Tổng thống Mexico Lopez Obrador: Cạm bẫy sau ánh hào quang

Một chiến thắng tuyệt đối. Một bước ngoặt lịch sử. Một ngọn cờ cánh tả hiếm hoi trong suốt lịch sử chính trường Mexico.

Nhưng, bây giờ, sau chiến thắng, Andres Manuel Lopez Obrador - tổng thống mới đắc cử của quốc gia Trung Mỹ ấy - sẽ thực sự cảm nhận được những sức ép ngàn cân bủa vây quanh mình.

Lopez Obrador, ông là ai?

Một cách ngắn gọn, ngay từ những lần tham gia tranh cử trước (năm 2006 và 2012), Andres Manuel Lopez Obrador đã được báo giới hậu thuẫn mô tả là người duy nhất có khả năng “cách mạng hóa” chính phủ, thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy lùi bạo lực, hạn chế tham nhũng và san lấp bất bình đẳng trong xã hội Mexico.

Về phần mình, vị cựu Thị trưởng thành phố Mexico (Mexico City) ấy tự đánh giá mình là “người tranh đấu cho nông thôn Mexico (khu vực còn bị bỏ lại quá xa so với các đô thị)”.

65 tuổi, chính khách mang màu sắc phi truyền thống so với những đối thủ của mình ấy từng hiệu triệu: “Nếu chúng ta chấp nhận luật lệ của những kẻ tự cho mình là ông chủ hay lãnh chúa của Mexico, sẽ chẳng có thay đổi nào đến được với người dân ở tầng lớp thấp nhất”.

Và ở một khía cạnh nào đó, có lẽ đó là một người khá cứng rắn, cứng rắn đến cực đoan, khi tuyên bố: “Tôi không chấp nhận bất cứ sự gian lận nào!”.

Đặt vào bối cảnh trì trệ và khả năng quản lý nhà nước yếu kém của Mexico trong quá khứ, không có gì ngạc nhiên khi người phát ngôn như vậy phải 2 lần nếm trải thất bại, cho dù không phải chưa từng vượt lên chiếm ưu thế.

Dẫn đầu những cuộc vận động sâu rộng và mạnh mẽ nhằm thay đổi thực tại, đó là cái gai trong mắt các nhóm lợi ích, là ngọn cờ tập hợp của dân nghèo, cũng là một luồng sinh khí mạnh mẽ đến rát bỏng thổi vào chính trường đất nước ấy. Hoặc, như cũng có những ý kiến trái chiều nhận định: một chính khách dân túy, tương tự như Donald Trump ở nước Mỹ láng giềng.

Có nhiều giai thoại về Obrador. Nhưng có lẽ, đầu tiên, chúng ta nên nói về một biến cố đau lòng thời thơ ấu: Ngày 8-6-1969, em trai ông - Jose Ramon Lopez Obrador - vớ được một khẩu súng lục, nghịch ngợm với nó, để nó tuột khỏi tay và bị một viên đạn vẫn ở trong băng rời khỏi nòng, găm thẳng vào đầu (theo cuốn Los Suspirantes 2018 của Jorge Zepeda Patterson).

Sau đó, Andres Manuel Lopez Obrador trở nên “suy tưởng nhiều hơn, triết lý nhiều hơn”. Người con cả của một gia đình công nhân di cư gốc Tây Ban Nha đã tìm thấy lẽ sống của đời mình, để rời xa đường phố, thẳng tiến vào đại học.

Xuất thân từ tầng lớp lao động, ông hiểu cảnh nghèo cũng như những nanh vuốt của cái nghèo, đặc biệt là trong một đất nước bị nạn tham nhũng và bạo lực trùm phủ như Mexico. Ông lựa chọn hoạt động chính trị như một lẽ tự nhiên và lựa chọn dấn thân vào các cuộc tranh cử tổng thống như một điều tất yếu.

