Tổng thống Macron đối mặt cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất

Sau 3 tuần nổ ra các cuộc biểu tình bạo lực, nước Pháp đang chao đảo bởi các cuộc biểu tình của phong trào 'Áo vàng' phản đối kế hoạch tăng giá xăng dầu của chính phủ và cuộc sống đắt đỏ. Có thể nói Tổng thống Emmanuel Macron đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ khi lên nắm quyền và sự kiện này là phép thử đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Sự "cô đơn" của Macron

Báo chí Pháp đã bình luận về tình trạng "đơn độc" của Tổng thống Pháp Macron khi đối phó với cơn lốc khủng hoảng hiện nay. Trang nhất của báo Liberation đăng ảnh Tổng thống và Thủ tướng Pháp, với tựa đề: “Lùi bước” hàm ý mỉa mai đảng Tiến bước của ông Macron. Theo báo này, sau 3 tuần lễ đấu tranh kèm theo bạo lực, rốt cuộc, chính quyền đã loan báo nhiều nhượng bộ, nhưng chưa chắc có thể làm dịu đi cơn giận dữ của những người "Áo vàng”. Tương tự, Le Figaro nhận định “Chính quyền dịu giọng, Áo vàng dấn tới”: Động thái hôm qua hiện chưa đủ để phong trào phản kháng chùn chân; trong khi tờ Le Monde chạy tít trang nhất “Áo vàng: Macron và Philippe thụt lùi”, đăng ảnh các thành viên Chính phủ Pháp đang họp với khuôn mặt đầy đăm chiêu.

Trong bài “Boomerang của sự nghi ngờ” đăng trên trang Ý kiến của Le Monde, tác giả Gerard Courtois nhắc lại rằng cách đây 18 tháng ông Macron đã “xóa bài” làm lại chính trường nước Pháp từ đầu; các đảng phái truyền thống phải “ra rìa”. Nhưng nay, những người "Áo vàng" lại muốn xóa đi tất cả: không công nhận quyền lực của ông, thậm chí còn đòi Tổng thống Macron từ chức. Đối với ông, tác động boomerang là khủng khiếp.

Đương kim Tổng thống Pháp không phải là người duy nhất bị phản đối. Tượng De Gaulle từng bị đập trong thời kỳ cách mạng tháng 8-1968. Năm 1981, cựu Tổng thống Pháp Valérie Giscard d’Estaing rời điện Elysee dưới những lời xỉ vả và trong cuộc khủng hoảng tư thục năm 1984, cựu Tổng thống Francois Mitterrand là người bị ghét nhất nước Pháp. Nicolas Sarkozy cũng từng bị ghét cay ghét đắng, Francois Hollande bị đả kích dữ dội.

Nhưng tất cả các tổng thống tiền nhiệm, ngay cả lúc ở trung tâm cơn lốc xoáy, vẫn có được sự hỗ trợ của phe mình: các đảng chính trị kinh nghiệm, các đại biểu cắm rễ sâu trong dân chúng, các bộ trưởng đầy kinh nghiệm… Còn Macron khác hẳn: một đảng lơ lửng trên mặt đất, dân biểu lần đầu bước vào Quốc hội, chính phủ ít kinh nghiệm và các nghiệp đoàn đứng ngoài lề, thiếu vắng một cơ chế trung gian để đối thoại. “Nhà vua” đang quá đơn côi, quá dễ tổn thương, tác giả Courtois bình luận.

Người biểu tình phản đối Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh tư liệu

Phép thử đối với Tổng thống

Tổng thống Macron ấp ủ thực hiện một chiến lược năng lượng xanh cho tương lai của Pháp. Đó là lý do vì sao ông tăng thuế đối với giá dầu để thu được khoản tài chính hỗ trợ cho các chính sách đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu trong tương lai. Tuy nhiên, người dân Pháp lại muốn ông trước tiên giải quyết vấn đề cấp bách hơn liên quan chi phí sinh hoạt tăng cao. Mặc dù các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực, nhưng khoảng 80% người dân Pháp vẫn thông hiểu cho những chỉ trích của người biểu tình về chi phí sinh hoạt tưng cao trong khi đồng lương không thay đổi. Mức lương tối thiểu chỉ nhích lên không đáng kể, không đủ để bù đắp cho chi phí thuế gia tăng và phúc lợi xã hội giảm dần.

Làm thế nào để dập tắt cơn bão "Áo vàng" này là một phép thử không hề nhỏ đối với chính quyền Macron, nhất là khi lễ Giáng sinh đang đến gần. Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Philippe ngày 4-12 đã tìm cách xoa dịu làn sóng tức giận bằng tuyên bố sẽ ngừng tăng thuế để chặn đứng cơn lốc này. Tuy nhiên, tuyên bố này có vẻ được đưa ra quá muộn và không thể xoa dịu người biểu tình. Không rõ nhượng bộ nhỏ nhoi này có thể khiến các đường phố Pháp trở lại yên bình hay không. Rõ ràng, các cuộc biểu tình diễn ra hàng tuần qua đã làm rung động chính quyền Macron và sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của xã hội Pháp trong thời gian tới.

“Bàn tay” của facebook

Nhận định về làn sóng biểu tình hiện nay tại Pháp, nhà báo Leonid Bershidsky viết trên trang mạng của Bloomberg rằng việc facebook cho phép những bài đăng của các tổ chức và các nhóm xuất hiện trên News Feed (mục tin tức nổi bật) có thể là nguyên nhân khiến các cuộc biểu tình lan rộng hơn.

Sự nổi lên của những người đứng đầu các nhóm được thành lập trên facebook như một gương mặt đại diện hay người phát ngôn cho một tập thể và phong trào không phải là một quá trình dân chủ. Không giống Macron và các nhà lập pháp, những người này không được bầu chọn công khai.

Trong bài viết trên tờ Liberation, nhà báo Vincent Glad cho rằng những thay đổi gần đây trong thuật toán của facebook, ưu tiên nội dung được các nhóm đăng tải hơn là từ các trang tin tức, kể cả của các hãng truyền thông truyền thống, đã tạo ra một công cụ kích động những người biểu tình. Mark Zuckerberg nghĩ rằng mình đã phi chính trị hóa facebook và tập trung hơn vào việc kết nối con người song đó không phải là điều đang diễn ra. Ông Glad nói: “Quản trị viên các nhóm trên facebook, với đặc quyền vừa được Zuckerberg trao tặng, là những người trung gian. Họ trỗi dậy trong bối cảnh uy tín và ảnh hưởng của các liên đoàn lao động, các hiệp hội và các chính đảng bị xói mòn”. Kết quả là, theo bình luận của nhà báo John Lichfield trên báo The Guardian, một làn sóng bất ổn nổ ra với rất nhiều điều chưa từng có tiền lệ.

Các bài đăng trên mạng xã hội là một trong những giải pháp được ca ngợi nhiều nhất của facebook nhằm giải quyết các vấn đề về kết nối xã hội và dân chủ. Tất nhiên, người ta không có đủ bằng chứng để cáo buộc facebook tiếp tay cho “Áo khoác vàng,” song những gì diễn ra hồi cuối tuần qua khá giống với nhiều làn sóng dân túy đầy giận dữ mà chúng ta từng chứng kiến trên thế giới - những cuộc biểu tình bạo lực và nhiều phong trào được tổ chức qua mạng xã hội. Có thể nói, những phong trào kiểu này sẽ còn tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới, kéo theo đầy bất ổn và rủi ro.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tong-thong-macron-doi-mat-cuoc-khung-hoang-toi-te-nhat-129840.html