Tổng thống Biden đã quên mất Trung Quốc?

Dù đã tiến hành điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, nhưng Tổng thống Biden vẫn chưa liên lạc với ông Tập Cận Bình.

Hôm 2/2, chính quyền của Tổng thống Joe Biden có tuyên bố ám chỉ Mỹ không vội vàng đàm phán với Trung Quốc trong quá trình "bước sát" các đồng minh và đối tác của Washington.

Tổng thống Biden đã tiến hành điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo thế giới kể từ khi ông chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng sau lễ nhậm chức vào ngày 20/1. Nhưng cho tới nay, ông Biden vẫn chưa liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc là nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden trong một cuộc gặp gỡ. (Ảnh: Reuters)

Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden trong một cuộc gặp gỡ. (Ảnh: Reuters)

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng, bà không thể xác nhận khi nào cuộc nói chuyện giữa ông Biden và ông Tập sẽ được thực hiện.

Theo bà Psaki và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, “cần có thêm các tầng lớp" để đàm phán với Trung Quốc. Cũng theo bà Psaki và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, đàm phán với các đồng minh và đối tác của Mỹ cần thực hiện trước.

Ông Price nhấn mạnh thêm, các đồng minh và đối tác của Mỹ đang đối mặt với hàng loạt thức thách bao gồm mối quan hệ với Bắc Kinh.

“Do đó, ban đầu chúng tôi muốn chắc chắn chúng tôi sát bước với các đồng minh và đối tác, sau đó sẽ đàm phán một số lĩnh vực với Trung Quốc”, ông Price nói.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gừi lời chúc mừng sau khi ông Biden được xác nhận chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 trước đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, trong quá trình tranh cử, ông Biden từng nhấn mạnh sẽ dẫn dắt nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm gây “sức ép, cô lập và trừng phạt Trung Quốc”.

Về phần mình, Thư ký Nhà Trắng Psaki từ chối trả lời câu hỏi phía Trung Quốc đã yêu cầu được nói chuyện với ông Biden hay chưa.

Cho tới nay, chính quyền của Tổng thống Biden vẫn chưa hoàn thiện các chiến lược để đối phó với Trung Quốc, quốc gia đang là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Nhiều khả năng, ông Biden sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn với Trung Quốc giống như chính quyền của cựu Tổng thống Trump từng thi hành.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định mối quan hệ Mỹ - Trung đóng vai trò quan trọng nhất mà Washington có trên thế giới. Trong một cuộc họp báo, bà Psaki cũng cho hay, “Dĩ nhiên, mối quan hệ với Trung Quốc sẽ được tiến hành trên nhiều tầng lớp, chúng tôi sẽ đàm phán về khí hậu, kinh tế và an ninh”.

Cũng trong ngày 2/2, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh và Washington đưa mối quan hệ hai nước về con đường mang tính xây dựng và đoán trước được. Quan chức Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ nên dừng can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc liên quan tới các vấn đề như Hong Kong và Tây Tạng.

Ông Dương trở thành quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc nói về mối quan hệ Mỹ - Trung, kể từ khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46 vào ngày 20/1.

Dù tái khẳng định Trung Quốc không có ý định thách thức hay thay thế vị trí của Mỹ trên thế giới, ông Dương nhấn mạnh không có lực lượng nào có thể kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.

“Mỹ nên dừng can thiệp vào vấn đề Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương và các vấn đề liên quan tới chủ quyền và quyền hợp nhất lãnh thổ của Trung Quốc”, ông Dương cho biết đây chính là những vấn đề liên quan tới các lợi ích cốt lõi và danh tiếng quốc gia của Trung Quốc.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/biden-da-quen-mat-trung-quoc-276501.html