Ông cần có quyền lực, để cụ thể hóa những ý tưởng của mình thành chính sách. Ngày còn là Thị trưởng Mexico City, ông là “kiến trúc sư trưởng” của những nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng mạnh mẽ nhất trong lịch sử thành phố ấy.

Thông qua các chương trình xã hội hóa, ông xây thêm nhà, làm thêm đường, tổ chức thêm các tuyến xe bus, bảo tồn các di tích cổ và đẩy mạnh quảng bá du lịch. Ông tạo thêm công ăn việc làm. Ông kiến tạo sự phát triển.

Song, cuộc bầu cử Tổng thống Mexico năm 2006 mới chỉ là điểm khởi đầu chặng đường chông gai mà ông phải vượt qua. Chưa có được một liên minh hùng mạnh, ông bị rớt lại trong cuộc đua vào chặng chót, khi mắc kẹt bởi các tính toán liên minh của các đối thủ. Kém chỉ 0,56% số phiếu so với người đắc cử Felipe Calderon, những nỗ lực đòi kiểm phiếu lại của ông không được Ủy ban Bầu cử đáp ứng.

6 năm sau, thời cơ dành cho ông vẫn chưa chín muồi, bất chấp cả một chương trình cải tổ toàn diện đã được chuẩn bị và bất chấp cả những khẩu hiệu đầy tính lay động.

Thí dụ như “Abrazos, no balazos” (Những cái ôm, chứ đừng là những viên đạn) - khẩu hiệu được dùng cho đề xuất đẩy lùi bạo lực cũng như tội phạm ma túy. Lopez Obrador một lần nữa về nhì. Ông kết tội người chiến thắng Enrique Pena Nieto mua phiếu bầu, nhưng Tòa án Tối cao bác bỏ.

Cuối cùng, Obrador cũng đã chiến thắng. Chiến thắng thuyết phục, với hơn 53% số phiếu ủng hộ, so với chỉ 27% của đối thủ cánh hữu Ricardo Anaya. Những mâu thuẫn nội tại trong xã hội Mexico đã đủ gay gắt, để mở đường cho một tổng thống cánh tả, và cho ông.

Thập diện mai phục

Tuyên bố rằng mình sẽ theo đuổi những chính sách thực dụng, nhưng tất cả người dân Mexico đều biết: Lopez Obrador vẫn là một chính khách đầy tính “lý tưởng hóa”.

Không phải ngẫu nhiên, cá tính mạnh mẽ mà ông thể hiện khiến không ít doanh nghiệp cũng như chủ đầu tư lo ngại về một tương lai mà ở đó, khu vực tư hữu sẽ bị ức chế, bị làm cho suy yếu, bị đẩy trượt khỏi những phương trình kinh tế, và có thể lâm vào cảnh mất cân đối trong cán cân thu - chi.

Lập luận của họ rất đơn giản, và cũng rất khó để bị phản bác: Nếu AMLO (biệt danh của Obrador) định xúc tiến và thúc đẩy các chương trình phúc lợi xã hội, theo cách khuếch trương quy mô những gì ông đã từng thực hiện ở Mexico City ngày trước thì ông sẽ lấy ngân sách từ đâu?

Mỹ vẫn đang đòi Mexico phải chi trả cho những bức trường thành ngăn cách biên giới này.

25 năm qua, Mexico luôn chỉ có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất là 2,5%/năm. 25 năm qua, Mexico hầu như không cải thiện được tỷ lệ nghèo đói. Cả nền kinh tế ấy chỉ đạt trị giá 1,2 nghìn tỷ USD.

Nghĩa là nếu muốn có tiền đầu tư, AMLO sẽ chẳng trông cậy được gì từ tầng lớp dân nghèo - những người ủng hộ nhiệt thành nhất của mình. Ông phải bắt được “người giàu” móc hầu bao, bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, như ông vẫn luôn bộc lộ, ông sẽ không thỏa hiệp với nạn hối lộ, nghĩa là không có bất cứ sự “mắt nhắm mắt mở” nào để “bôi trơn” các guồng máy hết.

