Tổng thống Brazil thăm Mỹ: Thấy gì từ 'mối quan hệ đồng minh mới chớm nở'?

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm 17/3 đến thủ đô Washington, bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Donald Trump. Chuyến đi được xem là nhằm củng cố 'mối quan hệ đồng minh vừa mới chớm nở' giữa hai nhà lãnh đạo theo đường lối dân túy, cũng như nhằm gia tăng sức ép với chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Tháp tùng ông Bolsonaro có 6 Bộ trưởng, trong đó có Ngoại trưởng Emesto Araujo, Bộ trưởng Kinh tế Paulo Guedes và Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro. Đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Bolsonaro kể từ khi nhậm chức hôm 1/1 vừa qua.

Ông Jair Bolsonaro, tân tổng thống Brazil. (Nguồn: Reuters)

Hợp tác kinh tế chặt chẽ

Kể từ sau khi đắc cử, chính trị gia cực hữu này đã đón tiếp Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham dự lễ nhậm chức của ông vào ngày 1/1/2019.

Đầu tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Brazil Ernesto Aráujo đã gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Washington, và vào cuối tháng 2, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Tây Bán Cầu của Mỹ Kimberly Breier đã tới thủ đô Brasilia để gặp mặt đại diện xã hội dân sự và quan chức của chính phủ mới.

Theo một thông cáo chính thức của Nhà Trắng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Bolsonaro với người đồng cấp Mỹ Donald Trump vào ngày 19/3 tới sẽ tập trung vào các yếu tố để xây dựng một “Tây Bán Cầu thịnh vượng, an toàn và dân chủ hơn”. Nói cách khác, các đề tài cụ thể sẽ là thương mại song phương, hợp tác quân sự và “khôi phục dân chủ” tại Venezuela.

Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Chính phủ mới của Brazil đã có bước tiến trong thỏa thuận tạo ra một công ty liên doanh giữa 2 tập đoàn sản xuất máy bay Boeing (của Mỹ) và Embraer (của Brazil), có giá trị lên tới hơn 4,7 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp khổng lồ của Mỹ có trụ sở tại Chicago sẽ chiếm tới 80% cổ phần. Tới tháng 2/2019, dự án sáp nhập này đã được các cổ đông của Embraer thông qua.

Các chuyên gia cho rằng, chương trình nghị sự thương mại song phương sắp tới giữa hai tổng thống, cần nhấn mạnh mối quan tâm của Mỹ trong việc mở cửa ngành dầu khí của Brazil sau khi lật đổ cựu Tổng thống cánh tả Dilma Rousseff. Kể từ sau cột mốc đó, đa phần các công ty dầu khí thắng thầu tại Brazil là các doanh nghiệp Mỹ, điển hình như Exxon đã giành được khu Uirapuru, với tổng diện tích được quyền thăm dò và khai thác lên tới 8.903km2, trong khi một liên doanh giữa Petrobras, Chevron và Shell thắng thầu phân khu Tres Marias, còn phân khu Dois Irmão thì thuộc về liên doanh Petrobras, Equinor (trước là Staoil) và BP.

Tổng thống Bolsonaro từng bày tỏ quan điểm tiếp tục chính sách mở cửa năng lượng, trong đó các doanh nghiệp Mỹ sẽ được hưởng lợi. Bằng chứng cho xu hướng này là việc Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Brazil Bento Albuquerque cũng vừa ghé thăm Washington để thảo luận về đề tài này trong một sự kiện do Viện Brazil của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Wilson tổ chức, nơi quan chức này đã trình bày về chiến lược quản lý việc khai thác các mỏ dầu dưới sâu ở lớp tiền muối. Ông khẳng định rằng các nhà đầu tư giờ đây hoàn toàn minh bạch về nghị trình trong các lĩnh vực năng lượng điện, dầu mỏ, khí đốt và nhiên liệu sinh học của Brazil. Thậm chí, Bộ trưởng Albuquerque còn công bố trước rằng các phòng đấu thầu nhượng quyền khai thác lần thứ 16 sẽ diễn ra vào tháng 10 và vòng phân chia khu vực khai thác lớp tiền muối thứ 7 sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm sắp tới, Trung tâm Wilson cũng sẽ tổ chức một hội thảo mang tên “Những tác động từ chuyến thăm Washington của Tổng thống Bolsonaro và triển vọng cải cách kinh tế”, với sự hiện diện của thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Hội đồng châu Mỹ và các hãng tư vấn tài chính. Theo cơ sở nghiên cứu chiến lược này, lĩnh vực hứa hẹn nhất trong đối thoại song phương bao gồm cả triển vọng về lượng đầu tư lớn hơn của Mỹ vào Brazil - “phụ thuộc phần lớn vào khả năng của Chính phủ mới trong việc thực thi những cải cách rất cần thiết cho nền kinh tế, đặc biệt trong việc thông qua một cuộc cải cách có ý nghĩa về lương hưu tại Quốc hội Brazil”.

