Tổng thống Mỹ chỉ trích quyết định cắt giảm lãi suất của FED

Ngay sau khi Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/7 đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng, cho rằng động thái của FED là chưa đủ quyết liệt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới ở Washington, DC ngày 22/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới ở Washington, DC ngày 22/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Trump nhận định: "Như thường lệ, Chủ tịch FED Jerome Powell lại khiến chúng ta thất vọng. Nhưng dù sao, chúng ta đã thắng, dù tôi không nhận được nhiều sự giúp đỡ từ FED".

Theo ông Trump, điều mà thị trường mong muốn chính là sự khởi đầu của một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh nhằm duy trì đà với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác, song thực tế quyết định của FED cách xa mong muốn này. Trước khi diễn ra cuộc họp của FED, ông Trump đã nhiều lần gia tăng sức ép, yêu cầu FED "cắt giảm mạnh" lãi suất để kích thích nền kinh tế. Ông Trump chỉ trích Chủ tịch FED Powell không thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trong năm 2019 và cao hơn nữa trong năm sau như cam kết của ông.

Trước đó, cùng ngày, FED quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% từ biên độ 2,25-2,5% xuống biên độ 2-2,25%. Phát biểu với báo giới sau khi quyết định trên được công bố, Chủ tịch FED lý giải việc hạ 25 điểm cơ bản là nhằm đảm bảo kinh tế Mỹ có thể chống chọi với các nguy cơ tụt dốc do tăng trưởng toàn cầu yếu kém và sự bất ổn trong chính sách thương mại, đồng thời giảm thiểu tác động của các yếu tố trên đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Ông Powell nhận định đây là sự điều chỉnh "trung hạn" trong chính sách tiền tệ của FED, chứ không phải sự khởi đầu của "loạt đợt cắt giảm lãi suất". Phản ứng với những quan ngại cho rằng các nhà hoạch định chính sách của FED chịu sự chi phối từ bên ngoài đối với tính độc lập của cơ quan này, Chủ tịch FED khẳng định chính sách tiền tệ không tính đến những cân nhắc chính trị mà chỉ phụ thuộc vào nguy cơ và dữ liệu kinh tế.

Phản ứng với quyết định cắt giảm lãi suất của FED cùng số liệu mới công bố cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm hơn nhiều so với dự kiến, giá dầu thô thế giới đã tăng. Cụ thể, tại Sàn giao dịch New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9 đã tăng 0,53 USD lên 58,58 USD/thùng còn tại thị trường London, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tăng 0,45 USD lên 65,17 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 26/7, lượng dự trữ dầu thô thương mại nước này đã giảm 8,5 triệu thùng so với tuần trước đó, trong khi các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của S&P Global Platts dự báo mức giảm chỉ là 3,9 triệu thùng.

Trên thị trường kim loại, chốt phiên giao dịch ngày 31/7, giá vàng giao tháng 12/2019 đã giảm 4 USD (0,08%) xuống 1.420,4 USD/ounce. Các nhà giao dịch cho biết giá vàng kỳ hạn đã nới rộng đà giảm sau khi FED thông báo hạ lãi suất. Theo các chuyên gia, sự tăng giá của đồng bạc xanh trong phiên này đã gây sức ép đối với giá vàng. Chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền khác, đã tăng 0,21% lên 98,26. Đáng chú ý, trong phiên, đồng USD cũng leo lên mức cao nhất trong hai năm so với đồng euro.

Cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 1/7 không mấy khởi sắc. Trên sàn chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đầu phiên đã mất 0,82%, tương đương 176,08 điểm, xuống mức 21.345,45 điểm, trong khi đó chỉ số Topix giảm 0,58%, tương đương 9,15 điểm, xuống mức 1.555,99 điểm. Thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) cũng không phải ngoại lệ. Đầu phiên ngày 1/7, chỉ số Hang Seng giảm 0,4%, tương đương 110,92 điểm, tạm xuống mức 27.666,83 điểm. Tương tự, các chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite, giảm lần lượt mất 0,4% và 0,49%, xuống mức 2.920,85 điểm và 1.56,53 điểm.

Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-my-chi-trich-quyet-dinh-cat-giam-lai-suat-cua-fed-20190801102018265.htm