Tổng thống Zambia tiếc thương chú cá cầu may Mafishi

Tổng thống Zambia Edgar Lungu đã cùng người dân cả nước tiếc thương sau khi cá Mafishi chết. Chú cá nổi tiếng này được nhiều sinh viên coi là con vật may mắn.

Sinh viên Đại học Copperbelt - đại học lớn thứ hai ở Zambia - đã thắp nến và diễu hành quanh khuôn viên trường để bày tỏ lòng thương tiếc với chú cá Mafishi, BBC đưa tin hôm 8/9.

Hashtag #mafishi, tên gọi trìu mến của chú cá, đang phổ biến trên Twitter ở quốc gia phía nam châu Phi này.

 Chú cá may mắn Mafishi. Ảnh: Facebook/ Edgar Lungu.

Chú cá may mắn Mafishi. Ảnh: Facebook/ Edgar Lungu.

Trong 2 thập niên qua, sinh viên Đại học Copperbelt tin rằng chú cá sẽ mang lại may mắn cho họ trong các kỳ thi.

Mafishi, nghĩa là "cá lớn" trong tiếng địa phương Bemba, được cho là đã ít nhất 22 tuổi và sống trong ao của trường hơn 20 năm, Chủ tịch Hội Sinh viên Lawrence Kasonde cho biết. Anh nói thêm rằng giới chức trách vẫn đang điều tra nguyên nhân cái chết của chú cá.

Ngoài ra, Hội Sinh viên Copperbelt còn có dự định khác: "Con cá vẫn chưa được chôn cất, chúng tôi đang lên kế hoạch ướp xác nó".

Một số sinh viên thường bày tỏ lòng kính trọng với chú cá trước các kỳ thi. Họ tin rằng nó sẽ mang lại may mắn, trong khi những người khác xem đây như một liều thuốc giảm căng thẳng, theo BBC Zambia.

Sinh viên năm hai Edwin Nambo mô tả chú cá như "một biểu tượng của trường".

"Chỉ xem cá bơi thôi cũng sẽ giúp chữa lành tâm hồn trước kỳ thi và trong khoảng thời gian khó khăn", Nambo nói.

Tổng thống Lungu dẫn lời của nhà hoạt động người Ấn Độ Mahatma Gandhi để bày tỏ sự thương tiếc: "Sự vĩ đại của một quốc gia và tiến bộ đạo đức của nơi đó được đánh giá qua cách họ đối xử với động vật".

"Chúng tôi đều sẽ nhớ cậu", Tổng thống Zambia cho biết.

Lãnh đạo phe đối lập Hakainde Hichileme nói: "Chúng ta sát cánh với cộng đồng sinh viên Đại học Copperbelt, trước cái chết của Mafishi, chú cá mang tính biểu tượng của họ".

'Rồng con' siêu hiếm 7 năm không nhúc nhích Một con kỳ giông (Olm) quý hiếm đã ở cùng một vị trí trong hang động của nó ở châu Âu trong bảy năm. Chúng chỉ di chuyển khi giao phối, điều mà chúng làm khoảng 12 năm một lần.

Việt Linh Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-zambia-tiec-thuong-chu-ca-cau-may-mafishi-post1129114.html