹ. Thế nhưng nội dung của biểu ngữ của câu này đã trở thành câu ẩn dụ cho sự tính toán sai của Mỹ, về việc quân nổi dậy vùng lên hoạt động ác liệt ở Iraq.

Ông Ari Fleischer là thư ký báo chí Nhà Trắng thời đó, nói với báo New York Times ngày 15.4: “Khi ông Bush lên tàu sân bay mùa xuân năm đó, câu đó xem ra phù hợp. Thế nhưng đến mùa thu, hình ảnh ông Bush đứng trước biểu ngữ đã trở thành biểu tượng của sự sai lầm”.

Ông Fleischer còn nói “Nếu được, tôi sẽ đề nghị ông Trump viết Twitter mà không có hai chữ Mission Accomplished! ấy”.

Thế nhưng ngoài sự lựa chọn ngôn từ kỳ lạ của ông Trump, nó còn đặt ra câu hỏi nhiệm vụ đó là gì, sau cuộc không kích “phẫu thuật” đánh sập 3 cơ sở được cho là có vũ khí hóa học (VKHH)?

Chủ nhân Nhà Trắng thích kiểu đàn ông vỗ ngực khoe cứng rắn...

Từ khi ông Trump nhậm chức lãnh đạo Mỹ, nhiệm vụ này là đánh thắng quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và đuổi chúng khỏi Syria.

Vài tuần trước, ông nói mục tiêu này đã gần hoàn thành, và ông muốn sớm rút quân Mỹ khỏi Syria, giao lại việc dọn dẹp các ổ kháng cự cuối cùng cho các đồng minh khu vực.

Tuy nhiên trong bài diễn văn phủ sóng truyền hình toàn Mỹ hôm 13.4, ông Trump lại hứa hẹn một chiến dịch dài hơi: Ngăn chặn chính phủ Tổng thống Bashar- Al Assad dùng VKHH giết đồng bào của ông, đồng thời nhấn mạnh sự hạn chế của khả năng hoặc sự sẵn sàng của Mỹ, trong việc ngăn chặn máu ngưng đổ thêm ở Syria vốn đã bị tàn phá vì chiến tranh trong 8 năm qua.

Ông Trump đã không giải thích cách ngăn chặn nào, ngoài việc ông từng nói là dùng đến công cụ kinh tế -ngoại giao để buộc chế độ Syria ngưng sử dụng chất hóa học bị cấm.

Vị Tổng thống Mỹ cũng không quan tâm tìm một giải pháp kết thúc nội chiến Syria có nhiều bên can dự, và ông đã cho rằng sắp đánh thắng bọn IS và đã nói “Hãy để người khác lo giải quyết hậu quả chiến tranh”.

Theo các nhà phân tích nói với báo Times cuộc không kích đêm 13.4 - với cớ để trừng phạt chế độ Assad đã dùng VKHH giết dân thường ở thành phố Douma thuộc khu ngoại ô thủ đô Damacus ngày 7.4 - chỉ là một kiểu đàn ông vỗ ngực mừng thắng lợi của ông Trump, nhằm chứng tỏ ông là người cứng rắn nhất.

Mặt khác, nó cũng lộ ra niềm tin sâu sa của ông Trump, rằng việc Mỹ dính líu vào Trung Đông (từ sau vụ không tặc tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2001) là hao tốn sinh mạng và tiền dân Mỹ đóng thuế, là những người đã chán nản với việc Mỹ giải quyết chuyện của thiên hạ ở Trung Đông, dù họ kinh hoàng xem thấy hình ảnh trẻ con giãy giụa rồi chết vì hít phải khí độc.

Trung tâm nghiên cứu sản xuất VKHH của Syria bị tên lửa Mỹ san bằng - Ảnh: AP

... Trong khi chính phủ Mỹ chưa thể có chính sách rõ ràng để kết thúc nội chiến Syria

Các chuyên viên lão làng vạch chính sách Mỹ ở Trung Đông có khen hành động tấn công kiềm chế của Tổng tư lệnh quân đội Mỹ. Họ nói với sự phối hợp của máy bay Anh, Pháp, chỉ không kích trong một đêm đã gởi đi thông điệp đồng minh không muốn dính líu sâu, và hạn chế nguy cơ Syria cùng hai đồng minh Nga - Iran đánh trả thù.

