Tổng thống Nga Putin đẩy nhanh tiến trình cải tổ hệ thống chính trị

Tổng thống Putin ngày 20/1 công bố các sửa đổi Hiến pháp, nhằm đẩy nhanh kế hoạch cải tổ hệ thống chính trị mà ông công bố cách đây chưa đầy 1 tuần.

Được công bố trên trang web của Duma quốc gia, tức Hạ viện Nga, dự luật sửa đổi Hiến pháp nêu chi tiết một loạt biện pháp, đặc biệt là tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc bổ nhiệm Thủ tướng và giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống.

Một biện pháp đáng chú ý khác là thành lập một Hội đồng nhà nước chịu trách nhiệm xác định những đường hướng chính trong chính sách đối nội và đối ngoại, cũng như những lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội ưu tiên của đất nước.

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Kremlin

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Kremlin

Trong thông điệp liên bang hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ công bố kế hoạch cải tổ hệ thống chính trị, dẫn tới việc từ chức của Thủ tướng Dmitri Medvedev và toàn bộ nội các. Giải thích cho những thông báo này, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, nước Nga đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải thay đổi, đặc biệt là sớm tìm ra một Thủ tướng mới.

“Những sửa đổi được đề xuất không ảnh hưởng đến nền tảng cơ bản của Hiến pháp Nga. Mục đích của những sửa đổi này là tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của đất nước dựa trên nền tảng của luật pháp, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của nhà nước, củng cố vai trò của xã hội dân sự và đảng phái chính trị trong việc đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến sự phát triển của đất nước”, ông Putin nói.

Với việc trình Hạ viện những sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Nga một lần nữa gây ngạc nhiên sau thông báo về kế hạch cải tổ hệ thống chính trị hôm 15/01 và việc thành lập nhóm công tác về vấn đề này ngay cùng ngày. Theo Chủ tịch Hạ viện Viatcheslav Volodine, Ủy ban Quốc hội chịu trách nhiệm nghiên cứu những sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu của Tổng thống sẽ nhóm họp ngay trong ngày hôm nay, đồng thời bác bỏ những chỉ trích cho rằng, các nhà lập pháp đang tìm cách đẩy nhanh tiến độ. Theo ông, mọi việc vẫn đang diễn ra theo đúng tiến trình. Trong khi đó, một số nguồn tin khác cho biết, những đề xuất của Tổng thống sẽ được xem xét tại phiên họp toàn thể vào ngày 23/1.

Đặc biệt theo những sửa đổi được đề xuất, mọi ứng cử viên Tổng thống đều phải sống tại Nga trong vòng 25 năm và không có giấy phép cư trú ở nước ngoài. Các thành viên chính phủ, các thẩm phán hay đại diện dân cử không được phép sở hữu 2 quốc tịch hay sống một thời gian dài ở nước ngoài. Văn kiện được trình lên Hạ viện ngày 21/1 dường như cũng loại trừ mọi khả năng trở lại điện Kremlin sau thời gian ngắt quãng để đảm nhận trọng trách khác, như trường hợp của ông Vladimir Putin từng giữ chức Thủ tướng (2008-2012) sau 2 nhiệm kỳ Tổng thông liên tiếp.

“Vẫn tiếp tục đi theo mô hình Cộng hòa Tổng thống, song nước Nga sẽ cởi mở hơn. Vai trò của Quốc hội sẽ được tăng cường và sự tương tác giữa Quốc hội và chính phủ sẽ trở nên hiệu quả hơn. Có như vậy các cơ quan chính quyền mới trở nên có trách nhiệm hơn, không chỉ đối với các bộ trưởng, đại biểu dân cử và chính Tổng thống được chỉ định, mà còn đối với công việc mà họ đang đảm trách, cũng như với các chính sách của chính phủ”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Dù ông Vladimir Putin chưa bao giờ đề cập trực tiếp đến tương lai của mình sau năm 2024 hoặc đề cập tới nhân vật sẽ kế vị, song một số nhà quan sát chính trị, đặc biệt là phương Tây cho rằng, nhà lãnh đạo Nga đang tìm cách duy trì ảnh hưởng lâu dài của mình. Hội đồng Nhà nước tương lai với các quyền lực được tăng cường sẽ là phương tiện đặc quyền của Tổng thống Nga để giữ ảnh hưởng sau năm 2024. Cơ quan này đã tồn tại, nhưng không đóng vai trò trung tâm trong nền chính trị Nga. Tuy nhiên theo Tổng thống Putin, bất kỳ sửa đổi Hiến pháp nào cũng có thể được đưa ra trưng cầu ý dân toàn quốc nhằm đảm bảo “sự phát triển của Liên bang Nga với tư cách là một nhà nước pháp quyền và hạnh phúc”./.

Thu Hoài/VOV1
tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tong-thong-nga-putin-day-nhanh-tien-trinh-cai-to-he-thong-chinh-tri-1002801.vov