Tổng thống Putin sẽ nắm quyền lực lâu hơn?

Tại cuộc họp báo cuối năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngỏ ý tán thành đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, nếu điều đó trở thành hiện thực, ông có thể bị loại ra khỏi cuộc chạy đua giành nhiệm kỳ tổng thống thứ 5. Mặc dù vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, điều này không có nghĩa là đến năm 2024, ông Putin sẽ chuyển giao quyền lực.

Ủng hộ sửa đổi Hiến pháp

Tờ Vedomosti bình luận: “Việc Tổng thống Putin tán thành đề xuất sửa đổi Hiến pháp Nga là một trong số ít những điểm nổi bật của cuộc họp báo lớn năm 2019.” Tuy vậy, Tổng thống Putin cho biết, ông sẽ không ủng hộ những sửa đổi quá cực đoan. Theo nhà lãnh đạo Nga, nên giữ nguyên hiện trạng phần đầu tiên của Hiến pháp vì nó mô tả căn bản cấu trúc của bộ luật nền tảng của nước Nga. Phần còn lại có thể được sửa đổi và đặc biệt cần loại bỏ cụm từ “liên tiếp” trong điều luật về số lượng nhiệm kỳ tổng thống. Ý của ông Putin là cần sửa đổi khoản 3 Điều 81 của Hiến pháp Nga hiện hành – “một người không thể nắm chức tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Ngoài ra, ông chủ Điện Kremli cũng nói rằng ông chia sẻ quan điểm với những người cho rằng cần sửa đổi Hiến pháp theo hướng trao nhiều thẩm quyền hơn cho Quốc hội, đặc biệt là Duma Quốc gia (Hạ viện).

Đây không phải lần đầu tiên ông Putin bày tỏ sẵn sàng sửa đổi theo hướng loại bỏ từ “liên tiếp” khỏi Điều 81. Trước đó, nhà lãnh đạo Nga đã đề cập việc này khi phát biểu trước Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện) tổng kết công việc nhiệm kỳ thủ tướng hồi tháng 4-2012 trước khi chính thức nhậm chức tổng thống lần thứ hai chỉ sau đó một tháng. Khi đó, ông đã gọi đề xuất của đại biểu thuộc đảng Cộng sản Nga là “thông minh” và khuyến nghị mở rộng thảo luận vấn đề này cùng với tất cả các phái khác trong Duma. Tuy nhiên, cho đến nay, Duma Quốc gia Nga chưa một lần quay lại thảo luận vấn đề này.

Sau khi kết thúc họp báo lớn năm 2019, ông chủ Điện Kremlin một lần nữa nhắc lại vấn đề này khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Russaya 24 về khả năng sửa đổi Hiến pháp trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024. Ông Putin không trả lời trực tiếp câu hỏi mà kêu gọi “không nên vội vã và thực hiện những bước đi thiếu tính toán”. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh việc các đảng đặt vấn đề về mở rộng thẩm quyền quốc hội có tính thời sự không kém. Thảo luận về sửa đổi Hiến pháp theo hướng trao nhiều thẩm quyền nhiều hơn cho Quốc hội vốn được Chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin nêu ra từ cuối năm ngoái. Theo đó, Duma Quốc gia Nga sẽ được quyền tham gia toàn diện vào việc hình thành chính phủ. Hiện nay, Duma Quốc gia Nga chỉ đưa ra đồng thuận với tổng thống về việc bổ nhiệm thủ tướng, trong khi không có vài trò gì đối với việc hình thành Nội các chính phủ.

Tổng thống Putin.

Tổng thống Putin.

Ý kiến chuyên gia

Ý kiến dư luận Nga xung quanh vấn đề này khá đa dạng. Chủ tịch đảng Nước Nga Công bằng cho biết các đại diện của đảng này tại Duma Quốc gia Nga không coi kế hoạch cho việc sửa đổi Hiến pháp là một trong số những ưu tiên công việc. Tuy nhiên, chính trị gia này khẳng định sẽ ủng hộ dự thảo luật với sửa đổi như vậy. Nhà chính trị học Grigoryi Golosov chia sẻ ý kiến với báo Vedomosti rằng những sửa đổi, nếu có, liên quan đến nhiệm kỳ tổng thống là nhằm vào ông Dmitry Medvedev. Ông Golosov nói: “Nếu ông Putin bàn giao quyền lực thì ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế tổng thống không ai khác ngoài đương kim Thủ tướng Medvedev. Khi đó, ông Putin vẫn còn nhiều nguồn lực để duy trì quyền lực, ảnh hưởng của mình cũng như kiểm soát Medvedev như lần trước.”

Ngoài ra, chuyên gia này không loại trừ việc Điện Kremli sẽ lặp lại kịch bản Kazakhstan ở Nga. Theo ông, Hiến pháp Nga khá mềm dẻo, có thể làm điều tương tự như ở Kazakhstan, tức là trao thẩm quyền đặc biệt cho Hội đồng An ninh do Vladimir Putin đứng đầu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phương án. Với sự tập trung quyền lực ở mức độ cao như hiện nay, đương kim tổng thống Nga sẽ không mấy khó khăn thông qua quyết định cho phép ông có thể tiếp tục nắm quyền. Điều mà Điện Kremli cần làm hiện nay là thu hút sự chú ý của người dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp dù là theo hướng nào, để từ đó xây dựng kịch bản có lợi nhất. Không loại trừ việc ông Putin tiếp tục nắm quyền theo hướng là một nhà lãnh đạo của toàn dân.

Chuyên gia Dmitry Badovsky cho rằng việc khởi xướng thảo luận sửa đổi Hiến pháp sẽ giúp hâm nóng bầu không khí chính trị nội bộ ở Nga, thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhóm ảnh hưởng và tác động tới cân bằng lực lượng chính trị. Ngay cả việc sửa đổi diễn ra thì còn nhiều ẩn số phải giải đáp. Trước hết, Tòa án Hiến pháp sẽ phải giải thích việc sửa đổi này sẽ được áp dụng như thế nào? Có tính đến những nhiệm kỳ đã qua của ông Putin hay bắt đầu tính lại từ đầu kể từ lần sửa đổi này. Trong trường hợp như vậy sẽ nảy sinh các câu hỏi: ông Medvedev sẽ được ứng cử thêm một hay hai nhiệm kỳ nữa, ông Putin có thể tiếp tục chạy đua nữa hay không? Nhà chính trị học Evgeny Minchenko tin rằng những phát biểu về sửa đổi Hiến pháp như vừa qua cho thấy ông Putin sẽ không xem xét kịch bản tiếp tục thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sẽ không có những kịch bản khác cho phép ông Putin tiếp tục nắm quyền. Theo vị chuyên gia này, những kịch bản khả dĩ nhất có thể sẽ là: Ông Putin trở thành lãnh đạo của Nhà nước liên minh với Belarus, có thể trở thành lãnh đạo cấu trúc quyền lực mới như Hội đồng nhà nước Nga, hoặc có thể trở lại vị trí thủ tướng với quyền hạn được mở rộng hơn.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tong-thong-putin-se-nam-quyen-luc-lau-hon-174574.html