Tổng thống Zimbabwe chấp nhận từ chức?

Nhà lãnh đạo có thời gian cầm quyền lâu nhất ở châu Phi - Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe - đã chấp nhận các điều khoản từ chức của mình và đã soạn thảo sẵn một bức thư trong hôm 20/11.

Người dân Zimbabwe theo dõi bài phát biểu của ông Mugabe trên truyền hình trực tiếp.

hát biểu bất ngờ

Theo nhiều hãng tin phương Tây, các tướng lĩnh quân đội đã đưa ra nhiều điều kiện để ông Mugabe từ chức, trong đó bao gồm quyền miễn trừ xét xử dành cho ông và vợ là bà Grace Mugabe, và sẽ cho phép ông bảo đảm được tất cả tài sản cá nhân.

Trong khi đó, mục đích của bài phát biểu mà ông Mugabe đưa ra hồi cuối tuần qua - trong đó dường như ông vẫn khước từ việc từ chức - là động thái để ông công khai tuyên bố rằng hành động của quân đội là hợp hiến.

Tuy nhiên, để tiến trình từ chức chính thức diễn ra thì bức thư mà ông Mugabe viết cần phải được chuyển tới Chủ tịch Quốc hội.

Trước đó, trong một bài phát biểu được phát sóng toàn quốc hôm cuối tuần trước, ông Mugabe đã khiến nhiều người bất ngờ khi không đề cập tới khả năng từ chức. Đảng của ông Mugabe đưa ra thời hạn 24 giờ đồng hồ để ông từ chức hoặc sẽ phải đối mặt với khả năng luận tội. Cuối tuần qua, hàng nghìn người dân Zimbabwe cũng đổ ra đường tuần hành kêu gọi vị Tổng thống từ chức.

Nhưng trong bài phát biểu bất ngờ đó, ông Mugabe khẳng định ông sẽ không từ chức và rằng ông sẽ tiếp tục theo dõi đảng Zanu-PF của ông thông qua hội nghị sắp tổ chức trong vài tuần tới. Ngay sau vài phát biểu này, hàng nghìn người dân tiếp tục đổ ra các tuyến phố để tuần hành kêu gọi ông từ chức.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, vị Tổng thống 93 tuổi này đứng cùng nhiều tướng lĩnh quân đội, ông liên tục giở các trang giấy tuyên bố đã thảo sẵn và đề cập tới cả một số cuộc họp với các doanh nghiệp cùng một số đề xuất về công nghệ. Ông nói rằng hành động của lực lượng vũ trang Zimbabwe hồi tuần trước là không đáng quan ngại, “dựa trên nhận thức của họ về tình hình trong nước”.

“Tôi, với tư cách Tổng thống Zimbabwe, hiểu rõ về những vấn đề mà họ muốn hướng tôi tới”- ông Mugabe nói trong bài phát biểu và nhấn mạnh: “Và tôi tin rằng các hành động của họ là xuất phát từ tinh thần yêu nước, sự quan tâm tới sự ổn định của đất nước chúng ta”.

Ông Mugabe thêm rằng: “Cuộc họp ngày hôm nay với các tướng lĩnh quân đội là nhằm khởi động các tiến trình để bình ổn đất nước trở lại. Bởi vậy tất cả người dân của chúng ta có thể sinh hoạt và làm việc như bình thường, trong một môi trường an ninh và hòa bình”.

Đồng minh quay lưng

Sự xuất hiện của ông Mugabe trên truyền hình quốc gia tiếp nối sau một cuộc họp của đảng cầm quyền Zanu-PF mà trong đó ông chính thức bị sa thải khỏi chức vụ lãnh đạo hiện tại. Một đoạn video chiếu lại cuộc họp này xuất hiện trên mạng xã hội còn cho thấy các thành viên của đảng Zanu-PF nhảy múa để ăn mừng.

Quyết định trên được đưa ra chỉ ít phút sau khi đảng này mở một cuộc họp tại trụ sở ở thủ đô Harare để tổ chức cuộc bỏ phiếu về sự ra đi của ông Mugabe.

Cuộc họp này được tổ chức bởi ông Obert Mpofu, một quan chức kỳ cựu trong đảng Zanu-PF và từng là một đồng minh thân cận của ông Mugabe. Thế nhưng trong hôm đầu tuần, vị cựu Bộ trưởng khai khoáng từng được coi là cánh tay phải của ông Mugabe này lại là người tuyên bố về quyết định sa thải ông.

Một số nhà phân tích cho rằng cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người mới được phục lại chức vị, có khả năng sẽ trở thành lãnh đạo tiếp theo của đảng Zanu-PF vào tháng 12 tới, dọn đường cho chiến dịch tranh cử để trở thành Tổng thống chính thức trong kỳ bầu cử năm sau.

Ông Mannagagwa được xem là một thế lực trung tâm của các phong trào chính trị ở Zimbabwe. Nhiều thành viên của đảng Zanu-PF từng coi việc ông bị sa thải hôm 6-11 vừa qua là đòn công kích mạnh nhất từ ông Mugabe sau nhiều tháng đấu đá nội bộ.

Ông Mnangagwa từng được xem là cánh tay phải của ông Mugabe trong suốt khoảng thời gian ông này cầm quyền, bởi vậy có nhiều quan ngại cho rằng nếu ông Mnangagwa lên nắm quyền sẽ lại tiếp tục hướng đất nước Zimbabwe theo một lối mòn tương tự như trước đây.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/quoc-te/tong-thong-zimbabwe-chap-nhan-tu-chuc-386467