Tổng thống Pháp tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng 'áo vàng'

Hôm qua, 3/12, Thủ tướng Pháp đã có cuộc gặp với lãnh đạo các phe đối lập để giúp Tổng thống Emmanuel Macron tìm kiếm một biện pháp giảm căng thẳng đối với các cuộc biểu tình bạo lực tại Paris vừa qua.

Những người biểu tình áo vàng tại Paris hôm 3/12. Ảnh: Reuters

Cuộc bạo loạn "áo vàng" đã khiến ông Macron bị bất ngờ khi bùng nổ hôm 17/11 vừa qua. Đây đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo 40 tuổi này, tại thời điểm mà tỷ lệ ủng hộ ông đang sụt giảm, khi mà những chính sách cải cách của ông bị chỉ trích là ủng hộ giới nhà giàu.

Cảnh sát đã mất đi khống chế trong cuộc biểu tình hôm thứ Bảy vừa qua, dẫn dến việc bùng phát bạo lực tại những khu nhà giàu của thủ đô Paris. Những người biểu tình quá khích đã tiến hành đốt hàng chục chiếc xe, cướp các cửa tiệm sang trọng và đập phá những ngôi nhà và các quán cà phê. Vụ việc này là một trong những cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong lịch sử nước Pháp kể từ năm 1968 tới nay.

Nó cũng có tác động không nhỏ tới nền kinh tế nước này: khi lượng khách du lịch sụt giảm, doanh thu bán hàng sụt giảm, các nhà đầu tư trở nên bất an. Total cho biết một số các trạm xăng của họ tại Paris đã bị đập phá sạch.

Lãnh đạo đảng Những người Cộng hòa (Les Republicains), ông Laurent Wauquiez cho biết chính phủ đã thất bại trong việc đánh giá rõ nỗi phẫn uất của người dân.

"Những gì có thể rút ra được từ cuộc gặp với Thủ tướng chỉ là một cuộc tranh luận tại Quốc hội", ông Wauquiez nói với các phóng viên. "Chúng tôi cần những hành động thiết thực nhằm vỗ về người dân, và đó phải là một quyết định mà tất cả người dân Pháp đều mong chờ: cắt bỏ việc tăng thuế xăng dầu".

Phong trào "áo vàng" đã bắt đầu từ mạng xã hội nhằm chống lại việc tăng giá xăng dầu, nhưng đã trở thành công cụ để người dân bộc phát sự tức giận của mình đối với chính sách cắt giảm chi phí nhằm vào tầng lớp trung lưu.

Phong trào do những người dân trung lưu và những "cổ cồn xanh" sống ở ngoại ô các thành phố lớn khởi xướng này lại cực kỳ khó dẹp bỏ khi nó không hề có người lãnh đạo cụ thể, khiến cho việc đàm phán với chính phủ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Yêu cầu đầu tiên của họ là ngừng tăng giá xăng dầu vào tháng 1 năm sau. Tuy nhiên, họ sau đó đã lên tiếng kêu gọi ông Macron phải từ chức. Bên trong phong trào này cũng có rất nhiều người đang nói về một cuộc nổi dậy.

Tuy nhiên chính phủ đang bối rối trong cách tiếp cận họ.

Tỷ lệ ủng hộ phong trào "áo vàng" tại Pháp vẫn đang rất cao, khi 70% số người được hỏi đều đồng ý với các cuộc biểu tình, theo như kết quả cuộc thăm dò ý kiến của hãng Harris Interactive công bố.

Tổng thống Pháp tính tới thời điểm này chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về các cuộc biểu tình cũng như về yêu cầu giảm giá xăng. Phía điện Elysee cũng mới chỉ có một thông báo rằng Tổng thống mong muốn Thủ tướng chủ trì cuộc họp diễn ra vào hôm qua.

Hoàng Việt(Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/quoc-te/tong-thong-phap-tim-kiem-giai-phap-cho-cuoc-khung-hoang-ao-vang-52093