Tổng thống Indonesia thăm Trung Quốc: Thân thiết trong thận trọng

Quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Indonesia và Trung Quốc ngày một khăng khít vẫn chưa thể khiến hai bên bớt thận trọng trong các vấn đề cốt lõi.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo là lãnh đạo cấp cao hiếm hoi thăm Bắc Kinh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. (Nguồn: Phủ Tổng thống Indonesia)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo là lãnh đạo cấp cao hiếm hoi thăm Bắc Kinh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. (Nguồn: Phủ Tổng thống Indonesia)

Ngày 26-28/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã khởi động chuyến thăm Đông Bắc Á, với Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên.

Nhận định về sự kiện này, học giả David Engel, người đứng đầu chương trình Indonesia của Viện Nghiên cứu Chiến lược và chính sách Australia (ASPI) cho rằng ba mục tiêu lớn của Tổng thống Joko Widodo tại Đông Bắc Á lần này là thương mại, đầu tư và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali giữa tháng 11 tới. Liệu những gì diễn ra trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ năm có thỏa lòng mong đợi của nhà lãnh đạo Indonesia?

Hợp tác khăng khít

Tổng thống Joko Widodo trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Bắc Kinh kể từ Thế vận hội mùa Đông vào tháng 2/2022. Ngày 26/7, ông Joko Widodo đã gặp cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Về hợp tác thương mại-đầu tư, ông Joko Widodo đã không phải thất vọng. Hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh và tiến trình xây dựng Kế hoạch hành động năm năm tiếp theo, nhằm thực hiện quan hệ Đối tác toàn diện chiến lược Trung Quốc-Indonesia, giai đoạn 2022-2025.

Theo hãng thông tấn chính thức Antara, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (KKP) và Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã nhất trí tiếp tục hợp tác hàng hải nhằm thúc đẩy kinh tế hai nước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, kim ngạch thương mại song phương đạt 110 tỷ USD năm 2021, đưa Bắc Kinh trở thành đối tác lớn nhất của xứ vạn đảo. Indonesia cũng đang có thặng dư thương mại hơn 1 tỷ USD với Trung Quốc, chủ yếu đến từ xuất khẩu than đá, hợp kim sắt, niken, đồng và khí đốt tự nhiên.

Trung Quốc tiếp tục nằm trong số ba nhà đầu tư lớn nhất tại Indonesia và trong nửa đầu năm 2022, nước này chiếm 1,7/15,65 tỷ USD vốn FDI ở xứ vạn đảo. Phần lớn các khoản đầu tư tập trung vào nhiều lĩnh vực then chốt của Indonesia như khai khoáng, luyện kim, giao thông, viễn thông và cơ sở hạ tầng. Giới đầu tư Trung Quốc cũng đặc biệt hứng thú với công nghiệp xử lý quặng của xứ vạn đảo, ngành các công ty nước này đang chiếm ưu thế.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 26/7 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Thận trọng vẫn còn

Tuy nhiên, hợp tác Indonesia-Trung Quốc không phải con đường trải đầy hoa hồng. Dù được ông Widodo coi là “cột mốc trong quan hệ hữu nghị song phương” khi phát biểu ngày 26/7, song dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung đã nhiều lần bị trì hoãn và đội giá, buộc Indonesia thúc giục Trung Quốc cùng tháo gỡ.

Đề cập vấn đề này, Chủ tịch Tập Cận Bình mong rằng các dự án hợp tác song phương, bao gồm dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, sẽ tiến triển thuận lợi. Tuy nhiên, khó biết liệu dự án này có đạt tiến độ để chạy thử nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh G20 không dù nếu thành hiện thực, nó có thể mang tới lợi ích cho đôi bên – nhấn mạnh thành tựu phát triển của Indonesia và khẳng định vị thế Trung Quốc là đối tác tin cậy, với công nghệ tiên tiên, hiện đại.

Tương tự là câu chuyện G20. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: “Trung Quốc rất ủng hộ cương vị Chủ tịch G20 của Indonesia và hy vọng Indonesia sẽ tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20”. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình lại chưa xác nhận tham dự hội nghị vào tháng 11 tới. Câu trả lời cho thấy sự thận trọng của Bắc Kinh, trước tình hình dịch bệnh trong nước, diễn biến khu vực, thế giới phức tạp và Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 với ý nghĩa lịch sử đang đến gần.

Về phía mình, ông Joko Widodo muốn câu trả lời chắc chắn hơn, nhất là với quan hệ gần gũi cũng như các thành công ngoại giao tại Kiev và Moscow hồi tháng 6.

Ngoài ra, có ba vấn đề khác đáng chú ý nhưng không xuất hiện trong các tuyên bố chung của hai bên.

Đầu tiên, Indonesia mong Trung Quốc ủng hộ Quỹ trung gian tài chính (FIF) do nước này khởi xướng, nằm dưới “sự điều hành của Ngân hàng Thế giới”.

Dù ông Joko Widodo không hào hứng với AUKUS, song Indonesia nhiều khả năng tiếp tục thận trọng để tránh bị coi là ủng hộ Trung Quốc và phản đối Australia, một đối tác lớn khác của nước này.

Đổi lại, Trung Quốc muốn có thêm sự ủng hộ khi nước này đưa hiệp ước AUKUS ra thảo luận tại cuộc gặp về không phổ biến vũ khí hạt nhân tuần tới. Dù ông Widodo không hào hứng với AUKUS, song Indonesia nhiều khả năng tiếp tục thận trọng trong việc thể hiện quan điểm của mình.

Cuối cùng, câu chuyện Biển Đông không được đề cập trong tuyên bố của các bên. Tuy nhiên, vấn đề này lại xuất hiện khi Tổng thống Indonesia gặp Thủ tướng Nhật Bản chưa đầy một ngày sau đó. Thực tế này cho thấy Indonesia và Trung Quốc vẫn còn khác biệt, song không muốn vấn đề Biển Đông cản trở đà phát triển về tổng thể của mối quan hệ, vốn đang mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Như vậy, dù hợp tác thương mại-đầu tư ngày một sâu sắc, song Indonesia và Trung Quốc vẫn còn một số khác biệt. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Tổng thống Joko Widodo sẽ là khởi đầu tốt để hai bên tích cực hợp tác, thu hẹp khoảng cách để “cùng thắng”.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-indonesia-tham-trung-quoc-than-thiet-trong-than-trong-192251.html