Tổng quan về tên lửa chống hạm Kh-35 chủ lực của Hải quân Việt Nam

Hiện nay lực lượng tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam với nòng cốt là các tàu tên lửa tấn công nhanh cũng như tàu hộ vệ đều đang sử dụng phổ biến loại tên lửa Kh-35E Uran-E, vậy loại vũ khí được mệnh danh là 'tên lửa quốc dân' này có gì đặc biệt?

Trong những năm vừa qua, Quân chủng Hải quân là một trong những lực lượng được cấp trên ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại với việc được đầu tư nhiều vũ khí, trang thiết bị mới vô cùng hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ chủ quyền trên biển thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với sự đầu tư kịp thời, đồng bộ, đội tàu chiến mặt nước Việt Nam với nòng cốt là các tàu hộ vệ Gepard 3.9 và tàu tấn công nhanh 12418 Molniya đã tạo nên sức mạnh răn đe mạnh mẽ, là "nắm đấm thép" chủ lực của ta trong tác chiến. Và khi nhắc đến vũ khí mạnh mẽ nhất trên những chiến hạm này, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tên lửa đối hải Kh-35E Uran-E. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa Việt Nam thực hành tác chiến - Nguồn: Báo Hải quân Việt Nam

Trong những năm vừa qua, Quân chủng Hải quân là một trong những lực lượng được cấp trên ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại với việc được đầu tư nhiều vũ khí, trang thiết bị mới vô cùng hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ chủ quyền trên biển thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với sự đầu tư kịp thời, đồng bộ, đội tàu chiến mặt nước Việt Nam với nòng cốt là các tàu hộ vệ Gepard 3.9 và tàu tấn công nhanh 12418 Molniya đã tạo nên sức mạnh răn đe mạnh mẽ, là "nắm đấm thép" chủ lực của ta trong tác chiến. Và khi nhắc đến vũ khí mạnh mẽ nhất trên những chiến hạm này, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tên lửa đối hải Kh-35E Uran-E. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa Việt Nam thực hành tác chiến - Nguồn: Báo Hải quân Việt Nam

Tên lửa chống hạm Kh-35E (tên tiếng Nga: X-35, định danh NATO: AS-20) là một loại tên lửa chống hạm tốc độ cận âm được sử dụng phổ biến nhất trên tàu chiến Hải quân ta hiện nay, ngoài ra nó cũng có thể được phóng đi từ nhiều nền tảng khác nhau như tiêm kích, trực thăng, bệ phóng mặt đất,… Được thiết kế bởi Phòng thiết kế Zvezda vào năm 1983 nhằm thay thế cho các tên lửa P-15 Termit lỗi thời, tốc độ chậm và tầm bắn hạn chế.

Đây là loại tên lửa thuộc nhóm các tên lửa chống hạm vô cùng phổ biến trên thế giới như Harpoon của Mỹ, Sea Eagle của Anh, Exocet của Pháp,… với khả năng tấn công mục tiêu ở tầm xa ngoài đường chân trời, trần bay cực thấp để tối giảm thời gian bọc lộ trước phương tiện trinh sát, radar phát hiện mục tiêu cũng như các hệ thống phòng thủ tàu. Ảnh: Đồ họa 3D của tên lửa Kh-35E.

Về thông số kỹ thuật cơ bản, Kh-35E dài 4.40m, sải cánh 0.93m, đường kính 0.42m, trọng lượng 630kg. Có thể thấy tên lửa có kích thước khá nhỏ gọn, thuận tiện trong việc di chuyển, lắp đặt. Ví dụ như trên tàu tên lửa 12418 Molniya có thể mang tới cơ số đạn 16 quả Kh-35E dù chỉ có lượng giãn nước hơn 500 tấn. Ảnh: Đồ họa 3D của tên lửa Kh-35E sau khi tháo rời động cơ phóng.

Các tên lửa Kh-35E được đặt trong ống phóng kiêm ống bảo quản có thể tái sử dụng của bệ phóng KT-184, có thể lắp từng quả hoặc cụm 4 quả sẵn cho việc thay thế. Khi nằm trong ống phóng, các cánh của Kh-35E được gấp gọn lại và mở đầy đủ ra sau khi khai hỏa. Ảnh: Cận cảnh bệ phóng KT-184 của tên lửa Kh-35E trên tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9.

Tên lửa Kh-35E mang đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-35E, được thiết kế để có thể dẫn đạn bay trúng mục tiêu được phân công ở pha cuối hành trình. Đầu tự dẫn thực hiện những năng như: Phát hiện và lựa chọn đúng mục tiêu mặt nước cần công kích theo thông số được nạp từ đầu, xác định và cung cấp tham số mục tiêu và tốc độ tiếp cận mục tiêu cho máy tính trên tàu phóng. Có thể quét mục tiêu từ khoảng cách tối đa 20km, khối lượng 40kg, làm việc tại băng sóng X và môi trường từ -50 đến +50 độ C, biển động tối đa cấp 6. Ảnh: Tàu tên lửa BPS-500 công kích tên lửa Kh-35 - Nguồn: Truyền hình Hải quân

