Tổng thống Trump phát biểu gây 'sốc' Đại hội đồng Liên hợp quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu tại trụ sở của LHQ hôm 26/9 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập Iran khiến cho Tổng thống Iran phản bác bằng lời cáo buộc rằng ông Trump đang tìm cách lật đổ chính phủ của nước này.

Tổng thống Trump trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. (Nguồn: Reuters).

Yêu cầu các quốc gia cô lập Iran

Trong lần xuất hiện thứ hai trước Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Trump còn chỉ trích Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và nhằm vào một số tổ chức quốc tế khác như Tòa án Hình sự quốc tế. Ông cũng khiến nhiều nhà lãnh đạo khác trong khán phòng cười lớn khi nói rằng chính quyền của ông đã làm được nhiều điều mà các chính quyền trước chưa làm được. Ngược lại, ông Trump dành những lời nồng hậu đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tổng thống Trump còn cáo buộc chính quyền Tehran đang reo rắc “sự hỗn loạn, chết chóc và hủy diệt”, trong lúc bảo vệ quyết định rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông đưa ra. “Chúng tôi không thể cho phép nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố hàng đầu của thế giới sở hữu những vũ khí nguy hiểm nhất trên hành tinh” - ông Trump nói, ám chỉ việc Iran hậu thuẫn các nhóm vũ trang như Hamas và Hezbollah - “Chúng tôi yêu cầu tất cả các quốc gia cô lập chính quyền Iran khi mà nước này còn tiếp tục thái độ hung hăng”.

Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng Năm vừa qua, bất chấp nỗ lực nhiều năm của các chính quyền trước cùng nhiều siêu cường khác. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh rằng Tehran sẽ tiếp tục duy trì các cam kết trong Thỏa thuận này, đồng thời gọi ông Trump là một nhà lãnh đạo “lố bịch”, người tự khiến mình bị cô lập.

EU quay lưng với Mỹ

Trong một tín hiệu cho thấy các đồng minh của Mỹ không sẵn lòng tuân theo sự dẫn dắt của ông Trump, 5 bên ký kết Thỏa thuận hạt nhân còn lại - gồm Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp và Đức - trong hôm đầu tuần này đã tuyên bố kế hoạch duy trì quan hệ thương mại với Iran, bất chấp lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng ông rất “khó chịu và thất vọng” trước tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU). “Đây là một trong những hành động phản tác dụng nhất đối với an ninh và hòa bình của toàn cầu” - ông Pompeo nói.

Trong khi đó, Tổng thống Rouhani cũng dội gáo nước lạnh vào ý tưởng nối lại đàm phán với Washington, nói rằng Mỹ đang tìm cách thay đổi chế độ ở Iran. “Thật trớ trêu khi Chính phủ Mỹ thậm chí còn không thèm che giấu kế hoạch lật đổ chính phủ mà họ đang muốn cùng đàm phán” - ông Rouhani nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì sử dụng bài phát biểu của mình để thúc giục “đối thoại và chủ nghĩa đa phương”, nói rằng Thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 là hoàn toàn có tác dụng. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - người có mối quan hệ lãnh nhạt dần với ông Trump - tuy không đề cập trực tiếp tới Tổng thống Mỹ, nhưng nói rằng “rất dễ để gây ra sự hỗn loạn nhưng rất khó để duy trì lại trật tự”.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói rằng, điều quan trọng là phải “phản kháng lại mọi nỗ lực gây tổn hại chủ nghĩa đa phương trong vấn đề thương mại quốc tế” vào một thời điểm mà Tổng thống Trump đang liên tiếp áp đặt thuế đối với các đối tác thương mại của họ.

Công kích quan điểm toàn cầu hóa

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump cũng ra sức công kích các quan điểm “toàn cầu hóa” và tuyên bố rằng “nước Mỹ sẽ không bao giờ đi xin lỗi chỉ vì bảo vệ công dân của họ”. Ông nói rằng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) “không có quyền lực pháp lý, không có tính hợp lệ và không có quyền lực”.

Lãnh đạo Mỹ còn thêm rằng, chính quyền của ông - mới đây cắt viện trợ cho người Palestine - sẽ chỉ hỗ trợ “những người bạn của chúng tôi” trong tương lai. Khi ông nói rằng chính quyền của ông “đã đạt được những thứ mà các đời chính quyền trước đây chưa từng làm được” thì rộ lên tiếng cười lớn của những người ngồi bên dưới.

“Tôi không nghĩ các vị phản ứng như vậy, nhưng không sao” - ông Trump đáp lại.

Trong khi dành những lời ngợi khen Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì đóng góp của ông trong tiến trình hòa bình Triều Tiên, Tổng thống Trump lại chỉ trích Bắc Kinh vì chiến tranh thương mại hiện tại, nói rằng sự không cân bằng thương mại với Trung Quốc là điều “không thể khoan nhượng”.

Đại diện của Venezuela cũng trở thành một mục tiêu khác trong bài phát biểu của ông Trump sau khi ông nói rằng nước này phải chịu trách nhiệm cho một “thảm kịch nhân đạo”. Ông Trump còn nói rằng Tổng thống Maduro “có thể nhanh chóng bị lật đổ”. Lãnh đạo Mỹ cũng chỉ trích OPEC - tổ chức gồm các nước xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có cả đồng minh và thù địch của Mỹ.

“OPEC và các thành viên OPEC, như thường lệ, vẫn ăn trộm của toàn thế giới, và tôi không thích điều đó. Chả ai thích thế cả” - ông Trump nói.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/tong-thong-trump-phat-bieu-gay-soc-dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-tintuc418227