Tổng thống Poroshenko không muốn tranh cử công bằng?

Tự hào 'đặc sản Ukraine' là lực lượng an ninh, vũ trang, Giáo hội Ukraine độc lập, ông Poroshenko nuôi hy vọng được tái đắc cử.

Phong trào chống lại Nga đã phát triển và ngày càng mạnh mẽ trong chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko, đặc biệt là sau cuộc biểu tình Euro Maidan.

Ở Ukraine, Tổng thống Poroshenko chỉ tập trung vào việc cách ly nước Nga, "gây đau đớn", "tấn công" đối với Nga và khích lệ quần chúng về năng lực quân sự, an ninh của mình có thể diễu binh trên Quảng trường Đỏ.

Ông Poroshenko ra sức bài Nga để tác động đến đối thủ chính trị.

Mới đây, Tổng thống Poroshenko lại có những tuyên bố nhấn mạnh những thành quả từ khi cầm quyền của ông.

Theo đó, ông nêu ra 3 "thương hiệu Ukraine" mà theo ông, hiện giờ đang "gây đau đớn cho Moscow nhiều nhất".

"Có 3 thương hiệu Ukraine mà hiện nay gây đau đớn cho Moscow nhiều nhất. Đó là Lực lượng vũ trang. Đó là Vệ binh quốc gia. Đó là nhà thờ tự trị, mà chính vì lý do này, Putin thậm chí ngày hôm qua đã triệu tập Hội đồng An ninh để quyết định tìm cách bảo vệ đoàn quân thứ năm của họ bên trong Ukraine" - ông Poroshenko viết trên trang Twitter cá nhân.

Vào tuần trước, ông Petro Poroshenko đã tìm cách có được sự công nhận Giáo hội Ukraine độc lập khỏi Hội Đồng Chính Thống Giáo, chấm dứt 332 năm Ukraine nằm dưới quyền quản lý của Giáo hội Nga.

Theo báo chí Nga, ông Poroshenko đã tìm cách can thiệp vào việc Giáo hội độc lập của Ukraine dù ông đã từng hứa sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của nhà thờ theo như Hiến pháp.

Rõ ràng là Tổng thống Poroshenko rất tự hào về sự kiện độc lập mới nhất về mặt tôn giáo đối với Nga. Nhưng đồng thời cũng bỏ ngỏ tương lai của hàng triệu tín đồ vốn vẫn sinh hoạt trong giáo hội trung thành với Moscow.

Chính quyền Ukraine khẳng định sẽ hoàn toàn tôn trọng quyền quyết định của các xứ đạo nào chọn con đường tiếp tục trung thành với Tòa thượng phụ Moscow và không để xảy ra một "cuộc chiến tranh tôn giáo".

Dẫu đây là một "sự kiện lịch sử", được nhiều người dân Kiev hưởng ứng nhưng nó cũng rất có khả năng "khuấy lên nhiều vấn đề lớn".

Điều này đã nâng tầm sự mâu thuẫn giữa Ukraine và Nga, hòng tìm mọi cách khiến quyền lực ông Poroshenko được duy trì sau 6 tháng nữa, khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra. Hơn nữa, nó cũng khiến các đối thủ chính trị của ông Poroshenko khó giành được ưu thế trước công chúng khi muốn tìm cách cải thiện quan hệ với Nga. Việc tách Giáo hội độc lập ở Ukraine là câu chuyện tôn giáo, nhưng lại được xây dựng từ các mâu thuẫn về chính trị và chính sách ngoại giao của chính quyền Ukraine hiện tại.

Một ngày sau khi Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo công nhận Giáo hội Ukraine độc lập, Ngoại trưởng Nga lên án "hành động khiêu khích", được Washington ủng hộ "công khai và trực tiếp".

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, trong một phát biểu hôm qua, cũng khẳng định Moscow sẽ "bảo vệ lợi ích của các tín đồ Chính Thống Giáo" tại Ukraine, trong trường hợp có các rối loạn trong lĩnh vực tôn giáo.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết cụ thể là các biện pháp mà Moscow dự kiến tiến hành sẽ "chỉ thuần túy mang tính chính trị và ngoại giao".

Sau tuyên bố của Thượng Hội Đồng Constantinople, Tòa thượng phụ Nga lên án một cuộc "ly giáo", và cảnh báo "những hậu quả hết sức nghiêm trọng". Một số chức sắc trung thành với Moscow, lo ngại nhà thờ và tu viện bị trưng thu, kêu gọi tín đồ đứng lên bảo vệ các thánh đường.

Duy trì chiến tranh, duy trì quyền lực

Bên ngoài "đặc sản" về Giáo hội độc lập, ông Poroshenko còn tự hào về lực lượng vũ trang, lực lượng Vệ binh quốc gia của mình. Điều này cũng thể hiện quan điểm rõ ràng của ông Poroshenko trong việc duy trì cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.

Hồi đầu tháng 10, ông Poroshenko đã trình một dự luật gia hạn quy chế đặc biệt cho vùng Donbass đến ngày 31/12/2019 lên Quốc hội Ukraine kèm với lưu ý đây là trường hợp “khẩn cấp”.

Quốc hội Ukraine đã ngay lập tức thông qua đạo luật này vào ngày 4/10.

Ukraine đã thông qua đạo luật trao quy chế đặc biệt cho những vùng nhất định của khu vực Donetsk và Lugansk (Donbass) vào tháng 10/2014 với hiệu lực trong vòng 3 năm. Văn bản này đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass đã nhiều lần nói rằng việc chính phủ ở Kiev từ chối gia hạn đạo luật này sẽ đồng nghĩa với việc từ chối thỏa thuận thực thi Thỏa thuận Minsk [về hòa bình cho miền Đông Ukraine – ND].

Duy trì chiến tranh sẽ thoát cuộc bầu cử mà ông Poroshenko chắc chắn thất bại.

Ngày 6/10/2017, Quốc hội Ukraine đã thông qua một đạo luật gia hạn quy chế đặc biệt cho vùng Donbass thêm 1 năm nữa. Tuy nhiên, chính quyền ở Kiev đã sửa đổi luật để đảm bảo rằng nó chỉ có hiệu lực sau khi cơ quan chức năng Ukraine giành lại toàn bộ quyền kiểm soát các khu vực đang tranh chấp và “toàn bộ các đơn vị vũ trang bất hợp pháp cùng các trang thiết bị quân sự của họ phải rút lui”.

Động thái đó đã cản trở đàm phán của Nhóm Liên lạc (Contact Group) về việc tổ chức bầu cử ở khu vực Donbass và thành lập một chính phủ tự điều hành như là một phần của việc cải cách Hiến pháp ở Ukraine theo Thỏa thuận Minsk và những gì mà Bộ Tứ Normandy [gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức - ND] về cái gọi là “Công thức Steinmeier” (đặt theo tên người đã thúc đẩy sáng kiến này, cựu Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier).

Hơn thế nữa, đạo luật sửa đổi cũng nói rằng việc gia hạn quy chế đặc biệt chỉ nhằm mục đích “tạo các điều kiện cho việc triển khai sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc”.

Việc tự hào về lực lượng vũ trang Ukraine giúp ông Poroshenko củng cố quan điểm đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, sẽ bao gồm cả lực lượng của Mỹ vào miền Đông Ukraine.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tong-thong-poroshenko-khong-muon-tranh-cu-cong-bang-3367309/