Tổng thư ký OAS để ngỏ khả năng can thiệp quân sự, Venezuela bình luận gì?

Tổng thư ký Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almagro không loại trừ khả năng can thiệp quân sự, hỗ trợ đảo chính nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Venezuela.

Tổng thư ký Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almagro

"Về vấn đề can thiệp quân sự để lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, chúng ta không nên loại trừ bất kỳ phương án nào nào. Sự khổ cực của người dân Venezuela và những cuộc di cư buộc các nước phải có hành động ngoại giao, nhưng cũng không nên bỏ qua những giải pháp khác", kênh NTN24 dẫn lời Tổng thư ký Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almagro tại thành phố Cucuta (Colombia), tiếp giáp với Venezuela. Theo Tổng thư ký của OAS, tình hình ở Cucuta được thể hiện rõ nhất bởi "sự giả dối của chế độ độc tài Venezuela".

Người đứng đầu OAS đến đây để quan sát tình hình dòng người tị nạn từ Venezuela. Các phương tiện truyền thông cũng cho công bố các đoạn video, trong đó ghi lại cảnh người tị nạn khóc lóc lao đến gặp ông Almagro yêu cầu OAS giúp đỡ Venezuela.

"Xin hãy giúp chúng tôi! Vợ tôi và tôi, chúng tôi đều là những chuyên gia, vậy mà chúng tôi phải ở đây", một người đàn ông kêu lên trong nước mắt.

Đáp lại tuyên bố trên của người đứng đầu OAS Luis Almagro, Phó Tổng thống Venezuela Delsey Rodriguez khẳng định, nước này sẽ báo cáo lên Liên Hợp quốc và chỉ rõ: "Tổng thư ký OAS Luis Almagro đã tuyên bố một cách thô tục nhằm ý đồ tăng cường can thiệp quân sự trong các vấn đề của đất nước Venezuela".

“Venezuela sẽ đưa lên Liên Hợp quốc và các cơ quan quốc tế khác, Almagro đã tuyên bố một cách thô tục nhằm hỗ trợ can thiệp quân sự vào công việc của nước ta và các cuộc tấn công vào thế giới châu Mỹ Latinh và vùng Caribe", Phó Tổng thống Rodriguez viết trên Twitter.

Phó Tổng thống Venezuela Delsey Rodriguez

Hồi đầu tháng 5/2018, Tổ chức Quốc tế về di cư thông báo, trong giai đoạn từ năm 2015-2017, lượng người di cư từ Venezuela (đất nước đang chìm trong khủng hoảng tài chính và kinh tế) đã tăng hơn 10 lần.

Nếu năm 2015 con số người tỵ nạn ước tính khoảng 89.000 người, thì đến cuối năm 2017 con số này đã là 900.000 người. Ước tính chung, số người Venezuela tị nạn trên khắp thế giới trong giai đoạn này đã tăng từ 700.000 lên 1,5 triệu.

Theo số liệu của Liên Hiệp quốc, ước tính số người tị nạn từ Venezuela hiện nay là 2,3 triệu người, riêng ở Colombia là khoảng 1 triệu người.

Tình hình chính trị - xã hội ở Venezuela hiện ngày càng trở nên trầm trọng vì khan hiếm hàng hóa, lạm phát đạt tốc độ "phi mã" và "tuột dốc" thu ngân sách do giá dầu giảm.

Từng là nước giàu nhất Mỹ Latinh, Venezuela đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo, nơi người dân sống trong tình trạng thiếu lương thực, bệnh viện quá tải, lạm phát cao và bất ổn chính trị. Khủng hoảng khiến nhiều người rời khỏi Venezuela để đến các nước láng giềng.

Tháng 8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai tuyên bố không loại trừ sử dụng "phương án quân sự" để chấm dứt tình cảnh hỗn loạn ở Venezuela. Tổng thống Maduro sau đó yêu cầu quân đội tập trận để đáp trả cảnh báo, nhấn mạnh rằng "Venezuela sẽ không bị đe dọa".

Ngày 4/8, sau khi bị ám sát hụt bằng máy bay không người lái tại thủ đô Caracas, Maduro đã đổ lỗi cho Mỹ, Colombia và những đối thủ trong nước. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh chính phủ Mỹ không liên quan đến vụ tấn công này.

Trí Đức (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tong-thu-ky-oas-de-ngo-kha-nang-can-thiep-quan-su-venezuela-binh-luan-gi-post274747.info