Tổng thống Ấn Độ dừng chân ở Đà Nẵng trong chuyến thăm chính thức Việt Nam

Sáng ngày 19/11, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân đã ghé thăm Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng), di tích Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Đây là hoạt động trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Được biết, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng cùng Học viện Bảo tàng quốc gia về lịch sử nghệ thuật, bảo tồn và bảo tàng học Ấn Độ, Bảo tàng quốc gia Ấn Độ đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu biên soạn sách giới thiệu mối quan hệ giữa nghệ thuật điêu khắc Chăm và nghệ thuật Ấn Độ. Các pho tượng cổ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm cùng với những đền đài được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới tại thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) được coi là chứng tích ghi nhận mối liên hệ gắn kết văn minh, có nhiều nét tương đồng văn hóa nghệ thuật giữa hai dân tộc

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân đã ghé thăm Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng)

Trước đó, chiều ngày 18/11, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân đã xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, chọn đây là chặng dừng chân đầu tiên. Tại sân bay quốc tế Đà Nẵng đón Tổng thống Ấn Độ và phu nhân có ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng nhiều lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước và Bộ Ngoại giao.

Ấn Độ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/1/1972, năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại New Delhi. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược” vào tháng 9/2007 và nâng cấp lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9/2016, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Trong Năm Hữu nghị 2017, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược, phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ song phương.

Trước đó, Ấn Độ luôn tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này.. Hiện nay, hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm; Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đối với Ấn Độ, Việt Nam đóng vai trò trong chính sách hướng Đông và là đối tác tin cậy trong các nước ASEAN. Trong khi đó Việt Nam luôn xem Ân Độ là người bạn đáng tin cậy, ủng hộ vai trò nổi bật hơn của Ấn Độ trong ASEAN.

Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng thống Ram Nath Kovind được coi là sẽ tạo thêm một động lực mới cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nhà nước với quyết tâm đưa mối quan hệ song phương ngày càng thực chất và hiệu quả.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đón tiếp Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind

Hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược. Hợp tác quốc phòng mở rộng trong cả 3 quân binh chủng hải, lục, không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng. Hai nước cũng tăng cường tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, khoa học hình sự, phòng chống ma túy, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, chống khủng bố.

Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bình quân 16%/ năm trong giai đoạn 2008-2013. Tính đến hết tháng 5/2018, tổng vốn đăng ký đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt 816 triệu USD, với 182 dự án đầu tư, đứng thứ 28/126 quốc gia/ vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Ấn Độ hỗ trợ phát triển không hoàn lại (ODA) và các khoản tín dụng ưu đãi cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh…thông qua nhiều học bổng ngắn hạn và dài hạn. Ấn Độ đã thành lập Trung tâm đào tạo nguồn lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông tại Hà Nội, Trung tâm tiếng Anh tại Đà Nẵng.

Hợp tác văn hóa- giáo dục có sự phát triển lâu dài với việc thành lập Trung tâm Văn hóa Ấn Độ và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Hà Nội (2016) và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi (3/2018). Những năm gần đây, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đã có mức tăng ấn tượng, trung bình 17% năm trong giai đoạn 2010- 2016.

Hàng năm, thông qua Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Chính phủ Ấn Độ dành các suất học bổng trên nhiều lĩnh vực như đào tạo tiếng Anh ngắn hạn, công nghệ thông tin, môi trường, khoa học... trong Chương trình Hợp tác Kinh tế - Kỹ thuật Quốc tế (ITEC) cho cán bộ TP. Đà Nẵng. Trong thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại Đà Nẵng.

Tối 18/11, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đã long trọng tổ chức nghi lễ đón tiếp, tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng thống Ấn Độ và phu nhân tại Cung Hội nghị quốc tế Furama Resort Đà Nẵng. Tại buổi tiếp kiến, ngài Tổng thống Ram Nath Kovind cho biết rất ấn tượng với sự xinh đẹp và phát triển nhanh chóng của thành phố Đà Nẵng.

Với riêng Đà Nẵng, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Ấn Độ năm 2017 ước đạt 1,7 triệu USD, tăng 10% so với năm 2016; 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,5 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến tháng 9/2018 có 02 dự án FDI của Ấn Độ đăng ký đầu tư tại Đà Nẵng với tổng số vốn đầu tư 13,5 triệu USD.

Cùng với đó, những năm qua, thành phố Đà Nẵng là địa phương đã vinh dự đón nhận nhiều chương trình hợp tác hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ như học bổng đào tạo tiếng Anh, công nghệ thông tin, môi trường, khoa học…Thành phố đã đón nhiều đoàn thị trưởng thành phố, các hiệp hội và tàu hải quân từ Ấn Độ đến thăm và làm việc và phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại Đà Nẵng. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giáo dục giữa Chính phủ hai nước, năm 2007, dự án ODA về thành lập Trung tâm đào tạo tiếng Anh Việt Nam-Ấn Độ thành phố Đà Nẵng đã được triển khai thực hiện từ năm 2009.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tong-thong-an-do-dung-chan-o-da-nang-trong-chuyen-tham-chinh-thuc-viet-nam-111971.html