Tổng thống Pháp muốn tiếng Anh không còn là ngôn ngữ làm việc chính của EU

Trong bối cảnh Pháp chuẩn bị đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) vào năm tới, Tổng thống Emmanuel Macron có kế hoạch đưa tiếng Pháp thay tiếng Anh trở thành ngôn ngữ làm việc chính tại tất cả cuộc họp EU ở Brussels.

Phiên họp toàn thể nghị viện EU tại Brussels ngày 26/4/2021. Ảnh: Reuters

Phiên họp toàn thể nghị viện EU tại Brussels ngày 26/4/2021. Ảnh: Reuters

Dẫn bài viết trên tờ Politico, đài Sputnik đưa tin tiếng Anh vẫn đang là ngôn ngữ giao tiếp chính tại các cuộc họp cấp cao của EU.

Nguồn tin cho hay Tổng thống Macron hy vọng sẽ thực hiện được quy định mới sau khi Pháp đảm nhiệm vị trí chủ tịch EU trong 6 tháng, từ tháng 1 đến tháng 6/2022. Đây sẽ là nhiệm kỳ đầu tiên của Pháp kể từ thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy năm 2008. Bên cạnh đó, bài viết cũng đề cập nhà lãnh đạo Macron sẽ không đọc những bức thư do Ủy ban châu Âu (EC) gửi nếu như chúng được soạn thảo bằng tiếng Anh.

“Chúng tôi luôn yêu cầu EC gửi thư được viết bằng tiếng Pháp. Nếu như họ không làm như vậy, chúng tôi sẽ chờ cho đến khi có phiên bản bằng tiếng Pháp rồi mới hồi đáp”, Politico dẫn lời một nhà ngoại giao Pháp.

Không chỉ vậy, các biên bản và tài liệu chính thức của EU cũng sẽ được soạn thảo bằng tiếng Pháp. “Mặc dù chúng tôi thừa nhận tiếng Anh vẫn là một ngôn ngữ làm việc và được sử dụng rộng rãi, nhưng nền tảng để một người diễn tả ý bằng tiếng Pháp vẫn được duy trì tại các đơn vị, thể chế của EU. Chúng ta phải tăng cường sử dụng tiếng Pháp, làm ngôn ngữ đó sống lại một lần nữa để tiếng Pháp thực sự lấy lại vị trí, và trên hết là hương vị và niềm tự hào của chủ nghĩa đa ngôn ngữ”, nguồn tin cho hay.

Tiếng Pháp hiện là một trong ba ngôn ngữ làm việc của EU, bên cạnh tiếng Anh và tiếng Đức. Là một phần trong kế hoạch mà chính phủ Pháp xem xét, EU có thể dành một phần ngân sách học ngôn ngữ cho các nhà ngoại giao.

Tuy nhiên, động thái thay thế tiếng Anh của phía Pháp đã vấp phải một số chỉ trích từ các nhà chức trách EU. “Rất nhiều đại diện các quốc gia trong EU không hiểu hoặc không nói tiếng Pháp. Hy vọng Pháp sẽ đi theo một phương pháp tiếp cận ngôn ngữ hữu dụng”, một nhà ngoại giao giấu tên bày tỏ.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-phap-muon-tieng-anh-khong-con-la-ngon-ngu-lam-viec-chinh-cua-eu-20210609150844031.htm