Tổng thống Trump đối mặt cuộc chiến đảng phái sau bầu cử giữa kỳ

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu ngày mới trong một môi trường chính trị hoàn toàn mới khi đảng Cộng hòa của ông để mất quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6/11. Cuộc bầu cử được coi là một cuộc 'trưng cầu ý dân' với Tổng thống Trump.

Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ năm 2018 cho thấy đảng Dân chủ đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện đúng như dự đoán. Tính tới 10h sáng 9/11, đảng Dân chủ nắm trong tay 223 ghế Hạ viện, vượt con số tối thiểu 218 ghế cần thiết, trong khi đảng Cộng hòa có 198 ghế.

Cử tri đăng ký bỏ phiếu tại một điểm bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Honolulu, Hawaii, Mỹ ngày 6/11/2018. Ảnh: THX/ TTXVN

Tổng thống Donald Trump đã gọi điện cho bà Nancy Pelosy, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện khóa 115, để chúc mừng đảng Dân chủ về chiến thắng nói trên. Trước đó, trong quá trình vận động bầu cử giữa kỳ, Tổng thống Trump đã coi bầu cử lần này là cuộc trưng cầu ý dân với bản thân, nói với người ủng hộ rằng họ cần bỏ phiếu cho phe Cộng hòa để ông có thể tiếp tục chính sách của mình.

Về phần mình, trong buổi tiệc mừng chiến thắng tại Washington D.C, bà Nancy Pelosi nói rằng cho biết các thành viên đảng Dân chủ sẽ kiềm chế Tổng thống Donald Trump. Theo bà Pelosi, các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện sẽ tận dụng chiến thắng mới để theo đuổi một chương trình nghị sự hợp tác lưỡng đảng cho một đất nước mà bà cho là đã có "đủ sự chia rẽ" rồi. Dự kiến, bà Pelosi sẽ được chọn làm Chủ tịch Hạ viện khóa tới, vị trí mà bà từng nắm giữ trong 4 năm, từ năm 2007.

Trước đó, CNN dẫn kết quả kiểm phiếu cho biết đảng Cộng hòa đã giành được ít nhất 51 ghế, trong khi đảng Dân chủ để mất 3 ghế so với con số 49 ghế đảng này đang nắm giữ trong Thượng viện khóa 115. Dù kết quả kiểm phiếu cuối cùng chưa được công bố, song đảng Cộng hòa đã chắc chắn giành chiến thắng và tiếp tục là lực lượng đa số tại Thượng viện nước này khóa tới.

Với kết quả trên, Quốc hội Mỹ khóa mới (khóa 116) khai mạc ngày 20/1/2019 sẽ ở thế lưỡng cực khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau mỗi đảng nắm giữ một viện lập pháp. Dù không bảo toàn được con số 49 ghế tại Thượng viện, song cuộc bầu cử được nhìn nhận là thắng lợi của đảng Dân chủ khi họ hoàn thành mục tiêu giành lại quyền kiểm soát ít nhất 1 trong 2 viện lập pháp.

Số cử tri đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ năm 2018 được đánh giá là cao hơn nhiều so với các cuộc bầu cử giữa kỳ trước đó. Theo Dự án Bầu cử Mỹ - nguồn cung cấp số liệu cho hệ thống bầu cử Mỹ, 38,8 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử 6/11, vượt qua con số 27,4 triệu người bỏ phiếu trước trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014.

Trong nhóm cử tri trẻ tuổi, Viện Nghiên cứu chính sách thuộc trường Harvard Kennedy cho biết có 40% số cử tri 18-29 tuổi "chắc chắn bỏ phiếu", trong đó 54% là các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ, 43% ủng hộ đảng Cộng hòa và 24% bỏ phiếu cho các ứng cử viên độc lập. Cộng đồng người thiểu số và người gốc Mỹ Latinh, vốn bất mãn với chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, đã giúp các nghị sĩ đảng Dân chủ thay đổi "thế trận" trong Quốc hội Mỹ.

Cuộc chiến đảng phái

Kết quả bầu cử giữa kỳ cho thấy trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến đảng phái với Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát và có quyền lực để ngăn chặn nghị trình của ông.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Theo bình luận của New York Times, trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump sẽ phải lựa chọn giữa một bên là leo thang xung đột đã chia rẽ nước Mỹ trong thời gian gần đây và một bên là nỗ lực hòa giải đảng phái – điều hiếm khi xảy ra trong thời gian ông làm tổng thống.

Khi mà đảng Cộng hòa không còn nắm giữ mọi quyền lực ở Washington, Tổng thống Trump không thể vượt qua sự phản đối nếu ông hi vọng biến ưu tiên của mình thành luật. Ông sẽ không còn sự ủng hộ đa số của phe Cộng hòa một khi phe Dân chủ nhất quyết muốn điều tra mọi vấn đề liên quan tới cá nhân hay vấn đề chính trị mà ông không muốn động chạm tới, từ hồ sơ thuế cá nhân cho tới mối quan hệ với Nga hay các vấn đề xung đột lợi ích.

Cực đoan nhất là khả năng Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát thậm chí còn đặt ra mối đe dọa luận tội tổng thống tùy theo kết quả điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người giữ im lặng trong suốt chiến dịch bầu cử giữa kỳ. Cựu hạ nghị sĩ Tom Davis, một thành viên đảng Cộng hòa ở Virginia nhận định: “Chính quyền sẽ bị Hạ viện của phe Dân chủ kiểm soát kỹ lưỡng và bị yêu cầu thực hiện trách nhiệm giải trình thường xuyên. Sẽ có nhiều cuộc điều tra và trát hầu tòa. Tuần trăng mật đã kết thúc. Cử tri đã bỏ phiếu để đánh giá tổng thống”.

Ông Trump trở thành tổng thống thứ ba liên tục trải qua một cuộc bầu cử giữa kỳ không như ý. Trước đó, phe Cộng hòa của ông George W. Bush mất hai viện Quốc hội năm 2006, phe Dân chủ của ông Barack Obama mất quyền kiểm soát Hạ viện năm 2010 và Thượng viện năm 2014.

Dù vậy, cả ông Clinton và Obama đều “bật dậy” sau thất bại bầu cử giữa kỳ để giành chiến thắng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Điều đó cho thấy việc có một đối thủ có thể hữu ích về mặt chính trị.

Ông Marc Short, một cựu giám đốc pháp lý của Tổng thống Trump, nhận định: “Không có gì có thể giúp Tổng thống có triển vọng được bầu lại tốt hơn là khi bà Nancy Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện”. Cựu Hạ nghị sĩ New York Steve Israel thuộc đảng Dân chủ cũng cho rằng khi Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát, Tổng thống Trump có thể có điều ông cần cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tong-thong-trump-doi-mat-cuoc-chien-dang-phai-sau-bau-cu-giua-ky-20181108091321456.htm