Tổng thống Mỹ xoa dịu căng thẳng tại Hội nghị G7

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26-8 đã có động thái làm giảm căng thẳng trong ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh các nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7).

Các lãnh đạo G7 tại phiên họp ở Biarritz, Pháp. Ảnh Reuters.

Các lãnh đạo G7 tại phiên họp ở Biarritz, Pháp. Ảnh Reuters.

Mặc dù các nhà lãnh đạo không kỳ vọng sẽ đi đến một thỏa thuận toàn diện hay một hiệp ước chung, nhưng cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và những đồng minh phương Tây của Mỹ có vẻ như đã đành miễn cưỡng đồng ý kết thúc những vấn đề đang chia rẽ các thành viên.

Những vấn đề này bao gồm cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, gây ra nhiều lo ngại rằng sẽ làm chậm thương mại toàn cầu và thậm chí là suy thoái, vấn đề giải quyết tham vọng hạt nhân của Iran và Triều Tiên cũng như việc liệu có kết nạp lại Nga vào “câu lạc bộ” này không.

Ông Trump, người từng có sự xuất hiện khá “gây bão” tại Hội nghị G7 năm ngoái, đã nhấn mạnh trong cuộc họp năm nay tại Biarritz rằng ông đã “hòa hợp” hơn với lãnh đạo các nước thành viên khác.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã leo thang hồi cuối tuần trước với màn đáp trả thuế từ hai bên, nhưng có dấu hiệu dịu lại trong ngày 26-8. Ông Trump cho biết bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 rằng ông tin Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận thương mại sau khi các quan chức Bắc Kinh liên hệ với phía Mỹ rằng họ muốn quay lại đàm phán.

Trước đó cũng trong ngày 26-8, các nhà đàm phán hàng đầu Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ thông qua các “cuộc đàm phán bình tĩnh” và kiên quyết phản đối sự leo thang xung đột.

Tổng thống Trump đã ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo vĩ đại và cho biết triển vọng của các cuộc đàm phán diễn biến rất tích cực.

Một vấn đề khác cũng được ông Trump đề cập đó là cuộc đối đầu với Iran, được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ mời Ngoại trưởng Iran đến Biarritz để đàm phán.

Ông Trump bày tỏ không bất ngờ trước diễn biến này, tuy nhiên cũng khẳng định còn quá sớm để gặp mặt một quan chức nào đó của Iran vào thời điểm này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã rất vất vả trong việc làm dịu cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Tehran vào năm ngoái.

Tổng thống Pháp Macron đã đi đầu trong các nỗ lực để xoa dịu căng thẳng, lo ngại rằng sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân có thể khiến Trung Đông bùng nổ chiến tranh.

Ông Trump cũng thể hiện sự cởi mở trong việc đàm phán với Iran về hạt nhân và cho biết ông không tìm cách thay đổi chế độ ở Iran. Ông cũng hy vọng chứng kiến Iran vững mạnh và giàu có trở lại.

Thêm nữa, các nhà đàm phán Mỹ và Pháp đã đạt được một thỏa hiệp về thuế kỹ thuật số của Pháp, một loại thuế khiến ông Trump đe dọa áp thuế riêng đối với ngành rượu vang của Pháp.

Theo đó, Pháp áp thuế 3% đối với các dịch vụ kỹ thuật số của các công ty có doanh thu hơn 25 triệu euro tại Pháp và 750 triệu euro trên toàn thế giới. Tranh cãi về thuế này khiến nhiều người lo ngại sẽ mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và EU trong bối cảnh quan hệ kinh tế song phương có vẻ không còn quá êm đẹp.

Các quan chức Mỹ cho rằng loại thuế này nhắm vào các công ty Mỹ như Facebook, Google và Amazon một cách không công bằng.

Các nhà lãnh đạo G7 dự định thảo luận về biến đổi khí hậu trong một trong những phiên cuối cùng trong ngày 26-8 (giờ Pháp) và dự kiến sẽ xem xét một thỏa thuận về trợ giúp kỹ thuật và tài chính cho vấn đề cháy rừng Amazon.

Duy Tiến (Theo Reuters)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/tong-thong-my-xoa-diu-cang-thang-tai-hoi-nghi-g7-559022/