Tổng thống Mỹ sẽ 'rất cứng rắn' với NATO

Trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Trung Đông và châu Âu kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Đ. Trăm (Donald Trump) đã đến Brúc-xen, Bỉ. Điểm nhấn trong chuyến thăm Bỉ chính là việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Đ. Trăm với lãnh đạo các nước đồng minh NATO. Hội nghị thu hút được sự quan tâm của giới phân tích và truyền thông sau những bình luận trái chiều của ông chủ Nhà Trắng đối với NATO. Trong quá trình tranh cử cũng như trong vài tháng đầu nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Đ. Trăm luôn khiến cho các đồng minh NATO lo lắng khi từng tuyên bố rằng NATO là “lỗi thời”, đồng thời phê bình các thành viên khối này không đáp ứng và bảo đảm công bằng về mức chi tiêu quốc phòng. Bên cạnh đó, quan điểm có phần thất thường của ông Trăm trong mối quan hệ với Nga cũng khiến đồng minh NATO đứng ngồi không yên.

Tổng thống Mỹ Đ. Trăm và Thủ tướng Bỉ S. Mi-sen. Ảnh: Reuters.

Theo tờ Foreign Policy, thậm chí năm nay NATO còn bỏ việc đưa ra tuyên bố chính thức của hội nghị như thông lệ. Một quan chức NATO cho biết, hội nghị lần này không cần một tuyên bố đầy đủ bởi đây không phải hội nghị thượng đỉnh đầy đủ như Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Ba Lan năm 2016. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng, NATO năm nay không đưa ra tuyên bố chính thức vì họ lo ngại Tổng thống Đ. Trăm. Đã 4 tháng cầm quyền nhưng ông Đ. Trăm thậm chí vẫn chưa làm rõ chính sách của Mỹ đối với châu Âu, chứ nói gì đến NATO.

Ngay trước thềm hội nghị, phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Mỹ R.Ti-lơ-xơn (Rex Tillerson) cho biết Tổng thống Đ. Trăm "thực sự muốn thuyết phục các thành viên NATO hoàn thành nghĩa vụ của họ"."Tôi nghĩ rằng quý vị có thể thấy là Tổng thống Mỹ sẽ rất cứng rắn với họ và nói rằng chúng tôi-người Mỹ, đang làm rất nhiều cho họ. Họ cần chắc chắn rằng mình cũng có đóng góp cho sự an toàn của chính mình. Đó sẽ là thông điệp chính của Tổng thống Mỹ với NATO”, BBC dẫn lời ông R. Ti-lơ-xơn nhấn mạnh.

Tờ Foreign Policy cho biết, Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này tập trung thảo luận hai vấn đề chính, cũng đều là ưu tiên của Tổng thống Đ. Trăm, đó là chống khủng bố và chia sẻ gánh nặng tài chính của liên minh.

Trên mặt trận chống khủng bố, Mỹ đang thúc đẩy NATO chính thức gia nhập Liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mặc dù các nước thành viên NATO đều tham gia hoạt động này ở cấp quốc gia và NATO có ủng hộ các hoạt động của liên minh nhưng chưa phải là thành viên chính thức. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Bỉ S.Mi-sen (Charles Michel), theo NHK, Tổng thống Đ. Trăm khẳng định các thành viên NATO sẽ cùng hợp tác trong nhiều vấn đề và ưu tiên hàng đầu là cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là sau vụ đánh bom chấn động tại Man-che-xtơ, Anh. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, điều quan trọng là giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố và các thành viên NATO sẽ giành chiến thắng 100%.

Về vấn đề tài chính, theo NHK, mới đây, Tổng thống Đ. Trăm bày tỏ sự không hài lòng vì nhiều quốc gia thành viên của NATO đã không đạt được mục tiêu thống nhất là chi 2% GDP cho quốc phòng. Chính vì vậy, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu các thành viên của liên minh quân sự này thực hiện các bước đi cơ bản để đạt được ngưỡng 2%. Tờ Foreign Policy cho biết, tính đến nay mới chỉ có Anh, E-xtô-ni-a, Hy Lạp và Ba Lan đạt chỉ tiêu đóng góp 2% GDP, trong khi Tổng thư ký NATO G. Xtôn-ten-bớc (Jens Stoltenberg) thông báo rằng Ru-ma-ni, Lát-vi-a và Lít-va sẽ đạt mục tiêu 2% này trong năm nay hoặc năm tới. Mỹ vốn là nước đóng góp tài chính nhiều nhất trong liên minh. Việc chi tiêu của NATO tăng vọt trong những thập kỷ gần đây khiến Mỹ từ lâu đã cảnh báo các đồng minh khác phải chia sẻ trách nhiệm tài chính của họ một cách tương xứng. Tờ Foreign Policy dẫn lời chuyên gia H.Be-ni-tét (Jorge Benitez) của Hội đồng Đại Tây Dương-một trong những nhóm chuyên gia cố vấn có ảnh hưởng đến Mỹ và NATO về chính sách đối ngoại và địa chính trị, cho rằng xét cho cùng, để giữ chân Mỹ, các thành viên NATO khác có thể sẽ phải tăng cường đóng góp tài chính ở một mức nhất định như một sự nhượng bộ Oa-sinh-tơn. Kết quả đó sẽ khiến Mỹ tạm hài lòng trong kỳ họp này nhưng đồng thời có khả năng châm ngòi thêm nhiều rắc rối trong tương lai .“Họ có thể san sẻ gánh nặng với Mỹ, nhưng nhiều đồng minh sẽ cảm thấy họ đang bị bắt nạt. Cách tiếp cận của ông Đ. Trăm đối với NATO đang làm xấu đi các mối quan hệ”, ông H. Be-ni-tét nhận định.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tong-thong-my-se-rat-cung-ran-voi-nato-508298