Tổng thầu Trung Quốc nói đường sắt Cát Linh- Hà Đông có thể chạy trong năm 2020

Theo Tổng thầu Trung Quốc, nếu mọi việc diễn ra theo đúng dự kiến, đến cuối 2020, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông sẽ đủ điều kiện đưa vào khai thác thương mại.

Đại diện Tổng thầu Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho biết, 31 nhân sự người Trung Quốc sang Việt Nam đã hết thời gian cách ly và tiếp tục bám sát công việc.

Trong số này, có 12 người đang phối hợp với chủ đầu tư tiến hành các thủ tục nghiệm thu, số còn lại tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống thiết bị trên toàn tuyến. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng dự kiến đến cuối 2020, dự án sẽ đủ điều kiện đưa vào khai thác thương mại.

Theo ông Đường Hồng, Giám đốc Tổng thầu Trung Quốc,dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho biết, hiện nay, tổng thầu đang phối hợp với Chủ đầu tư (Ban quản lý Dự án đường sắt- Bộ GTVT) nghiệm thu các hạng mục công trình dự án.

Tổng thầu Trung Quốc cho biết, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông có thể vận hành thương mại vào cuối năm nay nếu thuận lợi

Tổng thầu Trung Quốc cho biết, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông có thể vận hành thương mại vào cuối năm nay nếu thuận lợi

Theo yêu cầu của chủ đầu tư, công tác nghiệm thu phải hoàn thành trong tháng 7 này, sau khi hoàn thành hồ sơ thanh toán, làm thủ tục quyết toán dự án sẽ đưa vào chạy thử 20 ngày.

Sau đó, chủ đầu tư sẽ mời Hội đồng Nghiệm thu nhà nước vào nghiệm thu công trình và bàn giao cho Metro Hà Nội.

Tuy nhiên, theo ông Đường Hồng, mốc thời gian chạy thử tàu 20 ngày còn phải đợi chủ đầu tư thanh toán cho tổng thầu.

Đáng nói, dù thừa nhận việc Bộ GTVT khẳng định, tổng thầu muốn được thanh toán 50 triệu USD như đề xuất thì phải hoàn thành hồ sơ hoàn công là đúng, nhưng vị đại diện Tổng thầu Trung Quốc cũng cho rằng, nếu chủ đầu tư thanh toán khối lượng công trình đầy đủ thì tổng thầu sẽ điều nhân sự sang.

Nhân sự bên Trung quốc đã sẵn sàng và khi thanh toán xong sẽ cử người sang vận hành chạy thử.

Liên quan đến ý kiến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có vận hành được hay không phụ thuộc vào đơn vị tư vấn đánh giá an toàn dự án (Tư vấn ACT- Pháp), ông Đường Hồng cho biết, theo quy định của Việt Nam, các dự án đều phải thông qua đánh giá an toàn hệ thống nên Tổng thầu hoàn toàn tuân thủ quy định của Việt Nam.

"Nhưng tư vấn ACT vào thời kỳ giữa của dự án nên hồ sơ thời gian trước tư vấn yêu cầu tổng thầu không thể cung cấp đúng"- ông Đường Hồng nói.

Đại diện tổng thầu bày tỏ quan điểm rằng, dự án chưa vào khai thác thương mại là rất lãng phí vì ngoài việc các thiết bị đã hoàn thiện bị bỏ không mỗi tháng mất hàng tỉ đồng để bảo dưỡng; toàn bộ hệ thống và Metro Hà Nội đã xây dựng đầy đủ đội ngũ tiếp quản vận hành dự án, nhưng do dự án chưa được bàn giao nhân viên phải chờ đợi. Không có hoạt động, dự án không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả lương cho nhân viên.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ.

Dự án này khởi công tháng 10/2011, nhưng đến nay, tổng thầu EPC chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên dự án không có cơ sở trình cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện. Theo kế hoạch ban đầu, sẽ đưa dự án vào khai thác trong năm 2015.

Hải Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tong-thau-trung-quoc-noi-duong-sat-cat-linh-ha-dong-co-the-chay-trong-nam-2020-post438020.antd