Tổng thống Putin thấy trước 'kế hoạch đặc biệt' của Mỹ với vũ khí hạt nhân ở Ba Lan

Nga được cho là đã phản ứng trước việc Mỹ có ý định đặt vũ khí hạt nhân ở Ba Lan bằng cách triển khai hành động tương tự tại Belarus.

Tổng thống Vladimir Putin đã thấy trước một "kế hoạch đặc biệt" của Mỹ nhằm gửi vũ khí hạt nhân đến Ba Lan, nhà phân tích chính trị người Serbia Drago - ông Bosnich viết về điều này trong một bài báo đăng trên tờ InfoBrics.

Tổng thống Vladimir Putin đã thấy trước một "kế hoạch đặc biệt" của Mỹ nhằm gửi vũ khí hạt nhân đến Ba Lan, nhà phân tích chính trị người Serbia Drago - ông Bosnich viết về điều này trong một bài báo đăng trên tờ InfoBrics.

Vào ngày 25/3/2023, Tổng thống Nga đã gây bất ngờ khi công bố một thỏa thuận giữa Moskva và Minsk liên quan đến việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.

Quyết định nói trên được đưa ra sau khi chính quyền Belarus gửi yêu cầu tương ứng tới Moskva. Trên thực tế, điều này phản ánh các thỏa thuận của Washington về việc sử dụng chung vũ khí hạt nhân với một số quốc gia thành viên NATO.

Các chuyên gia quân sự ở phương Tây ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm lý do tại sao Tổng thống Putin đồng ý với yêu cầu của người đồng cấp Alexander Lukashenko và gửi vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus.

Như đã biết, Minsk rõ ràng chủ động đề nghị Moskva thực hiện bước này. Do vậy bước đi của Nga không liên quan trực tiếp đến việc đáp trả hành động "gây hấn" của Anh, đó là đe dọa xe tăng Nga bằng đạn pháo chứa Uranium nghèo.

“Mặc dù quyết định chính thức được đưa ra sau khi London gửi cảnh báo tới các xe tăng Nga thông qua đạn xuyên cấu tạo từ Uranium nghèo, tuy nhiên trên thực tế, điều này có thể là do bản kế hoạch đặc biệt hơn nhiều của Mỹ".

"Cụ thể, Warsaw và Washington đang thúc đẩy ý tưởng chuyển một số vũ khí hạt nhân của Mỹ tích lũy ở một số quốc gia châu Âu khác sang lãnh thổ Ba Lan”, bài phân tích trên tờ InfoBrics nói rõ.

Cần nhấn mạnh, hiện tại Mỹ có thỏa thuận về việc sử dụng chung vũ khí hạt nhân với Đức, Hà Lan, Bỉ, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả 5 quốc gia đều có khoảng 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật được triển khai trên lãnh thổ, hầu hết là loại phóng từ trên không.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, Ba Lan đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân và chính quyền Mỹ tỏ ra rất quan tâm đến đề xuất này.

Do đó, vào ngày 5/5/2022, Đại sứ Mỹ tại Warsaw - ông Georgette Mosbacher đã đề xuất chuyển toàn bộ số vũ khí hạt nhân của nước này đang để tại Đức sang Ba Lan, nhất là khi Berlin muốn đưa chúng đi.

Với tình hình căng thẳng tại châu Âu như hiện nay, các chuyên gia phân tích chính trị - quân sự và những nhà lãnh đạo ngày càng bàn tán nhiều hơn về vấn đề nói trên.

Vào tháng 10/2022, Tổng thống Ba Lan - ông Andrzej Duda khoe rằng bản thân đang thảo luận với phía Mỹ về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ nước mình.

Thật thú vị, Washington ngay lập tức cố gắng biện minh cho mình và tuyên bố rằng họ không lên kế hoạch cho một bước đi như vậy, nhưng theo chuyên gia Drago Bosnich: "Moskva đã rút ra kết luận cần thiết: vũ khí hạt nhân Mỹ hiện diện ở Ba Lan chỉ là vấn đề thời gian".

Hiện tại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga vẫn chưa hiện diện trên lãnh thổ Belarus mà chỉ dừng lại ở bản ghi nhớ, có lẽ Moskva cũng đang nghe ngóng tình hình và chỉ thực hiện bước đi trên nếu Washington tiến hành trước.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tong-thong-putin-thay-truoc-ke-hoach-dac-biet-cua-my-voi-vu-khi-hat-nhan-o-ba-lan-post535148.antd