Tổng thống Mỹ bất ngờ 'dịu giọng' kêu gọi đàm phán với Triều Tiên

Thay vì dùng những ngôn từ cứng rắn về vấn đề Triều Tiên như trước đây, thì trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc mới đây, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ thiện chí, muốn xây dựng hòa bình với Triều Tiên.

Theo Yonhap, phát biểu trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 7/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không dùng những ngôn từ quyết liệt về Bình Nhưỡng như trước đây. Ông không đưa ra lời đe dọa nào cả về quân sự và tác động đến chế độ của lãnh đạo Kim Jong-un.

Bài phát biểu của ông Trump chủ yếu nói về kế hoạch xây dựng hòa bình của ông với Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nói rằng Hàn Quốc “sẵn sàng giúp Triều Tiên có một tương lai sáng lạn”.

Ông Trump kêu gọi người nghe “hãy tưởng tượng những gì có thể xảy ra khi bán đảo Triều Tiên không còn lo sợ nguy cơ chiến tranh hạt nhân, còn tất cả người dân tại đây có thể tận hưởng một cuộc sống ấm no giống như những gì ta đang thấy ở Hàn Quốc”.

Cuộc gặp gỡ của Tổng thống Trump với người đồng cấp Hàn Quốc.

Thay vì đe dọa Bình Nhưỡng, ông Trump mong muốn “tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Nga, hãy hành động khẩn trương và đầy quyết tâm” và thực hiện nghị quyết Liên Hợp Quốc để trừng phạt kinh tế Triều Tiên.

Đồng thời ông Trump cũng kêu gọi “Triều Tiên nên chấp nhận ngồi xuống đàm phán một thỏa thuận” để đảm bảo lợi ích cho người dân Triều Tiên và cho thế giới.

Tại buổi hội đàm, nguyên thủ hai quốc gia Mỹ - Hàn cũng khẳng định cam kết tiếp tục diễn tập quân sự chung, một động thái mà Triều Tiên coi là nhằm diễn tập để xâm lược nước này.

Đây là điều tương đối bất ngờ, bởi cả Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong các chuyến thăm tới Hàn Quốc trước đây đều bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với Triều Tiên.

Trong bài trả lời phỏng vấn sau đó, ông Trump cũng nói rằng ông không tin Bình Nhưỡng sẽ tấn công Mỹ, đồng thời ông tập trung vào mối quan hệ giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Tôi tin rằng Trung Quốc và Chủ tịch Tập đang nỗ lực hết sức để xem có thể làm được gì trong tình hình hiện tại, nhưng tôi cho rằng chúng ta có thể đặt nhiều hi vọng”, ông Trump nói.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trao đổi với người đồng cấp phía Mỹ: “Tôi hiểu đây là vấn đề hàng đầu trong chương trình an ninh của ngài. Hy vọng chuyến thăm của ngài đến Hàn Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tạo cơ hội để giải tỏa nỗi lo lắng của người dân Hàn Quốc trước những hành động khiêu khích của Triều Tiên, đồng thời sẽ là bước ngoặt trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster cũng tỏ ra không mặn mà với việc Mỹ tấn công Triều Tiên trước. “Tổng thống sẽ thảo luận với nguyên thủ các nước trong khu vực để tìm ra được các phương án có thể thực hiện được mà không cần gây chiến”, ông McMaster nói.

Trước đó, ngày 6/11, trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ đoàn kết với Nhật Bản về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, đồng thời cho rằng việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản là “mối đe dọa đối với thế giới văn minh và hòa bình, ổn định quốc tế”.

Tiếp tục chuyến công du châu Á, Tổng thống Trump sẽ có chuyến thăm tới Trung Quốc và Việt Nam, nơi diễn đàn APEC được tổ chức và ông sẽ có cuộc gặp mặt với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo các quan chức Nhà Trắng, một trong những nội dung quan trọng trong chuyến công du lần này của Tổng thống Trump là bàn về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 7/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết, Tổng thống Mỹ sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Việt Nam để bàn về Triều Tiên.

Nhật Hạ (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/quoc-te/tong-thong-my-bat-ngo-diu-giong-keu-goi-dam-phan-voi-trieu-tien