Tổng thống Trump đặt điều kiện rút quân, dọa trừng phạt Iraq

Tổng thống Donald Trump ngày 5/1 tuyên bố Mỹ sẽ không rút quân khỏi Iraq cho tới khi nước này phải thanh toán chi phí cho việc duy trì Căn cứ quân sự Balad.

Phát biểu với báo giới khi rời Florida về Washington D.C sau kỳ nghỉ cuối tuần, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ không rút quân khỏi Iraq nếu Baghdad không chi trả kinh phí cho Căn cứ Quân sự Balad mà các lực lượng Mỹ đồn trú lâu nay tại nước này.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho hay Washington đã chi hàng tỷ USD để xây dựng căn cứ quân sự quan trọng này. Tổng thống Trump đồng thời đe dọa sẽ áp dụng "đòn trừng phạt lớn mà Iraq chưa từng thấy trước đây", thậm chí cứng rắn hơn các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, nếu Baghdad ép buộc các lực lượng Mỹ phải rút quân và không thanh toán kinh phí cho căn cứ Balad.

Tuyên bố trên được Tổng thống Trump đưa ra một ngày sau khi Quốc hội Iraq đã tổ chức phiên họp bất thường để thông qua một nghị quyết yêu cầu quân đội nước ngoài phải rút khỏi quốc gia Trung Đông này.

Tại phiên họp bất thường được tổ chức theo đề nghị của Thủ tướng Adel Abdul Mahdi, Quốc hội Iraq đã thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ nước này chấm dứt thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ đồn trú.

Điều này đồng nghĩa với việc trên 5.200 binh sĩ Mỹ sẽ được yêu cầu rút khỏi Iraq.

Theo kế hoạch hành động 5 điểm nêu trên, Quốc hội Iraq yêu cầu chính phủ chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ nước này, rút lại việc hỗ trợ dành cho liên minh quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đề nghị chính phủ ban hành lệnh cấm các lực lượng nước ngoài sử dụng không phận Iraq và gửi một công hàm khiếu nại chính thức về vụ không kích của Mỹ lên Liên hợp quốc. Nghị quyết có đoạn: "Chính phủ Iraq phải chấm dứt sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ nước ngoài nào trên lãnh thổ Iraq và ngăn chặn họ sử dụng lãnh thổ, không phận và hải phận Iraq vì bất cứ lý do nào".

Để có hiệu lực, nghị quyết trên cần được Thủ tướng Iraq ký ban hành.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Iraq, Thủ tướng Mahdi nhấn mạnh: "Bất chấp những khó khăn nội bộ và bên ngoài mà chúng ta có thể phải đối mặt, việc này (chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài) vẫn là tốt nhất đối với Iraq kể cả về mặt nguyên tắc lẫn thực tế".

Binh sĩ Mỹ tại Iraq. Ảnh: Times

Binh sĩ Mỹ tại Iraq. Ảnh: Times

Quốc hội Iraq đã đưa ra quyết định nhanh chóng và khá bất ngờ trên sau khi Quân đội Mỹ hôm 3/1 tiến hành vụ không kích tên lửa nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad và sát hại Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani. Vụ việc đã lập tức thổi bùng ngọt lửa căng thẳng giữa Iran và Mỹ nói riêng và tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm cho khu vực Trung Đông nói chung.

Thủ tướng Mahdi đã lên án Mỹ bất chấp hậu quả để tiến hành vụ không kích "sát hại" Tư lệnh đơn vị Quds của Iran Qasem Soleimani và chỉ huy lực lượng Hashed al-Shaabi của Iraq, al-Husssaini. Tuyên bố của Thủ tướng Mahdi nêu rõ cuộc không kích sân bay Baghdad là một hành động gây hấn nhằm vào Iraq và vi phạm chủ quyền của Iraq, sẽ dẫn tới chiến tranh tại Iraq, trong khu vực, và trên thế giới.

Bộ Ngoại giao Iraq ngày 5/1 cho biết đã triệu Đại sứ Mỹ tại Baghdad Matthew Tueller để lên án vụ không kích của Mỹ gần sân bay quốc tế Baghdad ngày 3/1 khiến Tướng đặc nhiệm Iran thiệt mạng. Tuyên bố của Bộ trên nêu rõ vụ không kích trên của Mỹ "vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq và đi ngược lại các nhiệm vụ đã được thỏa thuận của liên minh quốc tế".

Ngày 5/1, trả lời phỏng vấn báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Washington rất thất vọng với quyết định của Quốc hội Iraq. Theo ông Ortagus, Mỹ đã đánh giá thêm tính pháp lý và ảnh hưởng của nghị quyết nói trên, đồng thời hối thúc giới chức lãnh đạo Iraq đánh giá lại tầm quan trọng của mối hợp tác kinh tế và an ninh giữa hai quốc gia, cũng như tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì liên minh chống Nhóm nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-trump-dat-dieu-kien-rut-quan-doa-trung-phat-iraq-20200106075616038.htm