Tổng thống Pháp thăm Đức: Nuôi hy vọng 'nền quốc phòng chung Châu Âu'

Trong chuyến thăm Berlin, ngày 19/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Sự kiện được dư luận khu vực và quốc tế quan tâm không chỉ bởi những kế hoạch cải cách Liên minh Châu Âu hay Khu vực Đồng tiền chung Châu Âu đầy tham vọng, mà còn ở dự án trong đó người đứng đầu nước Pháp vẫn luôn ấp ủ về một nền quốc phòng chung của Châu Âu, nhưng trong một bối cảnh khác, đó là sau chiến dịch quân sự của Pháp cùng với các đồng minh Mỹ và Anh tại Syria mới đây.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/Getty.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/Getty.

Cách đây chưa đầy 1 năm, trong một phát biểu tại Đại học Sorbonne, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng bày tỏ hi vọng về một Châu Âu, với một lực lượng can thiệp chung, một ngân sách Quốc phòng chung và một học thuyết hành động chung.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, tham vọng của người đứng đầu nước Pháp dường như khó lòng được thực hiện, mà thậm chí còn có thể làm lung lay "cặp đôi" Pháp - Đức vốn lâu nay vẫn được xem là những đầu tàu của Liên minh Châu Âu.

Những kế hoạch của người đứng đầu nước Pháp hiện đang vấp phải hai vấn đề lớn: thứ nhất là những vấn đề chính trị bên trong nước Đức, với một thỏa thuận liên minh hoàn toàn mới giữa liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Merkel với đảng Dân chủ Xã hội, dù liên minh này vẫn luôn lãnh đạo nước Đức trong nhiều năm qua và thứ 2 là những hệ lụy từ chiến dịch không kích của Pháp tại Syria, một quốc gia mà những vấn đề về quân sự vẫn luôn rất nhạy cảm.

Trong khi Pháp, Mỹ và Anh quyết định tấn công tên lửa nhằm vào chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad, mà không có bất kỳ sứ mệnh nào của Liên Hợp Quốc, Đức, dù ủng hộ hành động của nhóm bộ ba này, song lại kiên quyết không muốn tham gia.

Một lập trường cho thấy rõ tính chất nước đôi trong cách tiếp cận của chính phủ Đức đối với những vấn đề quốc phòng và phần nào có thể được lý giải bởi những ràng buộc về mặt luật pháp của nước này, khi yêu cầu mọi quyết định sử dụng quân đội ở nước ngoài phải có sự đồng ý của Quốc hội, trừ một số ngoại lệ, song khả năng này hầu như rất hiếm khi xảy ra.

Ông Sebastian Harnisch, chuyên gia nghiên cứu quốc tế của Đức cho biết: “Thủ tướng Đức và Bộ trưởng Quốc phòng nước này từng nói rằng, những cuộc không kích tại Syria là cần thiết và phù hợp, nhưng không có nghĩa là khẳng định tính hợp pháp của nó. Bởi Hiến pháp Đức cấm mọi hành động tấn công quân sự bên ngoài nước Đức vượt ra khỏi khuôn khổ luật pháp quốc tế hiện hành. Điều này đồng nghĩa với việc Đức không được phép tham gia một cuộc can thiệp quân sự như thế”.

Chủ nghĩa hòa bình mà nước Đức duy trì kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 không những phần nào ngăn cản những tham vọng an ninh của chính phủ Đức, mà cả mong muốn đóng vai trò đi đầu tại Châu Âu, bên cạnh nước Pháp.

Theo ông Zaki Laidi, giáo sư quan hệ quốc tế tại Viện Khoa học Pháp, căn nguyên của vấn đề là Đức không muốn và sẽ không bao giờ có khả năng sử dụng sức mạnh quân sự, hay cụ thể hơn là Đức bị mắc kẹt giữa việc thiếu mong muốn và khả năng hành động. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố hôm 15/4, một ngày sau cuộc can thiệp của phương Tây tại Syria cho thấy, 78% người dân Đức được hỏi phản đối Đức tham gia.

Đối với người Đức, Tổng thống Macron đã đưa ra lựa chọn, đó là hướng về chính quyền Tổng thống Donald Trump trong cuộc xung đột Syria, chứ không phải là Thủ tướng Merkel.

Ngoài vấn đề quốc tế này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng phải vượt qua một khó khăn thuần túy về mặt chính trị. Sau nhiều biến động, Thủ tướng Merkel và các đối tác đảng Dân chủ Xã hội cuối cùng hồi giữa tháng 1 vừa qua cũng đạt được một thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh.

Vấn đề đặt ra là văn kiện này hoàn toàn đi ngược lại với tham vọng của nước Pháp về một nền Quốc phòng chung của Châu Âu, khi phần nào kiềm chế năng lực quân sự của nước Đức. Chuyên gia Barbara Kunz, thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp đánh giá, thỏa thuận liên minh này đã không giúp cho Đức trở thành một đối tác đáng tin cậy trong việc ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng trên thế giới.

Tuy nhiên, nhìn nhận về một mặt nào đó, chính cách tiếp cận này lai đảm bảo vai trò anh cả của Đức tại Liên minh Châu Âu, khi giúp dung hòa lập trường khác biệt của các nước thành viên. Và đối với Syria hiện nay cũng vậy, việc Đức đứng ngoài cuộc đã giúp cuộc khủng hoảng không bị đẩy đi quá xa và phần nào kiềm chế tham vọng của đồng minh Pháp./.

Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/tong-thong-phap-tham-duc-nuoi-hy-vong-nen-quoc-phong-chung-chau-au-753255.vov