Tổng thống Putin tự tin có tên lửa 'vượt mặt' Mỹ nhưng nhiều vũ khí của Nga đang chững lại?

Mặc dù các vũ khí chiến lược của Nga đang được tập trung phát triển mạnh mẽ, các vũ khí thông thường của các lực lượng không quân, hải quân lại đang gặp khó khăn do nhiều yếu tố, từ lệnh trừng phạt cho đến nguồn lực kinh tế.

Tổng thống Putin đã đưa những cảnh báo mạnh mẽ trong thông điệp liên bang ngày 20/2.

Tổng thống Putin đã đưa những cảnh báo mạnh mẽ trong thông điệp liên bang ngày 20/2.

Quân đội Nga đã sẵn sàng cho một “cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba” nếu Mỹ đủ dại dột muốn như vậy và Moscow có lợi thế khi tiến hành đòn tấn công hạt nhân đầu tiên, Tổng thống Vladimir Putin cho biết trong thông điệp liên bang 2019 - bài phát biểu mang tính định hướng đối ngoại quan trọng nhất trong năm của Nga.

Bình luận của ông Putin được truyền thông Nga đăng tải hôm 20/2, với hàm ý rằng Moscow sẽ đáp trả tương ứng với bất kỳ động thái nào của Mỹ trong việc triển khai tên lửa mới gần Nga bằng cách nhắm tên lửa vào các thủ đô phương Tây.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra vào năm 1962 khi Moscow đáp trả việc triển khai tên lửa của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách gửi tên lửa đạn đạo tới Cuba - cách Mỹ 150km - gây ra một thế đối đầu bế tắc đưa thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Hơn năm thập kỷ trôi qua, căng thẳng đang gia tăng trở lại do lo ngại Nga, Mỹ có thể triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu sau khi hiệp ước kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh có nguy cơ tan vỡ.

Quan hệ giữa Moscow và Washington đã căng thẳng, ông Putin nói, nhưng căng thẳng vẫn chưa thể so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

"Họ gây căng thẳng không phải là lý do để tăng cường đối đầu theo mức độ khủng hoảng tên lửa Cuba vào những năm 1960. Trong mọi trường hợp, đó không phải là điều chúng tôi muốn", Tổng thống Nga nhấn mạnh. "Nhưng nếu ai muốn điều đó, cũng được thôi, họ được chào đón".

Ông Putin cho biết Nga có thể triển khai tên lửa siêu vượt âm trên tàu và tàu ngầm, có thể ẩn nấp bên ngoài lãnh hải Mỹ nếu Washington chuyển sang triển khai vũ khí hạt nhân mới ở châu Âu.

"Chúng ta đang nói về các phương tiện vận chuyển hải quân: tàu ngầm hoặc tàu mặt nước. Chúng ta có thể triển khai tốc độ và tầm bắn của tên lửa trong vùng nước trung lập. Ngoài ra, những vũ khí này không đứng yên, chúng sẽ di chuyển và kẻ thù sẽ phải tự mà phát hiện", ông Putin nói.

"Đối thủ sẽ phải đối đầu với nó. Tên lửa có tốc độ Mach 9 và tầm bắn hơn 1.000km”.

Trong phản ứng mới nhất, bộ Ngoại giao Mỹ gọi lời cảnh báo trước đó của ông Putin là “tuyên truyền”, nói rằng nó được xây dựng để chuyển sự chú ý ra khỏi những gì Washington cáo buộc Moscow vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Hiệp ước INF cấm Nga và Mỹ phát triển các tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu đang hấp hối, khiến nhiều lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới sắp nổ ra.

Putin nói rằng ông không muốn một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ nhưng ông sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài hành động nếu Washington triển khai tên lửa mới ở châu Âu, mà một số trong đó ông nói có thể tấn công Moscow trong vòng 10-12 phút.

Tổng thống Putin nói rằng phản ứng của hải quân đối với một động thái như vậy có nghĩa là Nga có thể tấn công Mỹ nhanh hơn tên lửa của Mỹ có thể tấn công Moscow.

"Tính toán như vậy sẽ không có lợi cho họ, ít nhất là trong điều kiện hiện nay. Đó là điều chắc chắn", ông Putin tự tin với tuyên bố của mình.

