Những thương binh 'da cam' giàu nghị lực, vượt khó vươn lên ở Quảng Ninh

Mang trong mình nỗi đau chồng chất sau chiến tranh nhưng với tinh thần và ý chí của người lính cụ Hồ, những thương binh 'da cam' không chỉ vượt khó vươn lên mà còn đỡ đần cho đồng đội.

Vừa kiểm tra hệ thống dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết, ông Nguyễn Văn Dẫn (phường Đức Chính, TX Đông Triều, Quảng Ninh) vừa cùng đồng đội bàn bạc hướng mở rộng thị trường. Nhìn phong thái làm việc nhanh nhẹn của cựu chiến binh 70 tuổi, ít ai biết rằng sức khỏe của ông đã suy giảm tới 81%. Trở về từ chiến trường miền Nam, ông Dẫn và những người đồng đội cùng quê đều ít nhiều mang trong mình di chứng do phơi nhiễm chất độc hóa học da cam dioxin. Người sức khỏe yếu dần, suy nhược thần kinh, nội tạng, người chứng kiến những đứa con vừa sinh ra đã mang dị tật, thậm chí không kịp cất tiếng khóc chào đời.

Cuộc sống bộn bề khó khăn càng khiến họ nung nấu ý chí vươn lên. Năm 2008, ông Nguyễn Văn Dẫn đứng lên vay vốn thành lập công ty TNHH Thương binh 2/9, mời các thương bệnh binh, nạn nhân da cam cùng tham gia xây dựng và làm việc trực tiếp. Đến nay, với ngành nghề sản xuất, phân phối nước uống đóng chai và san lấp mặt bằng doanh thu 3 tỷ đồng/năm, công ty đã tạo việc làm cho hơn 30 lao động, nhiều con em của đồng đội. Ông Vương Đức Lâm, một trong những thương binh "da cam" được hỗ trợ làm việc từ những ngày đầu tâm sự, mỗi người đều được sắp xếp công việc sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe, khả năng và hoàn cảnh của mình.

“Lúc đầu không có kinh phí, anh em tập trung vào động viên nhau, chứ mình cứ thấy khó khăn lùi bước là không được, phải vươn lên. Đến giờ thì mọi thứ đã phát triển, cuộc sống đã tạm ổn, không đến nỗi khó khăn nữa” - ông Vương Đức Lâm chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Dẫn cùng những người đồng đội thành lập cơ sở sản xuất nước đóng chai, tạo việc làm cho nhiều nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Dẫn cùng những người đồng đội thành lập cơ sở sản xuất nước đóng chai, tạo việc làm cho nhiều nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn.

Không chỉ mặt trận kinh tế, ông Nguyễn Văn Dẫn cũng tích cực đi đầu tham gia phong trào ở quê hương Đệ tứ Chiến khu, hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin các cấp. Ông chia sẻ, may mắn của mình là luôn có sự ủng hộ tương trợ từ đồng đội trong mọi công việc và cuộc sống thường ngày.

“Công tác từ thiện ở địa phương, có phong trào gì chúng tôi đều tham gia ngay, như làm đường liên thôn, ủng hộ đồng bào bão lụt... Các cháu học sinh hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi không giúp được nhiều thì đầu năm khai giảng cho mỗi cháu một phần quà, miễn phí uống nước cả năm. Từ lúc không có gì đến nay công ty đã có thu nhập, cùng đóng góp ngân sách cho Nhà nước” - ông Nguyễn Văn Dẫn nói.

Mỗi người một cách để tự mình vượt khó, chia bớt nhọc nhằn cùng các gia đình "da cam". Ông Phạm Văn Cát (phường Đông Mai, TX Quảng Yên) đã "hái trái ngọt" sau bao năm cần cù trên đất khó. Là thương binh hạng 3/4 cùng di chứng chất độc hóa học, ông mạnh dạn mượn hơn 2 ha đất đồi để cải tạo thành vườn cây ăn quả, chăn nuôi lợn gà và ong lấy mật, thu nhập trên 250 triệu đồng mỗi năm. Bằng kinh nghiệm và tay nghề cao tự học hỏi, ông phổ biến kỹ thuật lai ghép, cung cấp cây giống, tạo việc làm thời vụ cho bà con làng xóm và con em các nạn nhân da cam.

Ông Phạm Văn Cát là hạt nhân của các tổ chức tại khu dân cư, truyền dạy kinh nghiệm trồng cây ăn quả lâu năm cho bà con.

“Chỉ có vượt lên chính mình, phát triển nâng cao đời sống thì mới làm ra sản phẩm cho gia đình và xã hội. Mình cũng sắp xếp thời gian để tham gia công tác xã hội, làm tổ trưởng tổ dân, trưởng Chi hội nông dân, chủ tịch Hội làm vườn của phường, hội phó Hội thương binh tình nghĩa, thường xuyên thăm hỏi động viên anh em thương binh da cam, rồi vận động xã hội hóa mua bò giúp hội viên, đoàn kết tương trợ lẫn nhau”, ông Cát cho biết.

Ông Nguyễn Duy Cương (TP Móng Cái) Dương Cao Khoa (huyện Hải Hà) Nguyễn Văn Nhượng (TX Đông Triều)... cùng rất nhiều thương bệnh binh "da cam" khác là những tấm gương tiêu biểu cho phong trào thi đua Vượt khó vươn lên. Từ nghị lực của chính mình, kết hợp hiệu quả với chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực xã hội, đến năm 2018, Quảng Ninh đã không còn hộ nạn nhân chất độc da cam có thu nhập dưới chuẩn cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó có nhiều trường hợp vươn lên từ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hơn 370 gia đình nạn nhân chất độc da cam (có thành viên trong hộ còn khả năng lao động) có thu nhập khá đến thu nhập cao từ sản xuất nông lâm nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động khác. Cùng với đó là tích cực tham gia các phong trào thi đua và các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền, MTTQ phát động, là hạt nhân của các tổ chức chính trị - xã hội ở khu dân cư, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, phòng chống Covid-19...

Ông Nguyễn Minh An, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ninh cho biết: “Họ là người mang trên mình những vết thương suốt đời, gia cảnh như thế nhưng vẫn tự hào là tự vươn lên trong cuộc sống, chăm lo cho gia đình con cái, đóng góp cho xã hội. Chúng tôi đã đưa vào kế hoạch, sẽ tổ chức những cuộc tập hợp để phổ biến, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mô hình điểm để những hội viên khác có tấm gương noi theo để vượt lên”.

Phát huy truyền thống "Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm", phong trào "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam", "Nạn nhân chất độc da cam vượt khó vươn lên" sẽ tiếp tục được các cấp hội tại Quảng Ninh triển khai sâu rộng trong những năm tới, cùng toàn xã hội chăm lo hỗ trợ đủ đầy hơn cho những người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm chất độc hóa học. "Tàn nhưng không phế", những thương binh "da cam" đầy nghị lực sẽ là người đồng hành, truyền cảm hứng để hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam dioxin tại Quảng Ninh vượt lên nỗi đau, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-thuong-binh-da-cam-giau-nghi-luc-vuot-kho-vuon-len-o-quang-ninh-880807.vov