Tổng thống Trump có thể vượt quyền hiến pháp?

Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông có kế hoạch kết thúc sự tồn tại quy định bất kỳ ai sinh ra trên đất Mỹ đều trở thành công dân nước này bằng một sắc lệnh hành chính, dư luận đặt vấn đề: Liệu ông có thể làm được điều đó hay không?

Tổng thống Mỹ đã khẳng định ông đang hướng đến mục đích chấm dứt nguyên tắc 150 năm tuổi này khi trả lời phỏng vấn trang tin Axios.

Tổng thống Donald Trump đang đau đầu trước dòng người di cư hướng đến biên giới nước Mỹ. Ảnh: REUTERS

"Trước đây, người ta luôn luôn bảo tôi cần phải có một tu chính án... Thế nhưng, nay người ta nói tôi có thể làm được chỉ bằng một sắc lệnh hành chính" - ông chủ Nhà Trắng xác nhận.

Ông Trump thừa nhận một sắc lệnh như thế đang được soạn thảo. Sau đó, thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Lindsey Graham viết trên trang Twitter: "Tôi dự định đưa ra dự luật cùng với những đường lối tương tự dưới dạng một sắc lệnh hành chính từ Tổng thống Donald Trump".

Phát biểu của ông Trump đã làm dấy lên cuộc tranh luận liệu Tổng thống Mỹ có quyền đơn phương thực hiện một điều như vậy hay không.

Ngay câu đầu tiên trong tu chính án 14 - được thông qua năm 1868 sau khi kết thúc nội chiến ở Mỹ - xác lập nguyên tắc có quyền công dân ngay khi sinh đối với những người sinh ra trên đất Mỹ. Qua đó, tu chính án này giải quyết quyền công dân của những người từng là nô lệ sinh ra ở Mỹ.

Tu chính án 13 trước đó đã bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1865.

Nhận định về vấn đề trên, hầu hết các học giả đều cho rằng Tổng thống Trump không thể chấm dứt nguyên tắc "quyền công dân khi sinh ra" bằng một sắc lệnh hành chính.

Chuyên gia về hiến pháp Saikrishna Prakash thẳng thắn: "Ông ấy đang làm làm một chuyện khiến nhiều người lo ngại nhưng điều này cuối cùng sẽ được tòa án quyết định. Đây không phải là chuyện ông ấy có thể quyết định một mình".

Chủ tịch hạ viện Paul Ryan cũng bác bỏ khẳng định rằng tổng thống có thể hành động đơn phương. "Anh không thể chấm dứt nguyên tắc quyền công dân khi sinh bằng một sắc lệnh hành chính" - ông quả quyết.

Trong khi đó, bà Martha S Jones, tác giả công trình nghiên cứu Birthright Citizens (Tạm dịch: Những công dân ngay khi sinh ra), viết trên trang Twitter rằng Tòa án Tối cao không hề phán quyết liệu con cái những người không phải là công dân Mỹ hoặc những người nhập cư trái phép có tự động trở thành công dân khi sinh ra hay không.

Theo đài BBC, một tu chính án có thể xóa bỏ nguyên tắc về quyền công dân Mỹ như nêu trên nhưng điều đó đòi hỏi phải có 2/3 phiếu thuận ở cả hạ viện lẫn thượng viện Mỹ.

Hoài Vy (Theo BBC)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tong-thong-trump-co-the-vuot-quyen-20181031112850624.htm