Tổng thống Erdogan chấp nhận 'uống thuốc đắng' để giải quyết khủng hoảng?

Sự sụt giảm 'thê thảm' của đồng lira do các lệnh trừng phạt của Mỹ đã buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phải đương đầu với thách thức kinh tế lớn nhất trong 15 năm cầm quyền của mình.

Đồng lira tại một cửa hàng đổi tiền ở Istanbul. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng lira gần đây đã hồi phục phần nào khi rời khỏi các mức thấp (trên 7 lira đổi 1 USD) được ghi nhận trước đó để khép lại tuần giao dịch vừa qua ở mức trên 6 lira đổi 1 USD, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với hồi đầu tháng.

Mới đây, hai cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard and Poor's (S&P) và Moody's đã đồng loạt hạ bậc xếp hạng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng Thổ Nhĩ kỳ cần khẩn cấp giải quyết những sự mất cân bằng trong nền kinh tế và tránh một cuộc khủng khoảng toàn diện, đồng thời nước này cũng phải hành động để ngăn chặn các rủi ro lan ra cả châu Âu và thậm chí là các nền kinh tế trên toàn cầu.

Ngày 20/8, Tổng thống Tayyip Erdogan xem cuộc tấn công vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không khác gì cuộc tấn công vào đất nước và người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bài phát biểu được thu âm sẵn trước thềm dịp lễ Eid al-Adha kéo dài 4 ngày của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 21/8, Tổng thống Erdogan cáo buộc việc đồng lira giảm giá là do các tổ chức tài chính và xếp hạng tín nhiệm phương Tây. Theo ông, mục tiêu của cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay là khiến “Thổ Nhĩ Kỳ và người dân nước này phải đầu hàng”, song Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh và năng lực để vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Tổng thống Erdogan có trong tay một số cơ chế để giải quyết tình hình hiện tại, nhưng chúng cũng có thể là một “liều thuốc đắng” đối với nhà lãnh đạo này.

Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, giới chuyên gia kinh tế đã hối thúc nước này tăng mạnh lãi suất để hỗ trợ đồng lira và kìm hãm lạm phát. Nhưng Tổng thống Erdogan, người xem việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu, đã nhất mực khước từ và giới chuyên gia lo ngại rằng Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ chỉ độc lập trên danh nghĩa, còn thực tế đang nằm dưới tầm kiểm soát chặt của vị tổng thống này. Và khi bị “trói” quyền nâng lãi suất, việc mà Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm là cung cấp cho các ngân hàng nhiều thanh khoản hơn và âm thầm dùng một cơ chế cho phép lãi suất thực tế tăng mỗi ngày.

Tuy nhiên, ông William Jackson, kinh tế gia trưởng của Capital Economics, cho rằng các nhà hoạch định chính sách Thổ Nhĩ kỳ dường như chỉ thực hiện những biện pháp tối thiểu được cho là cần thiết mà thôi.

Các thị trường tài chính cũng tỏ ra nghi ngại về khả năng giải quyết tình hình khủng hoảng hiện tại của Tổng thống Erdogan, đặc biệt là sau khi ông chỉ định con rể của mình là ông Berat Albayrak làm Bộ trưởng Tài chính hồi tháng trước. Những suy nghĩ khác thường của ông Erdogan cũng không giúp ích được gì, khi vị tổng thống này hết lần này đến lần khác gây hoang mang cho các thị trường khi nói rằng lãi suất thấp là cần thiết để giảm lạm phát.

Moody's cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ thiếu một kế hoạch “rõ ràng và khả thi” để giải quyết những thách thức, trong khi S&P nhận định rằng những biện pháp ứng phó của Ankara cho đến nay vẫn còn “hạn chế” dù các rủi ro đang ngày càng gia tăng.

Bộ trưởng Albayrak mới đây nói rằng giảm lạm phát là một ưu tiên đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều mà các thị trường cần là hành động thực tế chứ không phải chỉ là lời nói.

Ông Mujtaba Rahman, Giám đốc quản lý thị trường châu Âu của Eurasia Group, cho rằng khủng hoảng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ còn lâu mới kết thúc, đồng thời kêu gọi Ankara phải có một chương trình củng cố tài khóa và cải cách kinh tế khả thi.

Giới chuyên gia kinh tế lâu nay vẫn cảnh báo rằng lạm phát cao, thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng mở rộng và lĩnh vực ngân hàng dễ bị tổn thương là những yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện tại lại bắt nguồn từ việc Ankara bắt giam mục sư người Mỹ Andrew Brunson gần hai năm và những lệnh trừng phạt kéo theo đó từ Washington làm đồng lira “rơi tự do”. Vì vậy, một biện pháp để thoát khỏi khủng hoảng ngay lập tức là phóng thích ông Brunson.

Nhưng không dễ để thực hiện việc đó, khi Thổ Nhĩ Kỳ luôn lớn tiếng khẳng định quyền độc lập của bộ máy tư pháp nước này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáp trả thông qua các lệnh trừng phạt đối với các hàng hóa của Mỹ. Hiện căng thẳng giữa hai bên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Một cách khác là xoa dịu căng thẳng với châu Âu vốn gia tăng kể từ cuộc đảo chính bất thành năm 2016, và thay vào đó là tập trung vào tiếng nói chung trong việc phản đối những biện pháp thương mại đơn phương của Washington.

Ankara hồi tuần trước đã bất ngờ thả hai binh lính Hy Lạp bị giam giữ khoảng 6 tháng qua và Giám đốc Tổ chức ân xá quốc tế phụ trách Thổ Nhĩ Kỳ sau hơn 1 năm giam giữ. Những động thái “không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên” này sẽ làm hài lòng Brussels.

Trong tình thế hiện thời, một hướng đi đúng theo logic đối với nhiều nước là “kêu cứu” Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhưng sẽ khó có chuyện Washington dễ dàng như thế. Ông Albayrak mới đây cho biết nước này chưa hề liên hệ với IMF để xin cứu trợ tài chính và thay vào đó, Ankara sẽ thu hút đầu tư trực tiếp.

Sau cuộc gặp mới đây với Quốc vương Qatar, ông Erdogan đã có được lời cam kết đầu tư khoảng 15 tỷ USD từ quốc gia giàu khí đốt này. Tuy nhiên, theo chuyên gia Holger Schmieding của Ngân hàng Berenberg Bank, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ - đứng thứ 17 trên thế giới - rất khó có thể giữ để không vướng vào nợ nần chỉ với những khoản đầu tư nước ngoài tương đối nhỏ như vậy.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong ngắn hạn, hướng đi khả dĩ nhất với Thổ Nhĩ Kỳ là cố gắng vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại mà không phải tính đến việc nâng lãi suất, nhượng bộ về chính trị hay cải cách kinh tế.

Những nỗ lực bình ổn đồng lira hồi tuần trước của ngân hàng trung ương nước này cho thấy Ankara đang thử các biện pháp quản lý vi mô để đối phó với khủng hoảng, thay vì tìm kiếm những giải pháp toàn diện hơn.

Chuyên gia Jackson của Capital Economics cho rằng các nhà hoạch định chính sách Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gắng gượng với cách thức khác thường như vậy càng lâu càng tốt, và dự đoán đồng lira sẽ giảm hơn nữa từ năm 2019 trở đi.

Khánh Ly (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tong-thong-erdogan-chap-nhan-uong-thuoc-dang-de-giai-quyet-khung-hoang-20180820184758270.htm