Tổng thống tương lai & ngành dầu mỏ Mỹ

Chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ đã thể hiện hai tầm nhìn khác nhau về dầu mỏ. Ngoài các bài phát biểu, Tổng thống tương lai của Mỹ có thể sẽ có không gian hạn chế để gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dầu khí đá phiến.

Kỳ 1: Dầu mỏ - ngành công nghiệp lập quốc

Kết thúc chiến dịch tranh cử và sau một kỳ bầu cử hỗn loạn, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trước Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Hiếm khi các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ lại thu hút dư luận như vậy, đến mức chia rẽ đất nước. Hai tầm nhìn về thế giới khó dung hòa đã đụng độ nhau tại các cuộc thăm dò dư luận. Trong số các chủ đề xung đột có vấn đề khí hậu (Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Chống biến đổi khí hậu Paris vào ngày 4-11-2020, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống) và dầu mỏ.

Ông Joe Biden tuyên bố trúng cử Tổng thống Mỹ

Ông Joe Biden tuyên bố trúng cử Tổng thống Mỹ

“Vàng đen” đóng một vai trò lớn trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ, giữa những tuyên bố của ông Joe Biden về ý định “dần dần quay lưng với dầu mỏ” và những phản bác của ông Donald Trump về chủ đề này nhằm giành được sự ủng hộ của cử tri tại các bang dầu mỏ. Vấn đề dầu mỏ đặc biệt nhạy cảm ở Mỹ.

Ở Mỹ, ngành công nghiệp dầu mỏ không giống ngành nào khác. Lịch sử của Mỹ và lịch sử dầu khí thực sự có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, từ việc khoan giếng dầu đầu tiên vào năm 1859 bởi Edwin Drake ở Pennsylvania, đến sự bùng nổ của dầu khí đá phiến trong thập niên qua.

Sự thân thiết của mối quan hệ này đã định hình nên lịch sử của Mỹ ít nhất cũng giống như lịch sử của ngành dầu mỏ. Nhờ vào năng lượng giá rẻ mà ngành công nghiệp Mỹ có thể phát triển nhanh chóng như trong thế kỷ XX, đó là sự phổ biến hóa mẫu xe Ford T ngay từ năm 1908, công nghiệp quân sự, hàng không vũ trụ... Dầu mỏ của Mỹ đã mang lại cho quân Đồng minh một lợi thế quân sự lớn trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

Điều có lẽ ít được biết đến, đó là các gia đình dầu mỏ lớn, đặc biệt là gia đình Rockefeller, nguồn gốc của Standard Oil, người đã cấu trúc nên hệ thống kinh tế Mỹ. Vào năm 1910, trong một chuyến đi bắn vịt trời trên đảo Jekyll gần New York, các nhà tài chính lớn, tất cả đều có liên hệ với gia đình Rockefeller hoặc phần lớn tham gia vào việc buôn bán vàng đen, đã đặt nền móng cho hệ thống dự trữ liên bang, Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Cuối cùng, trong suốt thế kỷ qua, lượng dầu mỏ dồi dào đã định hình nên lãnh thổ của Mỹ. Giá “vàng đen” thấp trên nước Mỹ khiến cho việc đi lại ít tốn kém, đã giúp phát triển đô thị hóa và bùng nổ xe hơi.

Tình hình khai thác dầu mỏ của Mỹ đã phát triển trong 150 năm qua, đặc biệt là từ năm 1970. Năm đó, Mỹ chứng kiến hoạt động khai thác dầu mỏ của mình bắt đầu giảm do thiếu các nguồn tài nguyên có thể tiếp cận được về mặt kinh tế. Việc dầu mỏ thông thường (khác với dầu khí đá phiến) đạt đỉnh của Mỹ gây ra nhiều hậu quả, chẳng hạn như cú sốc dầu đầu tiên khiến Mỹ bắt đầu khai thác dầu trên biển. Nó cũng gây ra hậu quả cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Mỹ vào dầu mỏ nhập khẩu (cả khí) đã đẩy Mỹ can thiệp vào chính sách của quốc gia sản xuất dầu mà Mỹ phụ thuộc ngày càng nhiều (chiến tranh Iran - Iraq, cuộc chiến vùng Vịnh...).

Tình hình bắt đầu thay đổi vào những năm 2000, khi thế giới (như Mỹ vào năm 1970) đã trải qua thời kỳ đỉnh cao của việc khai thác dầu mỏ thông thường, đến lúc đó đã chiếm phần lớn lượng dầu khai thác trên thế giới. Sự đình trệ của hoạt động khai thác “vàng đen” từ năm 2005, trước nhu cầu ngày càng tăng, đã đẩy giá một thùng dầu lên mức cao chưa từng có trong lịch sử, hơn 100 USD, được giữ cho đến năm 2014.

Rockefeller - “vua” dầu mỏ Mỹ

Bối cảnh mới này đã mở ra một cơ hội ở Mỹ: dầu đá phiến. Kỹ thuật chiết xuất đã được biết đến từ những năm 50 của thế kỷ trước, dầu đá phiến khai thác phức tạp hơn và tốn kém hơn, nên vẫn chưa thể phát triển. Giá dầu tăng mạnh và lãi suất rất thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã cho phép dầu đá phiến nổi lên.

Tuy nhiên, mô hình kinh tế của dầu đá phiến rất mong manh, sản lượng sụt giảm rất nhanh từ loại giếng này, buộc các nhà sản xuất phải đầu tư rất lớn để liên tục khoan những giếng mới. Nhưng nhờ dầu đá phiến (sản lượng đạt 7 triệu thùng/ngày vào năm 2019, chiếm khoảng 7% tổng số dầu chiết xuất trên toàn cầu), Mỹ đã trải qua một thời kỳ hoàng kim mới về dầu mỏ, bắt đầu dưới thời Tổng thống Barack Obama, mà Phó tổng thống chính là Joe Biden.

Nhờ dầu đá phiến (sản lượng đạt 7 triệu thùng/ngày vào năm 2019, chiếm khoảng 7% tổng số dầu chiết xuất trên toàn cầu), Mỹ đã trải qua một thời kỳ hoàng kim mới về dầu mỏ, bắt đầu dưới thời Tổng thống Barack Obama, mà Phó tổng thống chính là Joe Biden.

(Xem tiếp số sau)

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tong-thong-tuong-lai-nganh-dau-mo-my-585915.html