Tổng thống Jokowi và 'bài toán kinh tế' cho Indonesia

Liệu Tổng thống Indonesia Joko Widodo có thể cân bằng giữa sự bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực tài nguyên với sự phát triển công bằng hay không?

Liệu Tổng thống Indonesia Joko Widodo có thể cân bằng giữa sự bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực tài nguyên với sự phát triển công bằng hay không?

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đọc diễn văn nhân dịp quốc khánh Indonesia hôm 16-8. Ảnh: Diplomat

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đọc diễn văn nhân dịp quốc khánh Indonesia hôm 16-8. Ảnh: Diplomat

Thu hút đầu tư và cải thiện giáo dục

Thu hút sự chú ý tại một hội thảo với sự tham dự của hàng chục ngàn người ủng hộ, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại. “Chúng ta phải mời càng nhiều nhà đầu tư càng tốt để tạo việc làm. Không ai bị dị ứng với đầu tư. Bất cứ điều gì cản trở đầu tư đều phải được loại bỏ dần”, ông tuyên bố.

Trong số danh sách các “vật cản” cần được điều chỉnh có công chức, bộ trưởng, thậm chí toàn bộ tổ chức. Và ông Jokowi muốn lên kế hoạch đại tu các khung pháp lý và quy định khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đau đầu và không muốn đến Indonesia trong nhiều năm qua. Để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử trước đây, ông chỉ ra, ông sẽ không chỉ mở khóa cánh cửa cho các nhà đầu tư bên ngoài mà chính phủ sẽ loại bỏ bất cứ điều gì ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Jokowi cũng đang thực hiện một cam kết khác. Nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ tập trung vào giáo dục để củng cố nguồn nhân lực đất nước. Theo hiến pháp Indonesia, 1/5 ngân sách của chính phủ trung ương phải dành riêng cho giáo dục. Nhưng ngân sách dành cho giáo dục hiện nay đang giảm so với năm trước, chỉ tăng 2,7% lên 50.800 tỷ rupiah (35,5 tỷ USD).

Tác động bất lợi

Tuy nhiên, “đầu tư” là từ ngữ gây chia rẽ ở Indonesia. Đối với những nhà bảo vệ môi trường và những người không có nhiều vốn ở một quốc gia có một nửa dân số không có tài khoản ngân hàng, thì đó là một từ ngữ gợi nhớ đến các ngành công nghiệp khai thác mà các chính phủ trước đây, kể từ thời cựu Tổng thống Suharto, phụ thuộc vào để tăng trưởng và tài trợ cho chiến dịch tranh cử.

Các doanh nghiệp, được thúc đẩy bởi các diễn ngôn về sự phát triển, đã khai thác 17.000 hòn đảo của Indonesia đưa nước này trở thành nhà sản xuất hàng đầu của nhiều loại khoáng sản và cây trồng quan trọng nhất thế giới. Nhận thấy mối đe dọa vấn đề này có khả năng quay trở lại, một số người đã gọi những kế hoạch mà ông Jokowi đưa ra tương tự như chính sách của Tổng thống Brazil Jair Bolsanaro, về việc phá bỏ rừng nhiệt đới Amazon để ủng hộ các doanh nghiệp khai thác gỗ. Đối với một số người, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, kế hoạch của Tổng thống Jokowi khiến họ thở phào nhẹ nhõm. Động thái này báo hiệu một bước ngoặt lịch sử có lợi cho họ. Tuy nhiên, đối với những người khác, việc mở rộng vòng tay thu hút đầu tư không phải là một sự đảm bảo về tăng trưởng việc làm. Thay vào đó, nó báo trước một xu hướng định giá lợi ích đầu tư hơn là mối quan tâm đối với môi trường và sự bất bình đẳng.

Bất chấp điều đó, ông Jokowi cho thấy các dấu hiệu sẽ nới lỏng các hạn chế lao động và giảm thuế doanh nghiệp, để thu hút các chủ sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra, tiền đầu tư đổ vào đất nước đã không mang lại cải thiện đáng kể. Trang mạng tin tức Indonesia tirto.id tính toán, khi đầu tư nước ngoài bằng một nửa so với hiện tại, nó đã tạo ra gấp đôi số lượng việc làm. Nếu số tiền đầu tư lớn hơn, sự tăng trưởng là không đáng kể.

Theo bảng xếp hạng Kinh doanh dễ dàng của Ngân hàng Thế giới, Indonesia xếp thứ 73 trong số 190 quốc gia được đánh giá. Trong khi đó, Malaysia xếp thứ 15, Thái Lan thứ 27. Rahmanda Muhammad Thaariq, nhà nghiên cứu tổ chức nghiên cứu phúc lợi phi chính phủ Indonesia Prakarsa, cho rằng, việc cải thiện thứ hạng phụ thuộc vào môi trường đầu tư, chứ không phải là cần có nhiều tiền hơn.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_212066_tong-thong-jokowi-va-bai-toan-kinh-te-cho-indonesia.aspx