Tổng thống Putin nói về trưng cầu dân ý ở Crimea

Tổng thống Putin cho biết ông đã ra quyết định thế nào để đảm bảo người dân Crimea tự do bày tỏ nguyện vọng của mình trong việc sáp nhập với Nga.

Chia sẻ trên kênh truyền hình Rossiya 24, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Khi chúng ta hành động nhất quán và khá cứng rắn ở Crimea, tôi xuất phát từ thực tế rằng có thể xảy ra những sự kiện bi thảm tương tự như chúng ta chứng kiến ở Donbass.

Và chính vì để ngăn chặn tình hình phát triển như vậy, chúng tôi buộc phải thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo cho người dân Crimea quyền tự do bày tỏ nguyện vọng của mình", ông Putin nói.

Tổng thống Nga nói thêm rằng mục tiêu cuối cùng là trao cho người dân quyền bày tỏ ý kiến họ muốn tiếp tục sống như thế nào.

Tổng thống Vladimir Putin

Tổng thống Vladimir Putin

Crimea trở về Nga sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại đó hồi tháng 3/2014, với 96,77% cử tri Crimea và 95,6% cư dân Sevastopol ủng hộ việc sáp nhập Nga. Ukraine vẫn coi Crimea là lãnh thổ của mình, nhưng "bị chiếm đóng tạm thời".

Lãnh đạo Nga nhiều lần tuyên bố rằng nhân dân Crimea đã tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc khi bỏ phiếu một cách dân chủ ủng hộ việc thống nhất với Nga. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, vấn đề Crimea "đã dứt điểm khép lại" và sẽ không có chuyện thỏa hiệp gì nữa với Kiev.

Ukraine lên kế hoạch đòi trả Crimea

Trong khi đó, trên trang Twitter của mình, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã vạch ra 3 yếu tố trụ cột trong chính sách đưa Crimea trở về với Ukraine, đồng thời kêu gọi các nước đồng minh tham gia Hội nghị thượng đỉnh "Nền tảng Crimea" nhằm thảo luận về việc trao trả Crimea.

Một trong số đó là chiến lược "phi chiếm đóng" bán đảo Crimea, đã được Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia thông qua trước đó.

Yếu tố thứ 2 chính là sự tham gia của các quốc gia đồng minh tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế "Nền tảng Crimea". Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 23/8/2021 (trước Ngày Độc lập của Ukraine) với sự tham gia của đại diện các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Canada và Mỹ. Tại đây, Kiev dự kiến tổ chức thảo luận về việc trao trả Crimea.

Yếu tố thứ 3 - sức mạnh tổng hợp. Theo đó, khôi phục luật pháp quốc tế và kết quả là "chủ quyền hoàn toàn của Ukraine" trên bán đảo Crimea.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2021, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã ký sắc lệnh về một số giải pháp hướng tới mục tiêu "không chiếm đóng và tái hòa nhập" Crimea. Nhà lãnh đạo Ukraine đã chỉ đạo thành lập ban tổ chức để chuẩn bị và tổ chức Hội nghị cấp cao về "Cương lĩnh Crimea" ngay trong nước. Ngoài ra, hỗ trợ người Tatars ở Crimea về ngôn ngữ, văn hóa, cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân Crimea.

Không chỉ vạch ra kế hoạch trên, Ngoại trưởng Kuleba còn kêu gọi Nga "mở cửa tiếp cận" với Crimea và "không áp đặt quan điểm chính trị hóa".

"Chúng tôi kêu gọi cường quốc đang chiếm đóng nên phi chính trị hóa vấn đề tiếp cận Crimea, và cung cấp quyền tiếp cận đầy đủ, phù hợp với luật pháp quốc tế và đặc biệt là Luật Nhân đạo quốc tế", ông Kuleba nói.

Các nhà chức trách Nga và Crimea đã nhiều lần tuyên bố rằng, việc tiếp cận bán đảo là cơ chế mở. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trước đó tuyên bố, Moskva luôn sẵn sàng chấp nhận bất kỳ cơ chế kiểm soát quốc tế nào trong lĩnh vực nhân quyền ở Crimea.

Những tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ chính quyền Crimea. Roman Chegrinets - Chủ tịch Hội đồng các dân tộc Slav ở Crimea cho rằng, kế hoạch của Kiev nhằm giành lại quyền kiểm soát bán đảo, "đang chờ đợi sự thất bại". Ông Roman khẳng định: "Crimea đã, đang và sẽ luôn là của Nga".

Phó Chủ tịch Quốc hội Crimea Alexei Chernyak gọi tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine là "vô nghĩa" và từ chối đưa ra bình luận.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tong-thong-putin-noi-ve-trung-cau-dan-y-o-crimea-3428978/