Tổng thống Nga ưu tiên phát triển kinh tế

Ngày 7/5, Tổng thống Vladimir Putin sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4. Nước Nga bên cạnh các vấn đề an ninh, quốc phòng được dự báo sẽ tập trung vào nhiệm vụ cải cách kinh tế.

Giảm chi tiêu quân sự

Với 77% số phiếu ủng hộ, ông Vladimir Putin đã đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 4, trở thành nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất ở Nga sau Joseph Stalin thời Xô-viết. Lễ nhậm chức của Tổng thống Putin hôm nay càng thêm được chú ý do hoạt động biểu tình của phe đối lập do ông Alexei Navalny dẫn đầu.

Cải cách kinh tế sẽ là ưu tiên của Tổng thống Vladimir Putin ở nhiệm kỳ thứ 4 lãnh đạo nước Nga

Hồi cuối tuần trước, ông Nalvalny đã kêu gọi biểu tình ở 90 thị trấn và thành phố Nga, gồm thủ đô Moscow. Cảnh sát Nga đã bắt giữ hơn 300 người, trong đó có cả ông Navalny.

Theo AFP, những tiếng nói đối lập là quá yếu ớt để có thể ngăn cản ông Putin thực hiện bước đi tham vọng trong 6 năm cầm quyền phía trước tại Nga. Trong nhiệm kỳ thứ 4, bên cạnh an ninh quốc phòng thì mục tiêu tiên quyết của ông Putin, theo giới phân tích, sẽ là cải cách kinh tế. Trong bài phát biểu trước lưỡng viện Nga hồi đầu tháng 3, ông Putin cũng khẳng định, phát triển kinh tế, đưa nước Nga trở nên cường thịnh là một ưu tiên. Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Nga đang chịu sự bao vây cấm vận một cách “sát rạt” của Mỹ và phương tây.

Ba lĩnh vực được Tổng thống Putin xác định cần có sự thay đổi là hạ tầng, nhà ở và dịch vụ y tế. Đây đều là những yếu tố tác động tới chất lượng sống của người dân Nga. Theo ông Putin, không thể chấp nhận một nước Nga đói nghèo trong giai đoạn 6 năm phía trước. Một động thái cho thấy Nga đã bắt đầu cho hoạt động cải cách kinh tế là việc cắt giảm 20% ngân sách quốc phòng trong năm 2017, xuống mức 66,3 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm, chi phí quốc phòng của Nga bị cắt. Bù lại, tăng trưởng kinh tế Nga đạt mức 2%, một con số rất đáng khích lệ.

Theo chuyên gia phân tích Oleg Kouzmin, thuộc ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, các bước cải cách chắc chắn đi liền với kế hoạch phát triển cụ thể sẽ được vạch ra sau khi ông Putin chính thức nhậm chức. Trong thời gian gần đây, Nga đã chú trọng sửa đổi các quy định về tài chính, tiền tệ để tránh cho mức thâm hụt ngân sách và quỹ nợ quốc gia bị tác động mạnh.

Cần kỹ sư hơn luật sư

Chuyên gia Kouzmi hy vọng, chính phủ mới của Nga sẽ thực hiện các bước đi để cải tổ thị trường lao động yếu đuối trong nước. Ông Kouzmi cũng tin rằng Nga sẽ khuyến khích hoạt động đầu tư nước ngoài. Theo dự báo, Nga sẽ sớm nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với nam giới, từ 60 hiện nay lên 63. Việc này có thể giúp giảm áp lực đối với quỹ hưu trí.

Một tín hiệu cho thấy Nga sẽ tập trung mạnh vào cải cách kinh tế là sự tái xuất của cựu Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin. Theo RIA Novosti, dưới thời ông Kudrin làm Bộ trưởng Tài chính, nước Nga đã trả gần hết các khoản nợ cũ từ thập niên 1990. Ông Kudrin, 57 tuổi, đã rời chức vào năm 2011 vì những bất đồng với ông Putin.

Ông Chris Weafer, người sáng lập hãng tư vấn Macro Advisory tin rằng, với ông Kudrin, Nga sẽ có những kế hoạch đầy tham vọng. Chính ông Kudrin là người đứng sau kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của nam giới ở Nga lên 63, đồng thời có ý định cắt giảm 30% số lượng công chức nhà nước.

AFP cho biết ông Kudrin đồng thời muốn hướng giới trẻ Nga và lĩnh vực công nghệ với mục tiêu tạo nên 2 triệu lao động công nghệ, qua đó “số hóa” nền kinh tế. Mục tiêu này cũng phù hợp với mong muốn của cộng đồng doanh nhân Nga hiện nay. Theo ông Oleg Tinkov, người sáng lập và cũng là Chủ tịch Tinkoff Bank, nước Nga cần hệ thống giáo dục trung học và bậc cao. “Chúng ta không cần nhiều luật sư như hiện nay, chúng ta cần chuyên gia công nghệ”-ông Oleg Tinkov cho biết.

AN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tong-thong-nga-uu-tien-phat-trien-kinh-te-post217945.html