Tiếp đến là khối đạn xuyên phá của tên lửa, được kích nổ bằng ngòi đáy theo cơ chế chạm nổ giữ chậm sau khi khối đầu đạn phá lớp giáp ngoài chui vào khoang tàu đối phương. Khối lượng đầu đạn nặng 145kg, có thể tiêu diệt các tàu mặt nước có lượng giãn nước từ 5.000 tấn trở xuống chỉ với một phát bắn trúng đích. Ảnh: Các bệ phóng KT-184 của tên lửa Kh-35E trên tàu 12418 Molniya Hải quân Việt Nam - Nguồn: Người Lao Động

Ngoài ra, tên lửa còn có khối dẫn quán tính, được sử dụng để dẫn tên lửa Kh-35E theo hành trình đã được nhập tham số từ trước tới mục tiêu trước khi kích hoạt đầu tự dẫn radar chủ động. Khối bao gồm một máy tính kiểm soát trạng thái hành trình, một hệ thống cảm biến gia tốc và một hệ thống đo cao vô tuyến. Máy tính tổng hợp tham số từ các hệ thống đồng thời đối chiếu với tham số ban đầu, từ đó dẫn tên lửa theo hành trình dự kiến hoặc tự hủy đến nếu có sai số, chệch mục tiêu. Ảnh: Bệ phóng KT-184 trên tàu hộ vệ Gepard 3.9 - Nguồn: QPVN

Quan trọng không kém trên quả tên lửa chính là khối động cơ tuốc-bin phản lực TRDD-50AT, là động cơ phản lực 2 trục 2 luồng cỡ nhỏ được phát triển cho tên lửa có cánh. Khối có đường kính 330mm, chiều dài 850mm, nặng 82kg. Động cơ giúp tên lửa Kh-35E bay ổn định ở vận tốc hành trình cận âm Mach 0.8. Ảnh: Lắp đặt cụm ống phóng KKT-184 lên tàu tên lửa tấn công nhanh của Vùng 2 Hải quân - Nguồn: Duy Khanh

Tên lửa chống hạm Kh-35E công kích mục tiêu theo nguyên lý “bắn và quên”, với hệ thống dẫn đường kết hợp của tên lửa hoạt động hoàn toàn tự lập sau khi rời ống phóng. Nguyên lý dẫn bắn này giúp cho các phương tiện mang phóng, trinh sát và đảm bảo chiến đấu cho tên lửa có thể cơ động chuyển vị trí ngay sau khi phóng để tránh bị đối phương đáp trả. Trình tự công kích mục tiêu của tên lửa sẽ chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn trinh sát phát hiện mục tiêu, giai đoạn chuẩn bị phóng tên lửa và giai đoạn tên lửa công kích mục tiêu. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa Molniya thực hành công kích mục tiêu trên biển.

Ở giai đoạn trinh sát mục tiêu, các phương tiện trinh sát hoặc radar tìm kiếm trên tàu sẽ thực hiện phát hiện, nhận diện và xác định các tham số của tàu đối phương cần công kích, ngoài ra, quá trình này còn có thể trợ giúp bởi các trạm trinh sát trên bờ và cả vệ tinh. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa tấn công nhanh 12418 Molniya với vũ khí chủ lực là 16 tên lửa Kh-35E.

Ở giai đoạn chuẩn bị phóng tên lửa, bộ phận chiến đấu sau khi nhận đầy đủ thông số mục tiêu từ các hoạt động trinh sát sẽ nạp phần tử bắn vào tên lửa và sẵn sàng nhận lệnh khai hỏa. Do tên lửa Kh-35E có cơ chế chuyển hướng nên khi phóng, tàu không cần phải chuyển hướng về phía mục tiêu như các tàu 1241RE với tên lửa P-20M. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa thực hành công kích trên biển.

Và cuối cùng là giai đoạn tên lửa công kích mục tiêu, sau khi nhận lệnh phóng, các đạn tên lửa sẽ nhanh chóng kích hoạt và bay về phía mục tiêu, đồng thời sử dụng các phương thức dẫn đường tự lập với thông số đã nạp sẵn, vận dụng cơ cấu bay bám sát mặt biển cùng việc có thể dùng nhiều đạn công kích mục tiêu cùng lúc sẽ gia tăng tỉ lệ đánh trúng tàu đối phương lên rất cao. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa Việt Nam thực hành phóng đạn Kh-35E

Có thể thấy rằng, Kh-35E là một tên lửa hiện đại, có sức mạnh lớn, độ tự lập tác chiến cao, tinh vi, xứng đáng là mẫu tên lửa chống hạm chủ lực của Hải quân ta hiện nay. Không chỉ dừng lại ở mức nhập khẩu số lượng lớn, Quân đội ta cũng đang cố gắng hoàn thiện, tự chủ quá trình chế tạo tên lửa Kh-35E nội địa với chương trình KCT-15 và VCM-01 đã công bố gần đây, cho ta thấy một sự phát triển vượt bậc của Công nghệ quốc phòng Việt Nam có thể chế tạo những loại vũ khí tối tân, đáp ứng tốt nhu cầu tác chiến của Quân đội. Ảnh: Bệ phóng KT-184 do Việt Nam chế tạo với tên gọi chương trình KCT-15 - Nguồn: Flickr.

Video Việt Nam hiện đại hóa và tự chế tạo tên lửa Kh-35UV - Nguồn: QPVN

Hùng Dũng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tong-quan-ve-ten-lua-chong-ham-kh-35-chu-luc-cua-hai-quan-viet-nam-1423713.html