Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định phong tỏa toàn diện hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran

Nhằm siết chặt bao vây kinh tế và cấm vận Iran - đối thủ nặng ký đối với một số đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định phong tỏa toàn diện hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ thế giới đang căng thẳng, cú đòn mạnh tay này của ông chủ Nhà Trắng khiến giá dầu tăng lên. Nếu như giá dầu mỏ tiếp tục gia tăng, chắc chắn đời sống người dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng và trở thành nhân tố bất lợi đối với chính ông Trump trong kế hoạch tái tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.

Hôm 22-4 vừa qua, Mỹ tuyên bố từ ngày 1-5 tới sẽ không tiếp tục chính sách miễn trừ đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu họ vi phạm sẽ phải hứng chịu đòn trừng phạt của Washington. Ngay sau khi thông tin về tuyên bố này vừa loan đi, giá dầu Brent đã tăng liên tục 2 ngày liền, với mức tăng tổng cộng hơn 3,5%, lên mức cao nhất trong 6 tháng qua. Báo Economic Journal ngay trong ngày 24-4 đã nêu ra 2 nguyên nhân thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Trump bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran.

Theo Economic Journal, nguyên nhân thứ nhất liên quan đến chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Hiện nay, ông chủ Nhà Trắng đang đặt mục tiêu tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới, nên rất cần sự ủng hộ của lực lượng cử tri trung thành. Đầu tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẽ chính thức liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đây cũng là lần đầu tiên Washington chính thức gọi lực lượng quân sự thuộc một chính phủ là khủng bố. Giờ đây, Mỹ lại quyết định cắt đứt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran nhằm gây sức ép ngoại giao và kinh tế, nhằm mục đích buộc Tehran phải quy phục trong vấn đề hạt nhân – một mục tiêu mà Washington khao khát đạt được từ lâu. Mục đích của quyết định này cũng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri là người Do Thái và cử tri theo đạo Tin Lành. Bên cạnh đó, việc bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran còn khiến giá dầu mỏ tăng lên, giúp ông Trump tranh thủ kiếm thêm được nhiều tiền quyên góp chính trị từ các hãng dầu mỏ để chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử.

Nguyên nhân thứ hai, Mỹ chờ cơ hội sản lượng dầu mỏ của Iran liên tục giảm, từ mức mỗi ngày sản xuất được 2,5 triệu thùng dầu vào tháng 5 năm ngoái, xuống còn 1 triệu thùng dầu/ngày hiện nay, mới ra đòn, nhằm làm cho ngón đòn của mình thêm hiệu quả. Mỹ đang làm việc với Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về việc tăng sản lượng để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran, giảm thiểu tác động đối với giá dầu.

Năm ngoái, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khẳng định, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman là người trực tiếp chỉ đạo vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post. Cái chết của nhà báo nổi tiếng này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới, khiến quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ rơi vào căng thẳng. Tuy nhiên, đến nay Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về người phải chịu trách nhiệm trong cái chết của nhà báo Khashoggi và trên thực tế đến giờ phút này Washington đã “phóng sinh” Thái tử Mohammed với niềm tin rằng thiện chí này sẽ khiến Saudi Arabia sẽ phải hợp tác với Mỹ.

Tổng thống Trump có thể tự “lấy đá ghè chân mình” khi phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. ảnh tư liệu

Tổng thống Trump có thể tự “lấy đá ghè chân mình” khi phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. ảnh tư liệu

Tuy nhiên, vấn đề là liệu quyết định của ông chủ Nhà Trắng liệu có mang lại hiệu quả như tính toán? Trước tiên, giới phân tích cho rằng ông Trump đã quá cả tin vào sự hợp tác của Saudi Arabia và vào việc dầu đá phiến có thể giúp bù đắp sự thiếu hụt dầu mỏ do không còn nguồn cung từ Iran. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên, cho nên, việc tăng sản lượng sẽ đi ngược với lợi ích kinh tế của họ. Cho dù Mỹ tăng sản lượng dầu đá phiến, nhưng trong các giếng dầu mà nước này khai thác trong 5 năm qua có hơn 1.000 giếng dầu có sản lượng thấp hơn kỳ vọng, một số thậm chí chỉ có sản lượng bằng một nửa dự kiến. Thêm vào đó là giá thành khai thác cao, đầu tư thăm dò và sản xuất dự kiến sẽ giảm khoảng 10%, nên giới chuyên gia nhận định, trong vài năm tới tăng trưởng về sản lượng dầu đá phiến sẽ giảm xuống.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng Tổng thống Trump đã lựa chọn thời điểm “ra đòn” không tốt, đúng thời điểm cuộc nội chiến ở quốc gia giàu dầu mỏ Lybia đang diễn ra ngày một quyết liệt, gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Trong bối cảnh đó, một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn là Venezuela cũng trong tình trạng rối loạn – chủ yếu cũng do Mỹ giật dây, khiến sản lượng dầu mỏ không ngừng giảm xuống. Nếu hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran bị gián đoạn, nguồn cung dầu mỏ thế giới sẽ căng thẳng và có thể sẽ tiếp tục đẩy giá dầu mỏ lên cao. Đó là chưa kể tới lệnh trừng phạt Iran có hiệu lực vào đúng dịp cao điểm dùng điện của mùa hè, chắc chắn càng khiến giá dầu mỏ leo thang. Hiện nay, bình quân giá mỗi gallon xăng ở Mỹ là 2,8 USD, mức cao nhất trong 6 tháng. Nếu giá dầu mỏ vượt ngưỡng 3 USD/gallon sẽ làm tăng lạm phát, tác động mạnh đến nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ đó có thể gây ra sự bất mãn của cử tri đối với ông Trump, qua đó ảnh hưởng tới khả năng tái đắc cử Tổng thống của nhà lãnh đạo này.

Nói tóm lại, Tổng thống Trump muốn thực hiện cam kết đối với những người ủng hộ mình nên mới siết chặt trừng phạt Iran. Tuy nhiên, khi giá dầu mỏ chạm tới ngưỡng quan trọng, trở thành gánh nặng chính trị, nhiều khả năng ông Trump sẽ nhanh chóng thay đổi. Điều này càng khiến chính sách không ổn định. Khi giá dầu thúc đẩy lạm phát tăng, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ khó có cớ để không tăng lãi suất. Vì vậy, chính sách chỉ vì lợi ích trước mắt này có thể sẽ đẩy ông Trump vào tình trạng tự “lấy đá ghè chân mình.”

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tong-thong-trump-tu-lay-da-ghe-chan-minh-145692.html