Tổng thống Macron đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi nắm quyền

Trước việc 1 người thiệt mạng và 47 người bị thương sau khi đổ ra đường biểu tình để phản đối chính sách thuế xăng dầu mới của chính phủ càng làm tình hình nước Pháp thêm rối ren.

Các cuộc biểu tình hàng loạt trên đường phố toàn nước Pháp dự kiến sẽ diễn ra như một phần của phong trào "áo gile vàng" để phản ứng với giá khí đốt và thuế sinh thái đối với các phương tiện giao thông gây ô nhiễm.

Một phụ nữ sau khi lái xe đến một địa điểm bị người biểu tình phong tỏa ngoài thành phố Lyon, đã tỏ ra "hoảng sợ" và cán vào một người chặn đường, theo ông Louis Laugier - quận trưởng khu vực Savoie, cho biết tại một cuộc họp báo.

Hơn 47 người khác đã bị thương - trong đó có 3 người bị thương nghiêm trọng - trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc và 17 người hiện đã bị giam giữ, các quan chức thuộc Bộ Nội vụ Pháp cho biết.

Hàng dài người biểu tình tập trung tại các con đường để phản đối chính sách mới của chính phủ. Ảnh: CNN

Hàng dài người biểu tình tập trung tại các con đường để phản đối chính sách mới của chính phủ. Ảnh: CNN

Nói về cái chết của một trong những người biểu tình, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nói: "Đó là lý do tại sao chúng tôi lo lắng nhiều người không có kinh nghiệm tổ chức biểu tình".

Hơn 1 triệu người được dự kiến đã đổ ra đường để biểu tình trên toàn quốc vào ngày thứ Bảy, tuy nhiên con số thực tế đã thấp hơn dự đoán.

Các quan chức từ Bộ Nội vụ cho biết rằng tổng cộng xấp xỉ 125.000 người đã tham gia vào khoảng 2.000 cuộc biểu tình trên khắp đất nước.

Người dân ở Molsheim - miền Đông nước Pháp biểu tình phản đối thuế xăng dầu. Ảnh: CNN

"Thành thật mà nói, chúng tôi hài lòng, ngay cả khi chúng tôi không có đủ hàng trăm nghìn người ở đây, nhưng vẫn còn thêm người đổ ra đường. Ngày hôm nay vẫn chưa kết thúc và chúng tôi rất vui vì không có sự cố nào ở đây", ông Thierry Paul Valette - người tổ chức cuộc biểu tình trên đại lộ Champs Elyseés ở Paris, chia sẻ.

"Chúng tôi không thể chịu đựng khoản thuế của ông Macron nữa, vậy là quá nhiều. Chúng tôi không thể tự mình lắng nghe các đảng phái chính trị hay công đoàn, vì vậy chúng tôi phải làm điều gì đó", ông Valette tuyên bố.

Cuộc biểu tình này được coi như là một trong những thách thức lớn nhất mà ông Macron phải đối mặt trong suốt 18 tháng cầm quyền vừa qua.

Giá cả leo thang

Giá dầu diesel đã tăng 16% trong năm nay từ mức trung bình 1,24 euro (1,41 USD) / lít lên đến 1,48 euro (1,69 USD), thậm chí đạt 1,53 euro trong tháng 10, theo UFIP - liên đoàn công nghiệp dầu mỏ của Pháp.

Người dân mặc áo gile vàng đổ ra đường tại thành phố Nice. Ảnh: CNN

Hiện giá dầu Brent thô đã tăng hơn 20% trong nửa đầu năm 2018 từ khoảng 60 USD một thùng đến đỉnh của 86.07 USD vào đầu tháng 10.

Tuy nhiên, những người biểu tình không hướng sự giận dữ của họ tới OPEC vì đã giảm sản lượng dầu mỏ, hay chính quyền Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt đối với Iran, làm tê liệt ngành xuất khẩu dầu của nước này.

Thay vào đó, Tổng thống Macron đang nhận mũi dùi công kích của người dân, khi nhiều người biểu tình tức giận về việc nhà lãnh đạo hiện tại mở rộng các chính sách môi trường đã được triển khai dưới thời cựu Tổng thống François Hollande.

Đáng chú ý, mức thuế đối với dầu đã tăng 8 cent so với tháng 1 năm ngoái và 4% đối với thuế xăng. Thuế dầu diesel cũng sẽ tăng thêm 6,4 cent nữa vào năm 2019 và 2,9% đối với xăng.

Tổng thống Macron hứng chịu chỉ trích

Sự oán giận ngày càng tăng trong lòng xã hội Pháp cũng là một bàn đạp cho các cuộc tấn công từ các đảng phái chính trị nhắm vào chính phủ của ông Macron.

"Chính phủ này đã không hiểu được sự giận dữ của người dân Pháp", ông Olivier Faure - người đứng đầu đảng Xã hội Pháp, cho biết hôm thứ Tư.

"Ông Macron đã không lắng nghe người dân Pháp," Laurent Wauquiez - lãnh đạo của đảng cực hữu Những người Cộng hòa (Les Républicains), tuyên bố.

Trong khi đó, đối thủ của ông Macron trong cuộc chạy đua Tổng thống 2017, bà Marine Le Pen - thủ lĩnh của đảng Mặt trận Quốc gia, nói: "Chúng tôi là bên đầu tiên thể hiện sự ủng hộ của mình cho phong trào này".

Bộ trưởng Nội vụ Castaner đã đáp trả lại các đối thủ chính trị, bằng tuyên bố cuộc biểu tình này mang "tính chính trị" và do đảng Những người Cộng hòa đứng sau.

"Đó là một cuộc biểu tình chính trị và đảng Les Républicains đứng sau nó, điều này không hợp lý vì mức thuế tăng đã được bù đắp bởi sự suy giảm của thị trường dầu mỏ. Chúng tôi đã nghe về các cuộc biểu tình, chúng tôi nghe thấy sự tức giận, tôi hiểu tình hình, nhưng chúng tôi phải giải thích rằng điều quan trọng là chúng ta không phải phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch", ông Castaner tuyên bố.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết cảnh sát sẽ có mặt để giải tán bất kỳ "rào chắn" nguy hiểm nào. "Tôi yêu cầu không được để người biểu tình chặn hoàn toàn mọi con đường, điều này sẽ ngăn cản công tác cứu thương. Nơi nào bị chặn đường, nơi đó sẽ có cảnh sát".

Về phía mình, Tổng thống Macron đã đưa ra giọng điệu mang tính hòa giải hơn trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư tuần này, ông nói rằng: "Tôi đã nghe thấy sự giận dữ và đó là một quyền cơ bản trong xã hội chúng ta để được phép thể hiện nó".

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng mình sẽ "cảnh giác vì nhiều thành phần khác nhau đang cố gắng gồng gánh phong trào này".

Huy Vũ

Theo CNN

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/tong-thong-macron-doi-mat-voi-thach-thuc-lon-nhat-ke-tu-khi-nam-quyen-132168.html