Tổng thống Trump đối mặt hậu quả gì sau vụ tấn công Quốc hội Mỹ

Giới phân tích cho rằng di sản của Tổng thống Trump sẽ bị hoen ố mãi mãi, trong khi bản thân ông đối mặt với nguy cơ bị phế truất dù chỉ còn ít ngày là hết nhiệm kỳ.

Một kẻ bạo loạn trèo lên tường tại Nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1. Ảnh: Time

Một kẻ bạo loạn trèo lên tường tại Nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1. Ảnh: Time

Quốc hội Mỹ đã chứng thực kết quả bầu cử lúc gần 4 giờ sáng ngày 7/1, chấm dứt một trong những ngày “xấu xí” nhất trong lịch sử nền chính trị Mỹ hiện đại.

Ngày đó bắt đầu khi Tổng thống Trump đứng trước Nhà Trắng tuyên bố ông sẽ “không bao giờ đầu hàng”, kêu gọi người ủng hộ tiến tới Đồi Capitol để chứng tỏ “lòng tự hào và dũng cảm mà họ cần để giành lại đất nước”.

Nhưng đó là một ngày đáng xấu hổ với nước Mỹ. Đám đông hỗn loạn tấn công cảnh sát, đập phá các cửa sổ để xông vào tòa nhà, khiến phiên họp của lưỡng viện nhằm kiểm đếm phiếu đại cử tri phải dừng lại, các nghị sĩ tìm nơi ẩn náu. Một phụ nữ bị cảnh sát bắn chết, ba người khác thiệt mạng khi được cấp cứu.

Người biểu tình tấn công cảnh sát, xông vào Điện Capitol. Ảnh: AFP/Getty Images

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Tổng thống Trump sẽ phải gánh chịu hậu quả gì sau ngày “đen tối” 6/1.

Di sản hoen ố

Theo tạp chí Time, trong ngắn hạn, Tổng thống đã để mất niềm tin ở một số phụ tá trong Nhà Trắng, dẫn đến một loạt đơn từ chức mới. Ngày 7/1, Bộ trưởng Giao thông, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ đã đệ đơn từ chức. Các đồng minh thuộc đảng Cộng hòa trên Đồi Capitol – bao gồm các Thượng nghị sĩ trước đây sẵn sàng ủng hộ nỗ lực phản đối kết quả bầu cử - đã đẩy ông Trump ra xa. Hai mạng xã hội Twitter và Facebook thực hiện hành động chưa từng có là đóng băng tài khoản của Tổng thống sau khi ông sử dụng chúng để kích động bạo lực.

“Đêm nay ông ấy cô đơn. Ông ấy biết các nhân viên đang nhìn mình với thái độ khinh thường”, một cố vấn lâu năm của ông Trump cho biết.

Ngay cả những người ủng hộ lâu năm, làm việc gần gũi với Tổng thống Trump, cũng tin rằng ông đã làm hỏng di sản của mình theo cách không thể sửa chữa được khi lan truyền thông tin sai lệch về gian lận bầu cử và khuyến khích hàng ngàn người ủng hộ xông vào Nhà Quốc hội.

“Di sản của Tổng thống Trump sẽ bị hoen ố mãi mãi. Một dấu chấm hết. Câu hỏi là, chuyện này sẽ tác động xấu đến thế nào với phong trào bảo thủ”, một cựu nhân viên Nhà Trắng nói với tờ Time.

Các nghị sĩ sợ hãi nấp dưới sàn nhà Hạ viện khi người biểu tình tấn công Quốc hội. Ảnh: AP

Nỗi ám ảnh của Tổng thống Trump về lòng trung thành cá nhân đã được chứng minh là không phù hợp với việc điều hành một nền dân chủ vốn đòi hỏi sự trung thành với Hiến pháp và tôn trọng phán quyết của cử tri qua lá phiếu.

Phó Cố vấn An ninh quốc gia Matt Pottinger đã nộp đơn từ chức ngay ngày 6/1. Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Matthews cũng từ chức, nói rằng bà bị “rúng động sâu sắc” vì vụ xâm phạm Nhà Quốc hội. Stephanie Grisham, một người họ hàng trung thành lâu năm với ông Trump, từng làm thư ký báo chí Nhà Trắng và gần đây là chánh văn phòng của Đệ nhất phu nhân, đã nộp đơn từ chức. Bà Anna Cristina Niceta, thư ký xã hội Nhà Trắng, cũng có quyết định tương tự, trong khi Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien công khai bày tỏ ủng hộ Phó Tổng thống Mike Pence, báo trước việc ông cân nhắc từ chức. Một quan chức cấp cao cho biết ông O’Brien chỉ ở lại Nhà Trắng để đảm bảo xử lý các vấn đề an ninh quốc gia trong 2 tuần cuối của nhiệm kỳ.

Vị quan chức này cho biết thêm nhiều đơn từ chức nữa sẽ được nộp. Và một đội ngũ nhân sự mỏng có thể không duy trì được đầy đủ chức năng của Nhà Trắng, vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. “Sẽ không còn đủ người để mà điều hành mọi việc”, quan chức giấu tên cho biết.