Tuy nhiên, cựu Phó Cố vấn an ninh Nhà Trắng Meghan O’Sullivan - từng giám sát cuộc chiến Iraq thời Tổng thống Bush - nói: “Tôi không nghĩ cuộc không kích làm rõ được chính sách Mỹ. Về lý thuyết, không có sự liên quan giữa một cuộc tấn công đa phương có chọn mục tiêu là các vị trí VKHH với chuyện rút quân đánh bọn IS. Thế nhưng cuộc tấn công này làm rõ câu hỏi mục tiêu thật sự của chúng ta ở Syria là gì”.

Những người khác nói cuộc không kích chỉ gây lãng phí bom, không đạt được gì nhiều, và đã có sự lạm quyền Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, vì ông Trump đã không xin phép trước với Quốc hội Mỹ.

Những người chỉ trích còn nói: nếu ông Trump thực sự lo ngại cho các nạn nhân bị tấn công hóa học ngày 7.4, thì ông nên dẹp bỏ việc cấm bất kỳ người tị nạn Syria mới nào được định cư ở Mỹ.

Chuyên gia Noah Gottschalk của tổ chức Oxfam America ra tuyên bố: “Sự đổ máu và phạm tội ác chiến tranh ở Syria gợi nhắc rằng dân thường Syria hiện cần chúng ta ủng hộ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chính phủ Trump vẫn thiếu một chiến lược rõ ràng để có thể kết thúc cuộc chiến tranh này, thay vào đó chỉ đóng sầm cửa với người tị nạn Syria, và chặt đứt nguồn viện trợ nhân đạo”.

“Tổng thống Mỹ không giỏi xỏ chỉ qua lỗ cây kim khó xỏ”

Theo Times, trên hết, cuộc không kích không làm thay đổi tình hình. Ngoại trừ khả năng không còn VKHH, Tổng thống Assad vẫn có thể tiếp tục dùng vũ khí quy ước để đánh dân của ông. Và cuộc không kích cũng không thể hiện thực lời dọa “Nga - Iran sẽ phải trả giá lớn” của ông Trump.

Ông Colin H. Kahl, từng là Cố vấn an ninh quốc gia của cựu Phó Tổng thống Joseph R. Biden, nói ông Trump “khôn ngoan tránh tấn công các mục tiêu có thể gây nguy cơ giết chết người Nga”, nhưng cũng vì lý do này, Mỹ đã không thể gây hại thật sự cho Tổng thống Assad.

Khi chỉ ra lệnh một đợt không kích, có thể ông Trump đã chọn giải pháp cẩn trọng của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người đã mô tả cuộc tấn công chỉ nhằm chặn chế độ Assad ngưng sử dụng VKHH, nhưng ông lưu ý nó không nhằm đạt mục tiêu nào lớn hơn.

Vậy là ông Trump không chọn cách đánh rầm rộ, mà vị ứng viên Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton rất ưng.

Ông Philip H. Gordon, điều phối viên chính sách Trung Đông của cựu Tổng thống Barack Obama, nói chiến lược cẩn trọng của Bộ trưởng Mattis (với sự điều phối của Thủ tướng Anh Theresa May) có thể được coi là chiến lược hợp pháp.

Ông Gordon nói một trong những thách thức cho ông Trump, là vị chủ nhân Nhà Trắng phải “cân nhắc” lời ăn tiếng nói với hành động: “Với Tổng thống này và chính phủ này, liệu ông ấy sẽ đủ kỷ luật, đủ kiềm chế để xỏ chỉ qua một cây kim rất khó xỏ chỉ? Đấy không phải là điểm mạnh của ông Trump”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/tong-tu-lenh-quan-doi-my-hoan-thanh-nhiem-vu-nao-o-syria-86114.html