Tổng thống quốc đảo Nauru tỏ thái độ cứng rắn với quan chức Trung Quốc

Tại Hội nghị Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương PIF lần thứ 49 khai mạc tuần vừa rồi tại quốc đảo Nauru, Tổng thống Nauru Baron Waqa đã dũng khí nói thẳng với quan chức Trung Quốc: 'Hãy thể hiện sự tôn trọng' khi quan chức Trung Quốc có hành vi thô lỗ ỷ thế 'nước lớn'.

Theo Guardian, khi sự kiện chưa bắt đầu, Nauru đã từ chối cấp thị thực ngoại giao cho quan chức Trung Quốc tới dự hội nghị nhưng sau đó, trước áp lực ngoại giao, Nauru cuối cùng đã chấp nhận cấp thị thực cho đoàn đại biểu Trung Quốc, dẫn đầu là ông Đỗ Kỷ Văn - cựu Đại sứ Trung Quốc tại Hy Lạp trong vai trò “đặc sứ”.

Tổng thống quốc đảo Nauru Baron Waqa tại cuộc họp báo ngày 5-9

Hành xử của quan chức Trung Quốc

Khi sự việc này vừa tạm lắng xuống thì bất ngờ, giữa phiên họp ngày 4-9, đại diện Bắc Kinh đã to tiếng với nước chủ nhà. Theo đó, liên tục ra hiệu muốn phát biểu nhưng vì bị từ chối nên đoàn Trung Quốc đã lập tức đứng dậy rời khỏi phòng họp trong khi ông Đỗ Kỷ Văn được cho là đã nổi cáu, đi vòng quanh bàn hội nghị chỉ trích, phản đối quyết định của người chủ trì phiên họp - Tổng thống Nauru Baron Waqa.

Đáp lại, Tổng thống Nauru cáo buộc quan chức Bắc Kinh có hành vi thô lỗ khi chen ngang, đòi phát biểu trước các nguyên thủ khác, trong khi ông này chỉ là một quan chức cấp thấp. “Có thể bởi vì ông ta đến từ một nước lớn nên muốn bắt nạt chúng tôi”, Tổng thống Baron Waqa chỉ trích.

Trao đổi với báo chí vào tối 5-9, Tổng thống Nauru Baron Waqa còn cho biết, Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) sẽ yêu cầu Bắc Kinh xin lỗi vì hành vi “gây rối” của nhà ngoại giao Trung Quốc. “Kể từ phiên họp tại Nauru lần này trở đi, chúng tôi sẽ không cho phép hành vi như vậy xuất hiện trong khuôn khổ hội nghị ở Thái Bình Dương” - Tổng thống Nauru khẳng định - “Cách hành xử của ông ta trước các lãnh đạo, Bộ trưởng và quan chức của chúng ta là không thể được. Ông ta không tôn trọng Thái Bình Dương và các lãnh đạo ở đây, cũng như các đối tác đối thoại khác đã đến tham dự cuộc họp với chúng ta. Thậm chí không phải là một Bộ trưởng mà yêu cầu mọi người nhận ra và để ông ấy phát biểu trước Ngài Thủ tướng của Tuvalu. Chúng tôi sẽ không chỉ yêu cầu Trung Quốc xin lỗi chính thức, mà sẽ đưa chuyện này ra Liên hợp quốc. Chưa hết, tôi sẽ đề cập vụ việc ở Liên hợp quốc và mọi phiên họp quốc tế để bày tỏ quan ngại của chúng tôi”, tờ The Australian dẫn lời ông Waga nói.

Cả hai phía nói gì?

Reuters cho biết, Tổng thống Waqa giải thích rằng ông không cho phép đại diện Trung Quốc phát biểu vì muốn thực hiện nghi thức ngoại giao để các Thủ tướng và Bộ trưởng phát biểu trước khi đến lượt quan chức ngoại giao. “Tôi phải hành động cứng rắn vì không ai có quyền đến đây và quyết định mọi việc thay chúng tôi…” - ông Waqa nhấn mạnh.

Trước phát biểu của Tổng thống Waqa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, việc Nauru cản trở đại diện nước này phát biểu ở phiên họp ngày 4-9 là “đi ngược thông lệ quốc tế” và đoàn Trung Quốc “rời khỏi hội trường sớm để bày tỏ kháng nghị”. Đề cập thực tế Nauru là đảo quốc Thái Bình Dương vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) mà không thiết lập quan hệ với Trung Quốc Đại lục, bà Hoa Xuân Oánh cảnh báo Nauru “nhìn nhận rõ xu thế lớn, sửa chữa sai lầm, không tiếp tục hành động ngược lại trào lưu lịch sử”.

Việc Tổng thống Nauru, một trong những đất nước nhỏ nhất thế giới với diện tích chỉ 21km2 và dân số 11.000-12.000 tỏ rõ sự cứng rắn trước quan chức Trung Quốc đã làm nổi bật sự nhạy cảm về ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Trung Quốc đã vượt Australia trở thành nhà tài trợ lớn nhất sau khi cam kết hỗ trợ 4 tỷ USD cho khu vực trong năm ngoái. Có những lo ngại rằng nếu các nền kinh tế nhỏ Thái Bình Dương không trả được nợ, có thể Bắc Kinh sẽ hoán đổi nợ bằng các điều khoản bất lợi, từ đó tăng cường tiếp cận quân sự và gây ảnh hưởng chiến lược trong khu vực.

Yến Chi (Theo Guardian/Reuters)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tong-thong-quoc-dao-nauru-to-thai-do-cung-ran-voi-quan-chuc-trung-quoc/781173.antd