Kịch bản này có thể xảy ra trong bối cảnh nước Mỹ đang cần được chèo lái hơn bao giờ hết. Số ca tử vong do COVID-19 đã vượt qua 3.800 ca vào đúng ngày 6/1 – một kỷ lục mới; các bệnh viện trên khắp đất nước đang hết công suất; chiến dịch tiêm chủng chậm, hụt xa mục tiêu đặt ra.

Nguy cơ bị phế truất

Trong khi đó, các tác động lâu dài vẫn đang thành hình tại Washington, khi một số nhà lập pháp Dân chủ để ngỏ ý tưởng khởi động một thủ tục luận tội tổng thống nhanh chóng. Các trợ lý Nhà Tráng đã phải tính toán số lượng thành viên nội các cần thiết để đưa ra đánh giá rằng Tổng thống của họ không đủ năng lực phục vụ đất nước, và bị phế truất theo Tu chính án thứ 25. Chính Thống đốc đảng Cộng hòa bang Vermon, Phil Scott cũng kêu gọi ông Trump từ chức hoặc bị Nội các hoặc Quốc hội miễn nhiệm.

Ngày 7/1, Chủ tịch Hạ viện của đảng Dân chủ, bà Nancy Pelosi đã yêu cầu phế truất Tổng thống Trump, cáo buộc ông có liên quan đến cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol cũng như những hành động xâm nhập trụ sở Hạ viện một ngày trước đó. Bà Pelosi yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence vận dụng Tu chính án thứ 25, vốn cho phép tước bỏ quyền lực của Tổng thống, đồng thời nêu rõ nếu ông Pence không thực hiện bước đi trên, bà và các thành viên khác trong Quốc hội sẵn sàng thúc đẩy luận tội Tổng thống Trump lần thứ hai.

Tổng thống Trump trong video ngắn gọi vụ tấn công là "tội ác" và kêu gọi "hàn gắn" đất nước. Ảnh: Twitter

Trên thực tế, không còn lại nhiều thời gian trong nhiệm kỳ tổng thống. Sau khi Quốc hội chứng thực chiến thắng của Tổng thống đắc cử Biden, ông Trump đã ra tuyên bố khẳng định sẽ công nhận kết quả và chuyển giao quyền lực "một cách trật tự".

Tổn hại không thể sửa chữa với nền dân chủ

Khi cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump trước Nhà Trắng bắt đầu vào ngày 6/1, luật sư riêng của Tổng thống, Rudy Giuliani đã kêu gọi “xét xử bằng chiến đấu” nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Sau bài phát biểu với người ủng hộ vào buổi trưa, ông Trump đã không tham gia tuần hành đến Điện Capitol, mà trở lại Cánh Tây, dành cả buổi chiều cho các cuộc họp trong Phòng Bầu dục.

Khi những kẻ bạo loạn xông vào Nhà Quốc hội, vị Tổng thống mãn nhiệm không chỉ trích hành động của đám đông, mà đăng trên Twitter, gọi họ là “những người yêu nước vĩ đại”. Dòng tweet này sau đó bị gỡ.

Đám đông bạo loạn trước khi xông vào bên trong Điện Capitol. Ảnh: Time

Biện pháp nửa vời đó tất nhiên không dập tắt được bạo lực. Thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy nói với ABC News rằng ông đã gọi điện cho Tổng thống, “cầu xin” ông phát đi một tuyên bố mạnh mẽ.

Tới gần 4 giờ chiều, Trump đã đưa ra một thông điệp video ghi từ Vườn Hồng, vẫn không làm mất lòng đám đông bạo loạn: “Chúng ta đã có một cuộc bầu cử bị đánh cắp”, “Nhưng các bạn phải trở về nhà ngay bây giờ”. Ông kết thúc đoạn clip với lời nhắn nhủ: “Chúng tôi yêu các bạn. Các bạn rất đặc biệt”.

Khi bóng tối buông xuống, cảnh sát mới lập lại được trật tự tại khu vực Nhà Quốc hội, cho phép lưỡng viện nối lại thủ tục phê chuẩn chính thức kết quả bầu cử. Nhưng những tổn hại với nền dân chủ Mỹ thì không thể sửa chữa.

Nicole Austin-Hillery, người đứng đầu chương trình Mỹ tại Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho rằng: “Đám đông chiếm Điện Capitol đã tìm cách can thiệp vào việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Đây là đỉnh điểm một chiến dịch liều lĩnh của tổng thống và những người tạo điều kiện cho ông ta phá hoại các quy trình dân chủ và pháp quyền sau khi ông thất bại trong cuộc bầu cử. Chính phủ cần phải bắt giữ họ để giải trình”.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tong-thong-trump-doi-mat-hau-qua-gi-sau-vu-tan-cong-quoc-hoi-my-20210108111522004.htm