Tổng thống Joe Biden đọc diễn văn trước Nghị viện Mỹ: Tập trung đối nội, hàm ý đối ngoại

Ngày 29/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn đầu tiên trước Nghị viện, hay còn gọi là Thông điệp Liên bang, vào dịp gần kết thúc 100 ngày đầu của chính quyền mới. Diễn văn tập trung chủ yếu vào các vấn đề đối nội nhưng vẫn hàm chứa những nội dung đối ngoại quan trọng.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp bên cạnh 2 người phụ nữ: Phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. (Nguồn: CNN)

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp bên cạnh 2 người phụ nữ: Phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. (Nguồn: CNN)

Những ưu tiên đối ngoại

Diễn văn của Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định cách tiếp cận mang tính cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Tổng thống Biden phát biểu rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, qua các trao đổi với Mỹ, tỏ ra "thực sự nghiêm túc" về mục tiêu trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Ông Tập Cận Bình và nhiều lãnh đạo khác nghĩ rằng, các nền dân chủ sẽ yếu thế hơn vì phải mất nhiều thời gian hơn để đưa ra quyết định. Do đó, Mỹ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn trước với Trung Quốc và các nước để chiến thắng trong thế kỷ XXI.

Về tầm nhìn trong khu vực, ông chủ Nhà Trắng chỉ nhắc đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương một lần, khẳng định Washington sẽ duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ tại đây để ngăn chặn xung đột, như Mỹ đã làm với NATO tại châu Âu.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo 78 tuổi tuyên bố, Mỹ không muốn leo thang căng thẳng với Nga và sẽ hợp tác trong những vấn đề 2 bên có lợi ích chung như Hiệp ước New START hay biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với đồng minh và thông qua công cụ ngoại giao để đối phó với thách thức từ Iran và Bắc Triều Tiên, cũng như các khủng hoảng khác như khủng bố, làn sóng di cư hay an ninh mạng…

Cường quốc hàng đầu thế giới cũng cam kết chấm dứt can dự tại Afghanistan. Ông Biden cũng tiết lộ trong vòng 40 năm, ông là Tổng thống đầu tiên có con tham gia chiến trận.

Đối ngoại, đối nội song hành

Nhìn chung, bài diễn văn của Tổng thống Joe Biden không đề cập quá nhiều về đối ngoại.

Một điểm đáng chú ý là ông Biden nhấn mạnh mối liên hệ giữa đối ngoại và đối nội khi khẳng định, chính sách đối ngoại phải phục vụ lợi ích của tầng lớp trung lưu.

Nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng khẳng định, để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và các nước trong tương lai, Washington phải đầu tư vào các gia đình và lớp trẻ trong nước.

Mối liên hệ này không quá bất ngờ vì hai lý do.

Thứ nhất, các Thông điệp Liên bang chủ yếu hướng tới đối tượng người dân trong nước.

Thứ hai, ông Biden có thể muốn giành ủng hộ từ những người đã từng cổ vũ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” từ thời ông Trump tiền nhiệm.

Về mặt đối nội, diễn văn mở đầu bằng các nỗ lực và thành tích chống dịch Covid-19 của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Sau đó, ông Biden nhấn mạnh một số nội dung như: (i) tăng mức lương tối thiểu cho người dân lên 15 USD/giờ; (ii) lên kế hoạch đánh thuế vào tầng lớp siêu giàu tại Mỹ, bao gồm các triệu phú và tỉ phú; (iii) tăng cường kiểm soát súng; (iii) cải tổ lực lượng cảnh sát và chống phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống; (iv) bảo vệ các nhóm thiểu số như LGBTQ, người châu Á; (v) đảm bảo bình đằng giới...

Hai kế hoạch nổi bật được Tổng thống Biden công bố là Kế hoạch Việc làm Mỹ và Kế hoạch Gia đình Mỹ với nhiều lợi ích cho người dân có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.

Các chính sách này cho thấy, ông chủ Nhà Trắng có vẻ như chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng của phe cấp tiến trong Đảng Dân chủ - phe được cho là mang chút màu sắc xã hội chủ nghĩa, gồm những nghị sĩ có tầm ảnh hưởng lớn với người trẻ tuổi như Bernie Sanders, Alexandria Ocasio-Cortez hay Ilhan Omar.

Tuy nhiên, một số đề xuất của nhóm cấp tiến chưa nhận được tín hiệu ủng hộ từ chính quyền này, ví dụ như cắt giảm chi tiêu quốc phòng, xóa bỏ nợ cho sinh viên, giáo dục đại học miễn phí hay phổ cập bảo hiểm y tế cho toàn dân…

Một điều thú vị rằng, đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đọc Thông điệp bên cạnh 2 người phụ nữ: Phó Tổng thống Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Rõ ràng, nước Mỹ đang đứng trước nhiều thay đổi, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Giai đoạn 100 ngày mới là bước khởi đầu.

Cộng đồng quốc tế sẽ còn tiếp tục theo dõi xem những chính sách này sẽ được chính quyền ông Biden điều chỉnh và triển khai thế nào trong thời gian tới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-joe-biden-doc-dien-van-truoc-nghi-vien-my-tap-trung-doi-noi-ham-y-doi-ngoai-143776.html