Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la chật vật đối đầu với khủng hoảng

Chưa bao giờ, khó khăn lại đến với Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô cùng một lúc như vậy. Khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng kinh tế đang có nguy cơ biến thành khủng hoảng xã hội, song hành là khủng hoảng chính trị trầm trọng. Hàng loạt biện pháp tình thế được đưa ra, nhưng chưa có dấu hiệu sáng sủa nào đến với Vê-nê-xu-ê-la trong những ngày qua.

Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô phát biểu nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Ảnh: AFP

Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô phát biểu nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Ảnh: AFP

Đổi giờ làm, tăng lương để đối phó với khủng hoảng

Từ 14 giờ 30 phút, ngày 1-5, giờ địa phương (tức sáng 2-5, theo giờ Hà Nội), múi giờ của Vê-nê-xu-ê-la chính thức được đẩy sớm 30 phút lên múi giờ GMT-4. Đây là một phần trong hàng loạt biện pháp của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô nhằm tiết kiệm điện trong bối cảnh hạn hán kéo dài, đe dọa đến việc sản xuất điện của Vê-nê-xu-ê-la. Việc dịch chuyển múi giờ đã được tính toán nhằm giảm tối đa ảnh hưởng với các hoạt động thị trường chứng khoán, các chuyến bay và tàu bè.

Đây là quyết định mới nhất trong số hàng loạt biện pháp mạnh mẽ mà Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đưa ra, nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng do hạn hán tại đập thủy điện Gu-ri, con đập lớn nhất nước này. Trước đó, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la cũng quyết định cho nhân viên của các cơ quan Nhà nước nghỉ làm việc 3 ngày trong tuần, tức là họ sẽ chỉ phải đến công sở hai ngày/tuần, từ ngày 27-4 đến 6-6 nhằm tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho người dân, Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô cũng quyết định tăng 30% lương cơ bản cho công nhân nước này. Theo đó, đối tượng được tăng lương bao gồm: Công nhân trong khu vực Nhà nước, những người hưởng lương hưu và binh lính quân đội. Mức lương cơ bản mới thấp nhất sẽ tăng lên 15.051 bô-li-va/tháng (tương đương khoảng 1.505USD/tháng theo tỷ giá chính thức). Ngoài ra, Vê-nê-xu-ê-la cũng nâng giá trị tem phiếu thực phẩm hằng tháng lên 18.585 bô-li-va. Đây là lần tăng lương cơ bản thứ 12, kể từ khi ông Ma-đu-rô được bầu làm Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la vào tháng 4-2013.

Nhiều thách thức, nhưng chưa phải bước đường cùng

Những biện pháp trên được đưa ra nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế và năng lượng đang diễn ra ở Vê-nê-xu-ê-la. Nền kinh tế của Vê-nê-xu-ê-la đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi giá dầu mỏ lao dốc hơn một năm qua. Dầu mỏ vốn chiếm tới 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của Vê-nê-xu-ê-la, bởi thế, nền kinh tế nước này đã thực sự khốn đốn khi giá dầu nhiều phen chạm đáy.

Trong khi đó, hiện tượng El Nino gây ra hạn hán nghiêm trọng tại Vê-nê-xu-ê-la kể từ năm 2010, làm lượng nước trong hồ chứa tại đập Gu-ri xuống thấp, khiến quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất Nam Mỹ và lớn thứ 5 trên thế giới này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện năng nghiêm trọng vì thủy điện cung cấp tới 70% lượng điện của Vê-nê-xu-ê-la. Kinh tế khó khăn, khan hiếm lương thực và nhu yếu phẩm làm cho cuộc sống người dân trở nên vô cùng khó khăn. Tương lai càng mờ mịt hơn khi Vê-nê-xu-ê-la hiện có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, có thể tăng tới 500% trong năm nay. Các chuyên gia còn dự báo, nền kinh tế Vê-nê-xu-ê-la sẽ tiếp đà giảm gần 6% trong năm ngoái để tăng trưởng âm 8% trong năm 2016 này.

Thực tế đáng buồn này đã kéo theo sự thất vọng của cử tri Vê-nê-xu-ê-la đối với đảng cầm quyền. Thể hiện là lần đầu tiên trong vòng 17 năm, Liên minh đối lập Đoàn kết Dân chủ (MUD) đã thắng đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất cầm quyền (PSUV) của cố Tổng thống U-gô Cha-vết, trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 12 năm ngoái. Chưa dừng lại, phe đối lập đã mượn những khó khăn hiện nay để cáo buộc chính quyền Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô quá yếu kém và sai lầm nghiêm trọng trong chính sách quản lý kinh tế cũng như năng lượng.

Trước sức ép từ phe đối lập, trong tuyên bố đưa ra vào Ngày Quốc tế Lao động 1-5, Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô đã phải kêu gọi những người ủng hộ khởi động cuộc tổng đình công và "nổi dậy" nếu phe đối lập thành công trong việc phế truất ông. Bên cạnh đó, ông cũng cáo buộc phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn, đang phát động một cuộc "chiến tranh kinh tế" nhằm vào Chính phủ của ông. Thậm chí, ngày 3-5, Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô còn tuyên bố, sẽ cho phép tiến hành trưng cầu ý dân về việc bãi nhiệm ông, nếu Hội đồng Bầu cử quốc gia Vê-nê-xu-ê-la (CNE) xác nhận các chữ ký mà phe đối lập đã thu thập, nhằm mở đường cho việc bãi nhiệm Tổng thống là hợp lệ.

Theo giới quan sát, tình thế của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô hiện nay dù rất khó khăn, nhưng chưa phải là bước đường cùng. Theo Hiến pháp Vê-nê-xu-ê-la, phe đối lập phải thu thập đủ 200.000 chữ ký trong vòng 30 ngày để hoàn thành yêu cầu đầu tiên trong nhiều thủ tục, để có thể tiến tới việc bãi nhiệm Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô. Sau quá trình này, phe đối lập một lần nữa còn phải thu thập hơn 7,5 triệu chữ ký trong tổng số 19 triệu cử tri Vê-nê-xu-ê-la đồng ý bãi nhiệm ông Ma-đu-rô, để có thể tổ chức bầu cử trước thời hạn như Hiến pháp quy định.

Mặc dù phe đối lập bày tỏ tin tưởng có thể thu thập đủ chữ ký trong khoảng thời gian quy định, nhưng tiến trình bãi nhiệm Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô cũng không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, những bước đi hiện nay của phe đối lập đang ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch của Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, năng lượng và lương thực của đất nước. Hơn nữa, do phe đối lập đã kiểm soát tại Quốc hội, các chính sách của Chính phủ nếu muốn đi vào thực tế sẽ phải thông qua "khe cửa hẹp". Khe cửa này sẽ càng khó lọt hơn, khi cuộc tranh giành quyền lực giữa chính quyền và Quốc hội vẫn tiếp đà căng thẳng như hiện nay. Trong bối cảnh như vậy, không ai khác mà chính người dân Vê-nê-xu-ê-la phải hứng chịu hậu quả.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tong-thong-ve-ne-xu-e-la-chat-vat-doi-dau-voi-khung-hoang/