Tổng thống Pháp nhượng bộ, dân nghiêng về phe 'Áo vàng'

Hơn một nửa số người dân Pháp ủng hộ biểu tình 'Áo vàng', muốn làm rõ trắng đen với chính quyền ông Macron.

Một cuộc điều tra dư luận của hãng thăm do dư luận Pháp OpinionWay cho thấy, có tới 54% số người được hỏi muốn phong trào biểu tình Áo vàng đi đến tận cùng các vấn đề kinh tế còn tồn tại của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp chịu nhượng bộ một phần phe Áo vàng.

Cuộc biểu tình của những người mặc áo khoác vàng đã nổ ra từ vài tuần nay sau khi chính phủ công bố sẽ tăng giá nhiên liệu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc tăng giá nhiên liệu chỉ là "giọt nước làm tràn ly" khi sức ép tài chính của Chính phủ nước này ngày càng tăng đối với những người dân đang phải vật lộn để kiếm sống.

Nhiều người biểu tình trong phong trào Áo vàng cho rằng, cuộc sống của họ phải chịu quá nhiều sức ép tài chính trong khi thu nhập không tăng lên.

Giới quan sát cho thấy, sự bất mãn của những người biểu tình Áo vàng không chỉ ở việc tăng giá nhiên liệu mà còn ở sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn.

20% dân số có thu nhập cao nhất gấp gần 5 lần so với 20% dân số có mức thu nhập thấp nhất.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp rơi vào khoảng từ 9 - 11% từ năm 2009, khi cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu tấn công châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp đã giảm xuống còn 9,1% so với mức 10,1% khi ông Macron nhậm chức. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn rất cao. Công việc mới được tạo ra nhưng chỉ là hợp đồng lao động tạm thời khiến người dân chật vật để kiếm sống.

Đáng nói rằng, Tổng thống Macron từng cam kết sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7% cho tới cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo diễn ra vào năm 2022 nhưng sau đó ông đã phải thừa nhận sự thất bại khi thực hiện lời cam kết này. Điều này có thể là “mồi lửa” châm ngòi cho chủ nghĩa dân túy trên toàn nước Pháp.

Chưa hết, Tổng thống Macron trước đó còn đã quyết định cắt giảm thuế cho những người nộp thuế giàu có nhất của Pháp trong năm đầu tiên đương nhiệm, gồm cả việc tạo ra cái gọi là thuế đồng đều (flat tax) cho các khoản thu nhập từ vốn.

Điều này khiến số tiền thuế chính phủ Pháp thu được trong năm nay giảm 3,2 tỷ euro hoặc có thể lên tới 3,6 tỷ euro.

Những cải cách của ông Macron cho thấy hầu như rất ít kết quả tăng trưởng thực sự. Nhưng thay vào đó, ông Macron lại bị cáo buộc chỉ làm lợi cho những người giàu, tăng sức ép lên người dân và sự phẫn nộ cứ thế gia tăng.

Trong khi đó, hôm 4/12, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe cũng đã đưa ra 3 quyết định nhượng bộ phe biểu tình đáng chú ý.

Đầu tiên là hoãn trong vòng 6 tháng việc tăng giá nhiên liệu dự định áp dụng từ đầu năm 2019, tiếp đến là cam kết không tăng giá điện kể từ nay cho đến tháng 5/2019 và cuối cùng là từ bỏ việc siết chặt các quy định liên quan đến đăng kiểm xe ô tô, vốn cũng định tiến hành từ năm sau.

Tuy nhiên, cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra. Bởi những người biểu tình cho rằng, ưhết thời hạn 6 tháng thì họ sẽ nhận được kết quả gì từ chính sách tăng giá nhiên liệu và kiên quyết không lùi bước.

Đến ngày 9/12, phát biểu trên kênh truyền hình được 21 triệu người theo dõi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố các nhượng bộ quan trọng để giải quyết mối lo cho dân nghèo.

Theo đó, lương tối thiểu sẽ tăng thêm 100 euro/tháng kể từ tháng 1/2019 và kế hoạch đánh thuế đối với các khoản lương hưu dưới 2.000 euro một tháng sẽ bị hủy bỏ.

Một ngày sau khi ông Macron công bố các biện pháp xoa dịu cơn giận dữ của những người Áo vàng, một trong số thủ lĩnh của phong trào biểu tình - ông Christophe Chalencon đã nói rằng, các biện pháp của Tổng thống theo một mô-típ kinh tế cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu của họ.

“Các biện pháp của ông Emmanuel Macron công bố đến từ một thế giới kinh tế đã cũ. Phòng trào Áo vàng chúng tôi mong muốn một thế giới mới, một thế giới nhân văn hơn”- ông Christophe nói.

Tổng thống Macron không làm vừa lòng những người biểu tình Pháp. Ảnh: Reuters

Rõ ràng các biện pháp này chỉ mang tính tức thời và ông Macron đã không đề cập đến thay đổi chính sách làm lợi cho giới doanh nhân giàu có ở Pháp.

Việc kiên trì với quyết định cắt giảm thuế tài sản cho nhóm cực giàu của Tổng thống Pháp không làm dịu ý muốn của những người biểu tình Áo vàng muốn áp dụng thuế tài sản đầy đủ.

Phong trào “Áo vàng” cho đến nay đã vượt quá xa các đòi hỏi liên quan đến giá nhiên liệu và đã lan sang nhiều lĩnh vực khác và lôi kéo sự tham gia của nhiều tầng lớp khác, trước hết là học sinh trung học vốn bức xúc với các cải cách giáo dục và cách xét tuyển vào Đại học áp dụng từ năm học vừa qua…, cả người lao động làm việc trong lĩnh vực y tế, cứu thương khi mà điều kiện làm việc của họ xuống cấp trầm trọng.

Những người biểu tình chống chính phủ kêu gọi tiếp tục tụ tập phản đối tại Paris vào thứ bảy (15/12).

Phong trào biểu tình lan ra châu Âu

Trong khi Pháp chưa có cách giải quyết triệt để cuộc biểu tình Áo vàng, những phong trào đòi quyền lợi đã lan ra 2 nước châu Âu khác là Bỉ và Hà Lan.

Hôm 8/12, một nhóm biểu tình kêu gọi Thủ tướng Bỉ Charles Michel từ chức, buộc cảnh sát Bỉ phải dùng vòi xịt nước và hơi cay nhằm vào những người biểu tình cũng mặc Áo vàng. Căng thẳng đã leo thang trở thành bạo động.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tong-thong-phap-nhuong-bo-dan-nghieng-ve-phe-ao-vang-3370909/