Tổng quan thị trường buôn bán vũ khí thế giới

Xin giới thiệu một số số liệu về thị trường vũ khí, các nước xuất khẩu và nhập khẩu vũ khí lớn nhất, xu hướng xuất nhập khẩu vũ khí.

Mặc dù các số liệu không mới (7/2017), nhưng chúng cũng có thể giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quan về vấn đề này. Nguồn số liệu dẫn từ “Bình luận quân sự” (Nga) năm 2017.Các ảnh trong bài là của “Bình luận quân sự”.

Theo các số liệu của Viện nghiên cứu các vấn đề hòa bình thế giới Stockholm (SIPRI), tổng kim ngạch mua bán các sản phẩm quân sự trong 5 năm 2012- 2016 đã tăng 8,4% so với 5 năm trước đó.

Loài người tiếp tục sắm thêm vũ khí và xuất khẩu phương tiện và trang bị (khí tài) quân sự vẫn chiếm một tỷ lệ rất quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tiềm lực kinh tế của nhiều nước. Mỹ và Nga vẫn là các nước xuất khẩu vũ khí chủ yếu trên thế giới, chiếm tới 58% thị phần buôn bán loại sản phẩm này trên thế giới.

SIPRI ((Stockholm International Peace Research Institute- đấy là một viện quốc tế chuyên nghiên cứu các vấn đề hòa bình và xung đột, nhưng trước hết là nghiên cứu các vấn đề kiểm soát vũ khí và các tiến trình giải trừ quân bị.

Theo các số liệu của các chuyên gia viện này, Mỹ kiểm soát khoảng 1/3 thị trường buôn bán vũ khí thế giới, trong đó gần một nửa tất cả các sản phẩm quân sự của Mỹ được bán cho các quốc gia Trung Cận Đông.

Nga kiểm soát hơn 23% thị trường vũ khí thế giới. Cũng theo đánh giá của Viện SIPRI, khoảng 70% vũ khí xuất khẩu của Nga tập trung vào 4 nước: Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Algeria.

Cũng trong các năm 2012-2016, Bắc Kinh đã tăng tỷ lệ xuất khẩu vũ khí trên thị trường thế giới từ 3,8% lên 6,2%. Cùng thời gian này (2012-2016), nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên hành tinh vẫn là Ấn Độ, ngân sách dành cho nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ đã tăng tới 43% so với các năm 2007-2011.

Nước đứng thứ hai về nhập khẩu vũ khí là Arabia Saudi (Arập Xê-ut). Cũng cần nói rõ hơn một chi tiết- Ấn Độ là khách hàng mua vũ khí Nga nhiều nhất, còn Arabia Saudi – mua nhiều vũ khí do Mỹ sản xuất nhất.

Tại Châu Phi, Algeria là nước đứng đầu trong danh sách nhập khẩu vũ khí - chiếm tới 46% tổng khối lượng nhập khẩu vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự vào châu lục này (Algeria cũng là một trong 5 nước mua nhiều vũ khí Nga nhất).

Các nước Châu Phi nhập khẩu nhiều vũ khí nhất, theo nhận xét của các nhà nghiên cứu Thụy Điển, là những nước nằm ở các khu vực xung đột “truyền thống”: Etiopia, Sudan và Nigeria. Thị trường vũ khí Châu Phi cũng là thị trường rất quan trọng đối với Trung Quốc, họ cung cấp vũ khí do nước này sản xuất cho 18 quốc gia Châu Phi.

Giữa tháng 4/2017, trang bigthink.com đã công bố bản báo cáo về 4 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc). Bản báo cáo trên dẫn nguồn số liệu từ SIPRI trong giai đoạn các năm 2011-2015.

Trong văn bản này có các số liệu so sánh các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và các khách hàng lớn nhất của những nước đó, bản đồ địa lý về các hướng cung cấp vũ khí (từ các nước xuất khẩu) trên thế giới.

Những chuyên gia lập bản đồ không cập nhật trên bản đồ những nước nhập khẩu số lượng vũ khí có tổng giá trị <100 triệu đô la (trong giai đoạn 2011-2015) . Các chuyên gia Thụy Điển (SIPRI) cũng đưa ra nhận xét là trong giai đoạn 2011-2015, tổng khối lượng mua bán vũ khí trên thế giới lớn hơn bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đó tính từ khi kết thúc chiến tranh lạnh vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX.

Đến thời điểm hiện tại (2017), Mỹ không chỉ đứng đầu về ngân sách quân sự (611 tỷ đô la năm 2016), mà còn là nhà xuất khẩu vũ khí chủ yếu trên hành tinh. Vũ khí Mỹ là vũ khí bán chạy nhất trên thế giới và hơn nữa, Mỹ vượt các nước khác với một khoảng cách rất đáng kể.

Trong giai đoạn 2011-2015, Mỹ bán các loại vũ khí khác nhau với tổng doanh số 46 tỷ đôla, chiếm 1/3 tổng kim ngạch buôn bán vũ khí toàn cầu (32,8%). Ngay sau Mỹ là Nga, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của nước này cũng trong giai đoạn đó được các chuyên gia SIPRI đánh giá vào khoảng 35,4 tỷ đôla (25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu).

Các chỉ số của hai nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới tính riêng vượt xa tổng kim nghạch xuất khẩu của các quốc gia xếp thứ ba và thứ tư trong bảng xếp hạng là Pháp (8,1 tỷ đôla) và Trung Quốc với 7,9 tỷ đôla.

Cũng trong giai đoạn 2011-2015, các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới là: Ấn Độ, Arabia Saudi, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) và Úc.

Những nước mua nhiều vũ khí Mỹ nhất

Các hướng cung cấp vũ khí (của các nước xuất khẩu) cho phép nhận dạng các ưu tiên địa chính trị của các quốc gia xuất khẩu đó. Cụ thể, các lợi ích địa chính trị của Mỹ rõ ràng là tập trung ở Trung Cận Đông.

Tốp 5 nước mua vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự Mỹ nhiều nhất xếp theo thứ tự lần lượt là: Arap Saudi- 4,57 tỷ đô la, UAE -4,2 tỷ đôla, Thổ Nhĩ Kỳ- 3,1 tỷ đôla, Nam Triều Tiên- 3,1 tỷ đôla và Úc- 2,92 tỷ đôla. Xét toàn cục, Mỹ bán vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự với giá trị hơn 100 triệu đôla cho 42 nước, rất nhiều nước trong số đó nằm ở khu vực Trung Cận Đông.

Trong top 10 khách hàng vũ khí Mỹ, ngoài các nước liệt kê ở trên còn có: Đài Loan (Trung Quốc)- 2,83 tỷ đôla, Ấn Độ- 2,76 tỷ đôla, Singapore- 2,32 tỷ đôla, Iraq- 2,1 tỷ đôla và Ai cập- 1,6 tỷ đôla.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tong-quan-thi-truong-buon-ban-vu-khi-the-gioi-3354034/