Khó khăn của Nga về quân sự

Mặc dù Tổng thống Putin tự hào về năng lực quân sự, nhưng các lực lượng vũ trang của Nga thời gian qua đã không mang đến những vũ khí mới mẻ nào trong các cuộc diễu hành quân sự hàng năm ở Quảng trường Đỏ, tờ Al Jazeera dẫn lời các nhà ngoại giao phương Tây và các chuyên gia quân sự.

Tổng thống Putin từ lâu đã tập trung gây dựng hình ảnh sức mạnh quân sự để củng cố vị thế của ông và nước Nga ở trong và ngoài nước, nhưng Moscow đang đại tu quân sự chậm hơn nhiều so với Trung Quốc, một nhà quan sát cho hay.

Nga từ lâu đã không giới thiệu thêm vũ khí mới ở Quảng trường Đỏ.

"Các vấn đề của Moscow là khả năng của các lực lượng quân sự thông thường – đã thể hiện ở Syria và Ukraine - không tuyệt vời như Điện Kremlin khiến cả thế giới tin tưởng", một quan chức phương Tây hiểu biết về quân đội Nga nêu quan điểm.

Moscow thiếu nhà máy hiện đại và lao động lành nghề, cũng như không có nguồn tài chính cần thiết để đảo ngược hàng thập kỷ suy thoái nhanh như họ muốn, các quan chức Nga và các nhà phân tích quân sự nói.

Andrei Frolov, tổng biên tập tạp chí Arms Exports của Nga, cho biết Nga đã sản xuất thành công nguyên mẫu của các hệ thống vũ khí mới, nhưng phải vật lộn để chuyển sang các sản phẩm kế tiếp.

Ngoài ra, trong bài phát biểu hôm 20/2, ông Putin đã không đề cập đến các vấn đề của hải quân.

Chương trình xây dựng tàu khu trục tàng hình tiên tiến nhất của Nga, lớp Đô đốc Gorshkov, đã bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt. Nga hy vọng sẽ bổ sung thêm 14 tàu như vậy vào hải quân của mình, nhưng không có động cơ cho 12 trong số các tàu đó, theo các nguồn tin từ Al Jazeera

Không quân cũng là một vấn đề. Ban đầu, Moscow dự kiến sẽ có khoảng 150 máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 thế hệ thứ năm, nhưng các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng và Chính phủ cho biết họ hiện chỉ mong đợi một chiếc máy bay được sản xuất đầu tiên trong năm nay. Ngoài ra, có thể sau đó là 14 chiếc khác.

Các nhà phân tích cho rằng chi phí sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu mới chỉ đơn giản là vượt ra ngoài khả năng của Nga. Bên cạnh đó, kế hoạch siêu xe tăng của Nga cũng đã gặp phải khó khăn.

Kho vũ khí vẫn “lấp lánh”

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quân đội Nga không phải là một lực lượng dễ bị coi thường. Một số phần cứng của nước này, chẳng hạn như hệ thống phòng không S-400 được các chuyên gia quân sự đánh giá là đẳng cấp thế giới.

Tổng thống Putin cũng đã chi mạnh tay cho công nghệ tên lửa, tiết lộ các hệ thống siêu vượt âm mới, được coi là rường cột cho sức mạnh Nga khi đối đầu với các kẻ thù mạnh mẽ.

Nhưng không quân và quân đội Nga, giống như hải quân, đang gặp vấn đề về vũ khí. Máy bay chiến đấu tàng hình mới nhất mà Nga giới thiệu cũng đã từ 9 năm trước và một siêu xe tăng mới nhất ra mắt Quảng trường Đỏ cũng đã gần bốn năm trước. Thậm chí, các quan chức Chính phủ thừa nhận rằng chúng chưa thể được triển khai đồng loạt trong tương lai gần.

Richard Connolly, một chuyên gia Nga tại Đại học Birmingham, cho rằng không nên đánh giá thấp quân đội Moscow, nhưng Nga vẫn đang vật lộn với di sản của một cuộc khủng hoảng kinh tế sau sự sụp đổ của Liên Xô, ảnh hưởng nhiều đến các đơn đặt hàng vũ khí nhà nước và tổ hợp công nghiệp quân sự .

"Nó không đơn giản như kiểu nói rằng chúng ta có tiền và hãy mang tiền đó đi để làm tất cả những gì mình muốn”, chuyên gia Connolly mô tả.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tong-thong-putin-tu-tin-co-ten-lua-vuot-mat-my-nhung-vu-khi-thong-thuong-dang-chung-lai-a423096.html