Ông Jair Bolsonaro có những quan điểm tương đồng với Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Hợp tác quốc phòng rộng mở

Về quốc phòng, Brazil hiện là đối tác thương mại thứ hai tại Mỹ Latinh của nền công nghiệp quân sự Mỹ. Các mối quan hệ song phương về quốc phòng và an ninh, tồn tại từ nhiều thập kỷ qua, đã được thắt chặt trong thời kỳ của chính phủ đảo chính của cựu Tổng thống Michel Temer với việc tạo ra các cơ chế như Diễn đàn An ninh thường trực Brazil-Mỹ, Đối thoại về Công nghiệp Quốc phòng Brazil-Mỹ và việc ký kết các hiệp ước khoa học-công nghệ như Thỏa thuận Trao đổi thông tin về Nghiên cứu và Phát triển.

Cần nhắc lại rằng, trước chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tới Brazil vào tháng 7/2018, Chính phủ Brazil đã thúc đẩy thỏa thuận khung trong lĩnh vực không gian, cho phép việc sử dụng chung căn cứ phóng vệ tinh Alcántara tại bang Maranhão. Nhiều khả năng trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Bolsonaro sắp tới, hai bên sẽ công bố những bước tiến đáng kể trong cuộc thương lượng này. Những thỏa thuận này đặt hai quốc gia lớn của châu Mỹ vào một nghị trình chung, điều mà về mặt địa chính trị sẽ gây ra những quan ngại lớn hơn về khả năng quân sự hóa tại châu lục này và sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ tại Brazil.

Một Tây Bán Cầu “thịnh vượng, an toàn và dân chủ”

Một trong những đề tài then chốt trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Bolsonaro sắp tới là Venezuela và việc xây dựng một Tây Bán Cầu “thịnh vượng, an toàn và dân chủ” hơn.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh gần nhất của Nhóm Lima (gồm Canada và 13 quốc gia Mỹ Latinh, trừ Mexico), Phó tổng thống Brazil Hamilton Mourao đã phát biểu rằng: “Có thể trả lại nền dân chủ tại Venezuela mà không cần một biện pháp cực đoan khiến chúng ta bị nhầm lẫn với những kẻ xâm phạm chủ quyền quốc gia”. Tuyên bố này được cho là đã vượt ra khỏi quỹ đạo mang tính can thiệp của các thành viên khác trong Nhóm Lima- đặc biệt là Mỹ, và do đó, trong cuộc họp sắp tới, rất có thể Brazil và Mỹ sẽ ra một tuyên bố chung cũng như đặt ra những định hướng để tiếp tục chiến lược đưa “viện trợ nhân đạo” qua biên giới Venezuela.

Tóm lại, lịch trình của chuyến công du “mở hàng” này sẽ cho thấy những định hướng của quốc gia lớn nhất Nam Mỹ như mở cửa cho việc tiếp cận khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hợp tác về an ninh theo mô hình Tây Bán Cầu, và định hướng chính sách đối với Venezuela tại khu vực.

Thu Hiền

(theo Celag.org)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tong-thong-brazil-tham-my-thay-gi-tu-moi-quan-he-dong-minh-moi-chom-no-89923.html