Và ông kêu gọi đông đảo người dân hãy quyết định “liệu họ có muốn thay đổi tình trạng hiện tại hay muốn những thay đổi đích thực” - như một lời hiệu triệu cách mạng, cũng là sự tuyên chiến với các lề thói cũ. Và ông còn có khả năng đảo ngược các quyết định của người tiền nhiệm Nieto, bao gồm cả dự án sân bay trị giá 1,3 tỷ USD tại Mexico City.

Sẽ là vô cùng mạo hiểm, nếu cố gắng đổi hướng cả một quốc gia như bẻ lái một chiếc xe. Nhưng không chỉ vậy, có lẽ khá tương đồng với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, sự không khoan nhượng nào đó trong cuộc chiến chống lại các băng đảng tội phạm cũng có thể khiến đất nước ấy chia rẽ trầm trọng.

Hơn hết, AMLO sẽ phải đối mặt với một thách thức khổng lồ: Người láng giềng Mỹ.

Pena Nieto thất bại, một phần quan trọng là bởi cựu Tổng thống Mexico đã tỏ ra quá thụ động trước Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, suốt chiến dịch tranh cử, AMLO truyền cảm hứng bằng những thông điệp sục sôi tinh thần tự tôn dân tộc.

Thế nhưng, bây giờ, khi đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của đất nước, ông sẽ làm gì với những bức “Vạn lý trường thành” đã và đang được lắp đặt suốt dọc chiều dài biên giới hai nước?

Ông sẽ làm gì khi hằng ngày, các đội tuần tra biên giới Mỹ vẫn bắt giữ, công bố hình ảnh và trục xuất hàng đoàn người nhập cư trái phép từ Mexico? Ông sẽ làm gì, khi trong thế giới hiện đại này, hợp tác kinh tế khu vực trở thành con đường tất yếu và Mexico sẽ luôn yếu thế hơn Mỹ trong những cuộc thương thảo?

Chúng ta đang nói đến đề xuất cải tổ Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm mọi cách để tái đàm phán và tái ký kết, với những điều khoản mới mang lại nhiều lợi ích hơn cho nước Mỹ.

Những “cây gậy” đã lần lượt được sử dụng: Vấn đề người nhập cư bất hợp pháp, các rào cản thương mại khắc nghiệt (khiến không chỉ Mexico mà cả một nền kinh tế phát triển như Canada cũng phải lo lắng), hay cuộc chiến chống lại tội phạm ma túy...

Ngược lại, chưa thấy “củ cà rốt” nào xuất hiện. Chưa kể, những mối quan hệ truyền thống của Mexico với Mỹ latin - khu vực gần gũi về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử - cũng có thể tạo nên nhiều rắc rối cho chính sách đối ngoại của Mexico. Mỹ latin cự tuyệt trở lại là “sân sau” của Mỹ, trong khi Mexico là cánh cửa mở vào khoảnh sân ấy.

Và chưa cần nhìn xa xôi, ngay sau chiến thắng, vẫn còn một cửa ải nữa mà AMLO phải vượt qua. Đảng Morena của ông cần phải giành được đa số ghế tại quốc hội, mới có thể trở thành chỗ dựa, thành nền tảng, thành cơ sở để ông thể chế hóa những kế hoạch cách tân đất nước của mình bằng luật pháp.

Từ giờ đến lúc đó, các đối thủ của ông chắc chắn sẽ không ngồi yên. Họ sẽ tìm mọi cách để ngăn cản ngọn cờ thay đổi hoàn tất sứ mệnh, kể cả việc khơi sâu thêm mâu thuẫn trong xã hội.

Và nước Mỹ cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn...

Thiên Thư

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/5githang__-tong-thong-mexico-lopez-obrador-cam-bay-sau-anh-hao-quang-501833/