Tổng thống Trump: Tiêm kích F-35 tàng hình tuyệt đối

Phát biểu ấn tượng trên được Tổng thống Trump đưa ra khi công bố Nhật sẽ mua thêm 105 chiếc F-35 và trở thành nước sở hữu nhiều F-35 chỉ sau Mỹ.

Theo hãng RT, ngày 27/5, Tổng thống Trump đã công bố thông tin chính thức về việc Nhật Bản sẽ mua thêm 105 chiếc tiêm kích tàng hình F-35. Một khi bản hợp đồng này chính thức được ký kết cũng đồng nghĩa với việc đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có phi đội F-35 nhiều thứ 2 trên thế giới khi chỉ đứng sau Mỹ.

Hồi tháng 4/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya khẳng định, Tokyo sẽ không từ bỏ việc mua thêm siêu tiêm kích do Mỹ sản xuất, bất chấp vụ chiếc F-35A lao xuống biển khiến phi công thiệt mạng hôm 9/4. Tháng 12/2011, Nhật Bản đặt mua 42 tiêm kích F-35A từ Mỹ để thay thế các phi đội F-4EJ đã lạc hậu.

Tiêm kích F-35.

Tiêm kích F-35.

Bốn chiếc đầu tiên được tập đoàn Lockheed Martin chế tạo ở Mỹ và bàn giao cho Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF), 38 máy bay còn lại được lắp ráp tại nhà máy Mitsubishi. Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định ngừng dây chuyền lắp ráp trước năm 2020 để tập trung vào dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu và nâng cấp cho dòng F-35.

Phát biểu khi thông báo thông tin này, Tổng thống Mỹ, Trump cho biết: "Nhật Bản đã đồng ý mua thêm 105 tiêm kích tàng hình F-35 hoàn toàn mới. Thỏa thuận này sẽ giúp Nhật sở hữu phi đội F-35 lớn nhất trong các đồng minh của Mỹ".

Không những vậy, vị tổng thống Mỹ còn khẳng định rằng: "Tiêm kích thế hệ 5 F-35 là chiến đấu cơ có khả năng tàng hình tuyệt đối khiến đối phương không thể phát hiện".

Tuyên bố của ông Trump về khả năng tàng hình của F-35 đã rất rõ ràng và điều này có vẻ đang mâu thuẫn với những nhận định của giới quân sự Mỹ.

Theo kỹ sư Pierre Sprey (người thiết kế F-16 và A-10), máy bay tàng hình F-35 có thể dễ dàng bị phát hiện bởi radar của Anh từ những năm 1940. Tuyên bố của Pierre Sprey được đưa ra sau phiên họp của Ủy ban Quân lực Thượng viện Quốc hội Mỹ hôm 26/4 về chương trình máy bay F-35.

Trong khi những nhà phát triển F-35 ca ngợi công nghệ tàng hình dành cho dòng chiến đấu cơ này là đỉnh cao thì ông Sprey đã tìm ra "lỗ hổng lớn" và khẳng định thậm chí F-35 có thể bị đánh bại chỉ với công nghệ từ Thế chiến II.

"Công nghệ tàng hình từng được quảng cáo quá trớn khi lần đầu tiên nó được phát triển theo một chương trình tiêu tốn nhiều triệu USD vào đầu những năm 1980. Họ đặt ra ý tưởng, nếu anh không có khả năng tàng hình, anh sẽ lỗi thời", kỹ sư Pierre Sprey nói.

"Tàng hình có mục đích làm chệch hướng radar. Nhưng trong khi kỹ thuật này có thể chống là radar phát tần số cao, nó không thể chống lại thiết bị phát tần số thấp", ông phân tích thêm. Kỹ sư cho rằng thậm chí radar của Quân đội Anh từng sử dụng vào năm 1940 có thể phát hiện ra F-35.

"Đó là kỹ nghệ chính trị, nó rất tốn kèm, không an toàn và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng mà chưa ai có thể nhổ tận gốc. Vậy thì, câu hỏi đặt ra, F-35 nên bị xóa bỏ? Tất nhiên, nó nên bị xóa bỏ từ ngày hôm qua rồi", ông Sprey cho biết.

Trước khi ông Sprey đưa ra những nhận định khiến các nhà sản xuất và Không quân Mỹ khó có thể chấp nhận, nhiều chuyên gia Mỹ và quốc tế cũng có nhận định tương tự. Dù chưa thể khẳng định tính xác thực trong lời nhận xét của vị chuyên gia này nhưng theo trang Aviationist, hiện rất ít người có đủ trình độ chuyên môn để nhận định về máy bay chiến đấu như Pierre Sprey.

Bởi ông là người đồng thiết kế máy bay chiến đấu F-16 Falcon và cường kích A-10, hai dòng chiến đấu cơ được đánh giá thành công nhất của lịch sử Không quân Mỹ.

Dù "đang tồn tại những điểm yếu chết người" nhưng theo nhận định của Tạp chí Fiscal Times, việc F-35 liên tiếp gặt hái được thành công bằng những hợp đồng mới đã chứng minh tất cả sức mạnh và độ tin cậy của dòng chiến đấu cơ tàng hình này.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tong-thong-trump-tiem-kich-f-35-tang-hinh-tuyet-doi-3380838/