Tổng thống Putin mời Mỹ vào 'Bộ tứ Normandy'

Ông Putin nói Mỹ đóng góp quan trọng vào cuộc xung đột Ukraine và không phản đối Mỹ tham gia nhóm Bộ Tứ.

Thông tấn TASS của Nga dẫn lời Tổng thống Putin trả lời 1.640 nhà báo trong cuộc họp báo cuối năm của ông bình luận về tình hình ở miền Đông Ukraine.

Theo đó, ông Putin nhận định, Mỹ đóng góp một phần quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bất kể những nỗ lực của Bộ Tứ Normandy đang làm hiện nay.

Và do đó, ông không phản đối ý tưởng Mỹ gia nhập vào nhóm Bộ Tứ nếu điều đó giải quyết ổn thỏa tình hình ở Donbass.

Tổng thống Putin trả lời họp báo cuối năm.

"Thực tế, Mỹ đã tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết khủng hoảng Ukraine, bất kể họ có nằm trong định dạng của Bộ tứ Normandy hay không" - ông Putin nói.

Vị Tổng thống nói thêm: "Tất cả đều giống nhau thôi, Mỹ đang tham gia vào sâu hơn và họ nhận thức được tất cả tình hình đang phát triển ở đó, liệu họ có trở thành một bên chính thức hay không hay phải thuộc định dạng Bộ tứ Normandy thì tôi không biết. Dù sao thì điều đó cũng không phụ thuộc vào chúng tôi. Và chúng tôi sẽ không phản đối ý tưởng này".

Hình thức giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua hiệp đình hòa bình Minsk cho đến nay theo đánh giá của ông Putin là có hiệu quả quá thấp do sự nỗ lực không thực sự của Ukraine.

Ông chỉ trích chính quyền ở Kiev luôn thay đổi và tìm moi cách để không thực hiện những thỏa thuận mà họ đã cam kết.

"Hiệu quả của định dạng Minsk là thấp bởi sự tham gia và trách nhiệm của Ukraine là không bị ép buộc hay ràng buộc" - nhà lãnh đạo Nga nhận định và nói thêm - "Chúng tôi không còn mong chờ ở Kiev việc thực hiện các thỏa thuận và bắt đầu tiến trình chính trị thực tế về quy chế đặc biệt của Donbass, dù rõ ràng là nó sẽ giúp giải quyết tình hình khủng hoảng ở miền Đông, và về mặt luật pháp thì quy chế đó đã được sửa đổi theo Luật của Ukraine, đã được Verkhovna Rada thông qua".

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, Ukraine luôn viện quá nhiều lý do để không thực hiện quy chế đặc biệt của Donbass.

Họ thậm chí cũng luôn thay đổi danh sách tù binh trao đổi và khiến ngay cả công tác đơn giản này cũng khó thực hiện thành công dù tỏ ra cho thế giới thấy rằng họ đang rất nỗ lực.

Tổng thống Putin khẳng định, Moscow không chống lại việc đưa lực lượng quốc tế đến kiểm soát tình hình khủng hoảng ở Donbass nhưng ông yêu cầu việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ như trong bàn thảo trước đây đều phải có sự tham gia thảo luận và đồng ý bởi cả chính quyền Kiev và lãnh đạo các nước Cộng hòa tự xưng ở miền Đông Donetsk và Lugansk.

Ông cho rằng, dù bất đồng trong quan điểm của Nga và Mỹ, châu Âu hay Ukraine thì "tất cả đều vì một mục tiêu- đưa lãnh thổ này dưới tầm kiểm soát của quốc tế".

Ông nói: "Chúng tôi không chống lại điều này, nhưng yêu cầu các nhà chức trách Kiev cần phải đồng ý với Donbass về sự kiểm soát này".

Tổng thống Putin tường thuật lại các diễn biến trong cuộc họp mà có lẽ cộng đồng thế giới chưa được tường minh về việc Nga và Ukraine đã phản ứng ra sao trước đòi hỏi đưa Donbass vào tầm kiểm soát quốc tế.

Ông kể, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kêu gọi các thành viên của Tổ chức Theo dõi Đặc biệt thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tới miền Đông.

"Tôi đồng ý ngay lập tức và OSCE bác bỏ ý kiến này. Họ nói rằng họ không có kinh nghiệm và nhân lực cho việc này và họ không muốn trao vũ khí cho các nhân viên vì chúng sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu cho các binh lính từ cả hai phía" - lãnh đạo Nga cho biết.

"Sau đó, Poroshenko nói rằng sự an toàn của các thành viên OSCE sẽ được đảm bảo với sự trợ giúp của các lực lượng LHQ và tôi đồng ý với điều này. Để tránh các nghi ngờ hay thông tin sau khi đưa ra thế giới bị xáo trộn, chúng tôi minh chứng bằng việc đệ trình dự thảo nghị quyết rằng cần có các lực lượng Liên Hiệp Quốc sẽ bảo vệ nhiệm vụ của OSCE", Tổng thống Nga nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel sau đó đã gợi ý rằng nhiệm vụ của OSCE cần được bảo vệ không chỉ trên đường liên lạc mà còn trên biên giới Nga- Ukraine.

"Tôi nghĩ và nói: Đúng, bạn nói đúng, chúng tôi ngay lập tức sửa đổi nghị quyết của mình và bây giờ hóa ra cũng chúng cũng không được chấp thuận", ông Putin nói.

Tổng thống Nga nói về việc giải quyết tình hình ở Donbass gặp rắc rối là vì Ukraine.

"Những mâu thuẫn trên thế giới chưa bao giờ được giải quyết thông qua các hòa giải, bất kể tình hình được giải quyết thông qua các đầu mối liên hệ trực tiếp với các bên trong cuộc xung đột" - Tổng thống Putin nhận định về tình hình Donbass.

Ông khẳng định, không có lính Nga nào đang đồn trú ở miền Đông Ukraine để đẩy lùi các hoạt động quân sự và ở đó chỉ có các đơn vị phòng thủ địa phương tự chiến đấu để bảo vệ mình.

"Không có quân đội Nga ở khu vực Donbass. Một số đơn vị dân quân địa phương đã được thành lập và họ tự túc, sẵn sàng để đẩy lùi bất kỳ hành động quân sự quy mô lớn nào chống lại Donbass" - Tổng thống Nga lưu ý.

Ông ủng hộ lực lượng này bởi cho rằng nó phù hợp với lợi ích của những người dân sống trên lãnh thổ miền Đông. Nếu không có lực lượng bảo vệ như vậy, có thể đã có một cuộc tàn sát đẫm máu xảy ra.

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tong-thong-putin-moi-my-vao-bo-tu-normandy-3349038/