Tổng thống Trump và 'kỳ đà cản mũi' Cohen

Đến Việt Nam với nhiều kỳ vọng về một thỏa thuận được ký kết với Triều Tiên, nhưng cuối cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28-2 đã rời Hà Nội, kết thúc cuộc họp hai ngày với lãnh đạo Kim Jong-un mà không đạt thỏa thuận nào.

Đến Việt Nam với nhiều kỳ vọng về một thỏa thuận được ký kết với Triều Tiên, nhưng cuối cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28-2 đã rời Hà Nội, kết thúc cuộc họp hai ngày với lãnh đạo Kim Jong-un mà không đạt thỏa thuận nào.

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Trump cảm thấy không thoải mái khi họp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un do những tác động từ những cáo buộc của cựu luật sư Cohen (ảnh phải). Ảnh: AP

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Trump cảm thấy không thoải mái khi họp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un do những tác động từ những cáo buộc của cựu luật sư Cohen (ảnh phải). Ảnh: AP

Đã có nhiều lời giải thích cho thất bại lần này trên bàn hội nghị Mỹ-Triều. Nhưng có một thực tế không thể không nói đến: vài giờ sau khi ông Trump có cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Việt Nam, thì tại quê nhà, “quả bom” Michael Cohen - cựu luật sư của Tổng thống Trump- bắt đầu nhắm vào ông. Ông Cohen, đã ngồi trước Quốc hội và làm chứng về những cáo buộc chống lại ông Trump và gọi ông chủ Nhà Trắng là “kẻ kỳ thị chủng tộc”, “dối trá” và “gian lận”.

Những lời khai chấn động

Trong lời khai trước Quốc hội Mỹ, ông Michael Cohen đã nói rằng, chính ông Trump muốn ông nói dối về một thương vụ bất động sản ở Moscow trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.

Ông Cohen cho biết, ông Trump chỉ đạo các kế hoạch bí mật để xây tòa tháp Trump chọc trời ở Moscow trong khi lại phủ nhận có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Nga. “Trong khi tôi đang tích cực đàm phán ở Nga cho ông ta, ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi và nói rằng không có giao dịch nào ở Nga và sau đó đi ra ngoài và nói dối với người dân Mỹ điều tương tự. Theo cách của ông ấy, ông ấy đã chỉ đạo tôi nói dối”, ông Cohen nói.

Theo ông Cohen, ông chủ Nhà Trắng thật ra đã biết rất rõ về cuộc họp tại Tòa tháp Trump ở Manhattan giữa các trợ lý chiến dịch tranh cử của ông Trump và một luật sư người Nga. Ông Cohen cũng khai rằng, ông Trump biết việc các email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) bị rò rỉ. Vị cựu luật sư này cho biết ông đã ở trong văn phòng của ông Trump vào tháng 7-2016 khi Roger Stone, một cố vấn chính trị lâu năm, gọi điện cho ông Trump - người khi đó là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Ông Stone đã gọi để nói rằng đã nói chuyện với người sáng lập Wikileaks, Julian Assange và được cho biết sẽ có một “số lượng lớn” email trong vài ngày tới sẽ khiến phe của bà Hillary Clinton bối rối về mặt chính trị. Ông Cohen cho biết, ông Trump đã trả lời “không thể tuyệt hơn thế”.

Cuối cùng, ông Cohen cung cấp những gì ông nói là bằng chứng về tiền bồi thường mà ông nhận được từ tổng thống cho khoản tiền mờ ám mà vị cựu luật sư này thừa nhận là đã dùng để trả một ngôi sao khiêu dâm - người nói rằng đã ngoại tình với ông Trump.

Ông Trump bị “cản mũi” như thế nào?

Chuyến đi của ông Trump đến Việt Nam cho thấy, chính sách đối ngoại, chứ không phải đối nội, mang đến cho ông cơ hội tốt nhất để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020. Thực tế chính trị mới ở đồi Capitol và cuộc khủng hoảng bức tường biên giới Mexico khiến Tổng thống Trump chuyển trọng tâm chú ý ra nước ngoài.

Nhưng rồi, diễn biến chính trị ở Washington thu hút sự chú ý cao độ của Tổng thống Trump, ngay cả khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa quan trọng đang diễn ra. Nhà lãnh đạo Mỹ dành thời gian trước khi chuẩn bị gặp ông Kim Jong-un tại Hà Nội, để viết lên Twitter đôi dòng, hạ thấp tầm ảnh hưởng của Cohen và đả kích cựu luật sư của mình. “Ông ta đang nói dối để giảm thời gian ngồi tù”, ông Trump đáp trả.

Với đảng Dân chủ - hiện đang kiểm soát Hạ viện - ông Cohen là “nhân chứng ngôi sao” của họ khi họ khởi động các cuộc điều tra về các hoạt động kinh doanh của ông Trump, chiến dịch tranh cử tổng thống và củng cố nền tảng từ thiện, bao gồm mọi khoản thanh toán liên quan đến nỗ lực ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016. Phiên điều trần bắt đầu ngay trước nửa đêm tại Hà Nội. Không rõ liệu ông Trump có thức khuya để theo dõi hay không nhưng ông đã dành thời gian rảnh hiếm hoi trước bữa ăn tối với ông Kim Jong-un để xem bản tường thuật về lời khai của luật sư Cohen.

Chiến lược tấn công của đảng Dân chủ?

Ông Cohen ban đầu dự kiến sẽ ra điều trần trước Quốc hội vào đầu tháng 2, nhưng sau đó bị hoãn. Con trai của Tổng thống Trump cáo buộc đảng Dân chủ đã sắp xếp thời gian phiên điều trần để can thiệp vào chuyến đi của ông chủ Nhà Trắng. Giới quan sát cũng cho rằng, đây thật sự là chiến lược của đảng Dân chủ. Các cựu Tổng thống Richard Nixon, Bill Clinton và Ronald Reagan, đều chịu đựng những rắc rối ở quê nhà khi công du nước ngoài, vốn đã cản trở các mục tiêu chính sách đối ngoại của họ.

Rõ ràng trong khi ông Trump đến Việt Nam với nhiều kỳ vọng về một thỏa thuận được ký kết với Triều Tiên, cuối cùng “bóng tối Cohen” đã vươn khắp Thái Bình Dương. Khi được một phóng viên của AP hỏi tại hội nghị thượng đỉnh về việc liệu ông có bất kỳ phản hồi nào với lời khai của luật sư Cohen, tổng thống lắc đầu và cau có. Và một thời gian ngắn sau đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã thông báo cấm 4 phóng viên tác nghiệp tại phòng ăn tối giữa ông Trump và ông Kim, trong đó có phóng viên AP. Đó là một sự thay đổi đột ngột so với kế hoạch ban đầu của Nhà Trắng khi họ nói sẽ cấp quyền tác nghiệp cho nhóm phóng viên 13 người.

“Quả bom” Cohen nổ đúng ngay thời điểm quan trọng khiến ông Trump dường như không còn tâm trí để giải quyết vấn đề với Triều Tiên và nhanh chóng trở về nước để giải quyết vấn đề của mình. Lời khai của người từng là tâm huyết của mình đã khiến Tổng thống Trump thật sự bẽ mặt và quan trọng là làm suy yếu các mục tiêu chính sách đối ngoại của ông.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_202842_.aspx